Sống xanh

Các thách thức đối với an ninh nguồn nước

ThS Nguyễn Ngọc Thiệp, Bộ môn Cấp thoát Nước - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM 22/06/2023 - 17:40

Biến đổi khí hậu, khai thác nhiều, trong khi đó dân cư phát triển không đồng đều; gia tăng nhu cầu dùng nước, khó đảm bảo an ninh nguồn nước, cấp nước an toàn tuyệt đối.

Đối với nguồn nước lợ và mặn

Do đặc thù vùng phía đông của lãnh thổ và các cụm đảo đều tiếp giáp với biển và đa số các cửa sông lớn đều đổ ra biển Đông nên trữ lượng, diện tích bề mặt của vùng nước lợ và nước mặn có quy mô lớn.

Tác động lớn nhất đối với nguồn nước này là vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) làm cốt mực nước dâng ven bờ và đới bờ, động lực của sóng mạnh hơn gây ảnh hưởng đến bờ biển và chất lượng vùng tiếp giáp, khả năng gây lan truyền độ mặn sâu vào lục địa.

dong-bang-song-cuu-long(2).jpg
Hoạt động phát triển tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế sẽ có tác động bất lợi đến các vùng hạ du lưu vực sông ở nước ta, đặc biệt tác động bất lợi đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa

Ngoài ra vấn đề khai thác kinh tế vùng ven biển, duyên hải và khai thác khoáng sản trên biển, thậm chí do dòng hải lưu từ quốc gia khác làm ảnh hưởng đến chất lượng nước biển thông qua các loại chất thải dạng lỏng và rắn.

Nguồn nước lợ và mặn không chỉ sẽ là nguyên nhân tạo ra các thách thức trực tiếp cho vùng lưu trữ trữ lượng mà còn sẽ tác động đến các vùng biên giáp ranh nước lợ - nước ngọt. Từ đó tạo ra một thách thức to lớn đối với công tác bảo vệ tài nguyên nước ngọt, đảm bảo anh ninh nguồn nước.

Đối với tài nguyên nước dưới đất

Do là tài nguyên có chất lượng tốt và tại chỗ nên việc khai thác sẽ ít tốn kém cho phí. Từ đó, có những thách thức cơ bản: nước dưới đất bị khai thác nhiều, kể cả khai thác lén phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, thậm chí cho nuôi trồng thủy hải sản; Cứng hóa mặt bằng nhiều khu vực nên giảm khả năng thấm nước bổ cập cho nước dưới đất và hiện tại chưa có công nghệ hay quy chuẩn kỹ thuật chi tiết hướng dẫn cho việc bổ cập nước dưới đất.

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nước dưới đất bị ô nhiễm ngược từ bề mặt do nông nghiệp khép kín thủy văn, do các giếng khai thác ngưng sử dụng không trám lấp hoặc tự lấp không đúng kỹ thuật và do quá trình xây dựng các công trình ngầm phục vụ cho giao thông, thủy lợi, phát triển không gian đô thị ngầm. Các thách thức này đa số chỉ quy mô cục bộ cấp khu vực hoặc địa phương.

Đối với tài nguyên nước bề mặt

Nguồn nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia với 71,7% diện tích lưu vực các sông ở bên ngoài lãnh thổ; 7/13 sông lớn, quan trọng là sông liên quốc gia; 63% nguồn nước mặt xuất phát từ ngoài lãnh thổ.

Hoạt động phát triển tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế sẽ có tác động bất lợi đến các vùng hạ du lưu vực sông ở nước ta, đặc biệt tác động bất lợi đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vô cùng lớn và khó có thể đảo ngược.

Gia tăng dân số, dân số phân bố không đều, dân số tập trung cao tại các đô thị, thưa dân số vùng nông thôn. Tình hình đô thị hóa và nâng cấp đô thị diễn ra nhanh; phát triển nhanh các khu tinh tế biển (vùng bị hạn chế tài nguyên nước ngọt). Trong khi đó, tài nguyên nước lại phân bố không đều theo không gian và thời gian tại mỗi vùng hay địa phương, tài nguyên nước phụ thuộc theo mùa và thời tiết.

Cho nên, một số vùng kinh tế, kinh tế trọng điểm lợi thế về thiên thời, lợi thế về nhân hòa nhưng bất lợi về địa lợi, trong đó có vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt đang gặp khó khăn: Gia tăng nhu cầu dùng nước, khó đảm bảo cấp nước an toàn tuyệt đối.

Duy trì và phát triển thêm diện tích rừng

Vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) với những tác động không lường trước mặc dù có kịch bản dự báo hay thời tiết cực đoan, cùng với sự phân bố dân cư, địa hình tự nhiên của quốc gia, tình hình đầu tư phát triển tập trung mật độ cao sẽ tác động đến công tác quy hoạch chung, quy hoạch ngành nước, công tác tích trữ - bổ cập, điều phối - điều tiết, kiểm soát chất lượng tài nguyên nước, nhất là sự xâm nhập mặn vào vùng nước ngọt theo mùa hoặc vĩnh viễn theo sự gia tăng mực nước biển, mực nước triều nội địa sẽ ảnh hưởng tài nguyên nước, an ninh nguồn nước cho các lĩnh vực (trừ lĩnh vực kinh tế trong vùng nước lợ - mặn) và vùng đồi núi sẽ bị hạn hán là thất mùa vụ hoặc sạc lở do lũ hay xả đập sẽ tăng mức thiệt hại con người, tài sản.

rung.jpg
Duy trì đảm bảo diện tích rừng tự nhiên và rừng nhân tạo và phát triển thêm diện tích rừng, bảo vệ nguồn thủy sinh, bảo vệ lớp thảm thực vật nhằm giảm khả năng bốc hơi nước. Ảnh minh họa

Thách thức trung gian giữa thảm thực vật và tài nguyên nước là duy trì đảm bảo diện tích rừng tự nhiên và rừng nhân tạo và phát triển thêm diện tích rừng, bảo vệ nguồn thủy sinh, bảo vệ lớp thảm thực vật nhằm giảm khả năng bốc hơi nước, tích trữ nước bảo hòa bề mặt, giảm khí nhà kính, giảm gia tăng nhiệt độ trái đất, góp phần giảm tác động BĐKH, ngoài ra thảm xanh chống được xói mòn bề mặt, chống sạt lở gây bồi lắng dòng nước hay hồ chứa sẽ giảm thể tích chứa nước, giảm hao tốn trong nạo vét lòng dòng chảy hoặc lòng hồ.

Thách thức đối với vấn đề quản trị và nguồn lực để giải quyết tổng thể các nhiệm vụ về tài nguyên nước cho trước mắt và 20 - 50 năm tới, thậm chí tầm nhìn xa hơn. Hiện nay, khung pháp lý về quản trị tài nguyên nước đã tương đối toàn diện thông qua các luật và chuẩn bị trình Quốc hội luật Cấp Thoát Nước là một tiến triển có định hướng bền vững trong quản trị.

Tuy nhiên, sự hạn chế là các chính sách dưới luật còn chưa cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước, chưa cụ thể các tiêu chuẩn, qui chuẩn về tái sử dụng nước, tuần hoàn nước, bổ cập tài nguyên nước, đáp ứng với các nhu cầu phát triển đa dạng về khai thác, giám sát quản lý, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước, trách nhiệm bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra.

Việc áp dụng Công nghệ thông tin thông qua số hóa cơ sở dữ liệu tiến dần đến chuyển đổi số trong quản trị, quản lý sẽ là một thách thức lớn đối với công tác đào tạo nhân sự, đầu tư trang thiết bị.

Về nguồn vốn, nguồn lực cho đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên nước từ quản lý đến khai thác mặc dù đã tách ra giữa cấp nước, thoát nước, thủy lợi bằng nhiều mô hình đầu tư khác nhau dưới dạng xã hội hóa nhưng cần xem xét tính đặc thù, tính sống còn, tính chất đảm bảo an ninh kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị trong ngành cấp nước, thoát nước để phân loại ra các dự án, tạo sự tiếp cận thuận tiện cho nhà đầu tư nhưng đảm bảo tuyệt đối cho nền an ninh chính trị và nền kinh tế quốc gia.

Phương hướng tiếp cận an ninh tài nguyên nước và an ninh nguồn nước đảm bảo cấp nước an toàn

An ninh tài nguyên nước, an ninh nguồn nước là một trong những nội dung quan trọng nhất liên quan đến phát triển bền vững và ổn định chính trị, đến chủ quyền quốc gia. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả về tài nguyên nước sẽ góp phần bảo đảm cấp nước an toàn và phát triển bền vững đất nước.

Ngày 23/6/2022, Bộ Chính trị có Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý.

Bộ Chính trị yêu cầu chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

Chủ động khai thác bền vững các nguồn tài nguyên

Từ đó các địa phương phải tăng cường hợp tác có chiều sâu với các tổ chức, các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia chung lưu vực sông - hồ để có những hợp tác hay kiểm soát bảo đảm cùng phát triển bền vững trong khai thác nguồn tài nguyên chung.

Tăng cường mô hình cấp nước, thoát nước liên vùng, liên địa phương để đảm bảo cấp nước an toàn thông qua an ninh tài nguyên nước của vùng, giảm gánh nặng cho địa phương bị hạn chế về tài nguyên nước.

Hoàn thành công tác quy hoạch chung của vùng và của địa phương, đặc biệt là qui hoạch sử dụng đất theo từng thời kỳ, hạn chế điều chỉnh qui hoạch, để đảm có cơ sở dữ liệu cho qui hoạch tài nguyên nước quốc gia, vùng và địa phương bám sát thực tế;

Điều tra, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước theo vùng, lưu vực, địa phương gắn kết với dự báo BĐKH để có cơ sở khoa học cho công tác xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác tài nguyên nước tương ứng với qui hoạch sử dụng đất, giảm chồng chéo;

Xây dựng chính sách luật, (song song xây dựng luật) và hoàn chỉnh: Nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn sau khi các luật liên quan đến tài nguyên nước được ban hành có hiệu lực áp dụng để nâng cao công tác quản lý nhà nước. Đối với cơ quan chuyên trách tập trung xây dựng chính sách nguồn lực, chính sách nguồn vốn, chính sách kêu gọi đầu tư, chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Chỉnh sửa, bổ sung các qui chuẩn, tiêu chuẩn liên quan để các cá nhân và pháp nhân áp dụng vào thực tiễn;

Ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ 4.0 trong việc thống nhất cơ sở dữ liệu, khai thác chia sẽ dữ liệu, thống nhất mô hình phần mềm trong công tác quản lý, giám sát, điều hành từ chính phủ đến địa phương để kịp thời đánh giá hiện trạng, đánh giá diễn biến mới để có kế hoạch điều chỉnh phù hợp, nhất là những thay đổi do BĐKH tác động. Giám sát chặt chẻ các nguồn thải có nguy cơ ảnh hưởng chất lượng tài nguyên nước của khu vực hay địa phương;

Chuyển đổi công nghệ sản xuất để tăng hiệu xuất sử dụng nước, tiết kiệm nước. Phổ biến công nghệ thông qua các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, khoa học công nghệ, tổ chức dịch vụ công nghệ, hội nghề nghiệp…;

Quyết liệt bảo vệ rừng, phát động trồng rừng, xanh hóa các đồi trọc. Đối với đô thị thì giảm bê tông hóa hay cứng hóa các mặt bằng. Mạnh dạng áp dụng công nghệ mới vào xây dựng công trình giao thông, công trình công cộng có tính thấm nước cao để bổ cập tự nhiên cho tài nguyên nước dưới đất.

ThS Nguyễn Ngọc Thiệp, Bộ môn Cấp thoát Nước - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM