Dòng chảy

Giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sài Gòn

Hoàng Nguyễn 24/06/2023 - 17:36

Các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sài Gòn đã được Sở NN&PTNT TP.HCM cùng nhiều chuyên gia đưa ra.

Ngày 23/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh (NN&PTNT TP.HCM) tổ chức hội thảo "Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sài Gòn".

Xử lý nước thải khu chế xuất, công nghiệp, bệnh viện đều đạt trên 95%

Theo Thạc sĩ Nguyễn Viết Vũ, Phó trưởng Phòng Tài nguyên nước - Khoáng sản và Biển đảo, Sở NN&PTNT TP.HCM, tổng lượng nước thải sinh hoạt được thành phố xử lý hiện nay là 193.350 m3/ngày. Lượng nước thải này được xử lý tại 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung và 4 trạm xử lý nước thải trong khu dân cư. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý là 12,6%.

bao-ve-thuy-san-song-sai-gon-3-.jpg
Đại diện Sở NN&PTNT TP.HCM thông tin tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Nguyễn.

Nước thải tại 17 khu chế xuất - công nghiệp, 1 khu công nghệ cao và 2 cụm công nghiệp có chủ đầu tư cơ sở hạ tầng đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc nước thải tự động, truyền dữ liệu về Sở TN&MT TP.HCM để giám sát. Số cơ sở sản xuất công nghiệp (trong KCN có 1.300, ngoài KCN có 2.913/3.035) thực hiện việc xử lý nước thải là 4.213/4.335 cơ sở (đạt 97%) với tổng lượng nước thải được thu gom xử lý đạt quy chuẩn môi trường là 99%.

100% bệnh viện trên địa bàn thành phố đều có hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Lưu lượng thải xử lý đạt chuẩn là 5.904.172/6.213.614 m3/năm, đạt tỷ lệ nước thải xử lý là 95,01%.

Bên cạnh việc thu gom, xử lý nước thải phát sinh, TP.HCM phối hợp với các tỉnh thành lân cận để ký kết Quy chế 37/QCPH-TPHCM-BRVT-ĐN-BD-TN-LA-TG-BP-LĐ về phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường giữa TP.HCM và các tỉnh giáp ranh (Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bình Phước, Lâm Đồng) nhằm trao đổi thông tin chất lượng môi trường nước và kịp thời phối hợp, kiểm tra chất lượng môi trường tại địa bàn giáp ranh.

thuy-san-song-sai-gon-5.jpg
TP.HCM thả cá, thuỷ sản nước ngọt xuống sông Sài Gòn.

Tiềm năng và giải pháp bảo vệ, gia tăng nguồn lợi thủy sản

Tiến sĩ Thái Ngọc Trí, Viện Sinh học Nhiệt đới cho biết, kết quả nghiên cứu về hệ thống lưu vực sông Sài Gòn cho thấy, nguồn lợi thuỷ sản nói chung đa dạng dạng về thành phần loài, phong phú về số lượng. Chúng không chỉ có giá trị về mặt kinh tế thuỷ sản mà còn có giá trị về chỉ thị môi trường sinh học, liên quan đến chuỗi bậc thức ăn trong một hệ sinh thái thuỷ vực xuyên suốt từ thượng nguồn đến hạ lưu cửa sông ven biển là nguồn gene bản địa quý trong kinh tế thuỷ sản và bảo tồn đa dạng sinh học.

Khu hệ cá nói riêng và nguồn lợi thuỷ sản nói chung có nhiều loài có giá trịnh kinh tế cao, là đối tượng khai thác sử dụng làm nguồn thực phẩm trong nước và xuất khẩu, nhiều loài là đối tượng cá cảnh và có tiềm năng phát triển thành đối tượng nuôi làm cảnh, nhiều loài có giá trị khoa học. Nhiều loài đã và đang được nghiên cứu sinh sản nhân tạo, nhằm cung cấp nguồn giống phục vụ cho nghề nuôi thương phẩm, nghề cá cảnh, như cá Chạch Lửa, cá Chìa Vôi,...

Theo các đại biểu, các chuyên gia, để bảo vệ hệ thống sông, nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sài Gòn thì cần có sự phối hợp của các tỉnh thành, các ban ngành.

bao-ve-thuy-san-song-sai-gon-1-.jpg
Các đại biểu trình bày hiện trạng, giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Sài Gòn tại hội thảo.

Ông Châu Thanh An, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Đồng Nai cho biết, để bảo vệ hệ thống sông, nguồn lợi thủy sản và chống rác thải thì các tỉnh thành cần liên kết chặt chẽ, phân loại rác thải tại nguồn, nhất là rác thải nhựa.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Thái Ngọc Trí (Viện Sinh học Nhiệt đới) cho biết, một trong những chiến lược thích ứng và phát triển bền vững về hệ sinh thái thuỷ vực không thể giải quyết vấn đề độc lập của từng ngành, lĩnh vực mà nó phải được tích hợp lồng ghép tổng thể xuyên suốt từ thượng nguồn đến hạ lưu. Sự lồng ghép tích hợp quản lý đa ngành, lĩnh vực, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học, bao gồm cả khai thác, bảo vệ và tái tạo nguồn gene bản địa.

thuy-san-song-sai-gon-2.jpeg
Một số loài cá có ở lưu vực sông Sài Gòn. Nguồn: Tiến sĩ Thái Ngọc Trí (Viện Sinh học Nhiệt đới).

Tiến sĩ Nguyễn Văn Trai (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) cũng cho rằng, cần có sự phối hợp của nhiều ngành nghề, của các cơ quan đoàn thể khác nhau, bao gồm cả các viện trường, cùng tham gia để đánh giá chi tiết điều kiện tự nhiên, đặc tính hệ sinh thái thủy vực và nguồn lợi thủy sản tự nhiên của sông Sài Gòn. Từ đó vạch chiến lược hợp lý cho công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trên thế giới, để phát triển nguồn lợi thủy sản mỗi quốc gia đều phải dựa vào đặc điểm tự nhiên địa lý và sinh học nguồn lợi để áp dụng các biện pháp phù hợp. Những biện pháp thường được sử dụng bao gồm: Nhóm biện pháp quản lý, nhóm biện pháp kỹ thuật, nhóm giải pháp tài chánh, nhóm giải pháp giáo dục/tuyên truyền.

Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM cho biết, phát triển kinh tế trên sông Sài Gòn là cần thiết nhưng cần tránh việc phát triển mà gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, vấn đề rác thải sinh hoạt trên sông Sài Gòn thì thành phố chỉ kiểm soát được một phần. Nếu TP.HCM không kiểm soát rác thải tốt hơn thì rất khó phát triển được kinh tế trên sông Sài Gòn.

bao-ve-thuy-san-song-sai-gon-2-.jpg
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM phát biểu tại hội thảo.

Để quản lý hiệu quả và cải thiện chất lượng nước sông Sài Gòn, trong thời gian qua, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, ban hành các kế hoạch, chương trình, dự án, đề án. Sở NN&PTNT TP.HCM đang tham mưu triển khai thực hiện một số nhiệm vụ như: Lập danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, danh mục nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn; Điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông trên địa bàn thành phố, Xây dựng kế hoạch triển khai quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương; Rà soát, cập nhật phân vùng xả thải; Xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt.

Hoàng Nguyễn