Sống xanh

An ninh nguồn nước: Đáp ứng nhu cầu đời sống, bảo vệ môi trường nước và hệ sinh thái

ThS Nguyễn Ngọc Thiệp, Bộ môn Cấp thoát Nước - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM 22/06/2023 06:02

An ninh nguồn nước ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng hôm nay và cho thế hệ tương lai.

An ninh nguồn nước không chỉ là vấn đề của một địa phương, một quốc gia mà hiện đã trở thành vấn đề toàn cầu.

Cân bằng nguồn nước vì mục tiêu phát triển bền vững

An ninh nguồn nước xét phạm vi hẹp hơn, đây là một công tác hỗ trợ đối với nhiệm vụ cấp nước an toàn cho mục đích sinh hoạt đô thị, vùng nông thôn và khu công nghiệp để đảm bảo tối đa cho việc phát triển kinh tế xã hội cho từng khu vực.

Theo dự thảo Luật Tài nguyên Nước: (1) Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (2) An ninh nguồn nước là khả năng bảo đảm của nguồn nước về số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, môi trường.

ths-thiep.jpg
ThS Nguyễn Ngọc Thiệp, Bộ môn Cấp thoát Nước - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM

Đảm bảo an ninh nguồn nước trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện vừa là mục tiêu vừa là giải pháp trong sự phát triển chung của nhân loại. Bảo đảm an ninh nguồn nước có thể hiểu là phải đạt được một hệ thống bền vững về quản trị nguồn nước, kết cấu hạ tầng ngành nước để cân bằng nguồn nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

An ninh nguồn nước ảnh hưởng mọi mặt kinh tế xã hội

Điển hình theo các báo cáo hội nghị - hội thảo và phương tiện truyền thông tổng hợp đưa tin như ngày 13/9/2008, Cục Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phát hiện Công ty Vedan Việt Nam xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải gây ô nhiễm môi trường.

Theo ước tính, Vedan có thể xả nước thải tới 5.000 m3/ngày ra sông. Hành vi vi phạm này là đặc biệt nghiêm trọng. Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra 10 sai phạm của Vedan.

Hay, đợt hạn hán miền Nam Việt Nam 2016 được xem là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua. Trong đợt hạn hán này, có 13 tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long thành bị mặn xâm nhập. 10 tỉnh đã công bố thiên tai, trong đó nhiều tỉnh công bố cấp độ 2. Tại nhiều cửa sông, độ mặn tăng lên mức hơn 30g/l. 20 triệu người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long đã chịu ảnh hưởng.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, khoảng 160.000 ha lúa bị thiệt hại, khoảng 800.000 tấn lúa đã bị mất trắng. Các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất trong đợt hạn hán này là Kiên Giang (hơn 54.000 ha), Cà Mau (gần 50.000 ha), Bến Tre gần (14.000 ha), Bạc Liêu gần (12.000 ha). Tại khu vực Tây Nguyên, lượng nước trên các ao hồ, công trình thủy lợi rơi vào tình trạng cạn kiệt. Thiệt hại do hạn ở các tỉnh Tây Nguyên đều ở mức trên 100 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2016, cá chết hàng loạt trong sự cố tại nhà máy Formosa. Hiện tượng cá chết hàng loạt tại vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) bắt đầu từ ngày 6/4/2016 và sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Sự cố nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh tác động đến cuộc sống của hơn 200 ngàn người dân, trong đó có 41 ngàn ngư dân. Thảm họa này gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của ngư dân, đến những hộ nuôi thủy sản ven bờ, ảnh hưởng đến du lịch biển và cuộc sống của cư dân miền trung. Chỉ riêng tỉnh Quảng Bình có 18 xã chuyên làm nghề biển với hơn 14.000 hộ và 24.000 lao động nghề biển. Cơ quan du lịch quốc gia ước tính sự cố gần như hoàn toàn phá hủy ngành du lịch của khu vực, doanh thu từ du lịch giảm tới 90% trong 11 tháng từ sự cố diễn ra.

o-nhiem-nguon-nuoc-1.jpg
Hàng loạt nguy cơ mất an ninh nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến cấp nước an toàn đã diễn ra từ quy mô nhỏ đến quy mô vùng và quy mô lưu vực đã được truyền thông đưa tin. Ảnh minh họa

Ngoài sự việc cá chết ngoài biển, năm 2016 cũng có nhiều vụ cá chết ở sông hồ khắp ba miền Việt Nam như sông Bưởi (Tháng 5, Thanh Hóa), sông Lạch Bạng (Tháng 5, Thanh Hóa), sông Hinh (Tháng 5, Phú Yên), sông Đồng Nai (Tháng 6, Biên Hòa), sông Mã (Tháng 6, Thanh Hóa), sông Sa Lung (Tháng 6, Quảng Trị sông Ấu (Tháng 7, Hải Dương sông Chà Và (Tháng 10, Bà Rịa - Vũng Tàu), Hồ Tây (Tháng 10, Hà Nội), và Hồ Linh Đàm (Tháng 10, Hà Nội). Đa số nguyên do gây nạn cá chết vẫn chưa rõ nhưng tác hại ô nhiễm môi trường do độc tố, đặc biệt là nguồn nước, là nghi vấn?

Cấp nước an toàn cũng bị ảnh hưởng

Bên cạnh đó, hàng loạt nguy cơ mất an ninh nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến cấp nước an toàn đã diễn ra từ quy mô nhỏ đến quy mô vùng và quy mô lưu vực đã được truyền thông đưa tin.

Có thể kể đến nguồn nước cấp cho Nhà máy nước sông Đà bị ô nhiễm dầu (9/2022); Sông Cái Lớn ở Hậu Giang ô nhiễm, nước chuyển màu đen (5/2019); Nước hồ điều tiết lũ ở Bà Rịa - Vũng Tàu đổi màu tím (2017); Cá chết trắng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (từ 2019 - 2021); Hệ thống sông Đồng Nai kêu cứu (từ 2011- 2020); Nguồn nước sông Sài Gòn đang ô nhiễm nghiêm trọng (2021); Hạn hán thiếu nước kỷ lục vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn (2020); Sông Hồng ô nhiễm nặng 2011 - Sông Hồng đang chết dần 2022; Ô nhiễm Arsen trong nước mặt ở đồng bằng Sông Cửu Long (2010 - 2020); Mối nguy ô nhiễm đe dọa hệ thống sông Cửu Long (2017 - 2020).

Chưa tiếp cận vào kinh tế tuần hoàn: Gia tăng ô nhiễm nguồn nước

Hiệu quả khai thác sử dụng nước, tái sử dụng nước trong các ngành, lĩnh vực còn thấp. Công nghệ sản xuất hay nuôi trồng tiêu hao nhiều lượng nước cấp. Tỷ lệ thất thoát nước cho cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao, công suất khai thác nước thực tế còn thấp hơn rất nhiều so với năng lực thiết kế đầu tư nhất là khai thác nước trong thủy lợi, nông nghiệp.

Việc đầu tư tái sử dụng nước thải sau xử lý còn nhiều hạn chế do chính sách và tiếp cận kỹ thuật công nghệ của chủ nguồn thải còn hạn chế, thông thường chọn giải pháp xử lý cuối đường ống, thay vì xem xét đánh giá ngay từ giai đoạn tiền khả thi đầu tư dự án để mang lại hiệu quả cao nhất khi đầu tư, lại hạn chế do sợ tốn kém cho phí tư vấn hay đầu tư, chấp nhận với phương án chi phí vận hành tổng thể cao.

Áp lực từ phát triển kinh tế - xã hội thông qua các loại hình công nghiệp, dịch vụ, phát triển kinh tế chưa đảm bảo bền vững, chưa tiếp cận vào kinh tế tuần hoàn, gia tăng phát triển nhanh đô thị tập trung sẽ làm ô nhiễm nguồn nước gia tăng, suy giảm chất lượng tài nguyên nước, gây sức ép ngày càng tăng đến cả về số lượng và chất lượng nguồn nước các các sông, suối và các tầng chứa nước, đặc biệt là các nguồn nước phục vụ để sản xuất nước sạch cấp cho mục đích sinh hoạt.

Mô hình tổ chức lĩnh vực khai thác tài nguyên nước và mô hình lĩnh vực cung cấp nước cho các đối tượng khác nhau do nhiều tổ chức quản lý từ ngành dọc đến ngang nên việc điều phối cân đối, ưu tiên điều phối, khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, nguồn nước an toàn với chi phí hợp lý cho sản xuất, sinh hoạt còn bị hạn chế bởi các chính sách.

Các ảnh hưởng đã diễn ra và những diễn biến theo thời gian qua chủ yếu tập trung vào vấn đề chất lượng tài nguyên nước và trữ lượng tài nguyên nước. Các ảnh hưởng trên phần nào cũng phản ánh được nguyên nhân và chỉ ra các thách thức đối với an ninh tài nguyên nước và đảm bảo nguồn nước cho nhiệm vụ cấp nước an toàn mức độ quốc gia và địa phương.

Trong kỳ họp Quốc hội mới đây, Phó trưởng Ban Công tác Đại biểu Tạ Thị Yên dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nếu không có hành động can thiệp, ngăn chặn các mối đe dọa gây ô nhiễm nguồn nước, từ năm 2035, nền kinh tế Việt Nam có thể bị tổn thất khoảng 6% GDP mỗi năm.

Tài nguyên nước là tài sản ngày càng có giá trị

Trong kỳ họp Quốc hội mới đây, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vừa được đưa ra tại phiên thảo luận tổ. Theo ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội, so với thế giới, Việt Nam có tài nguyên nước nhiều, phong phú nhưng phân bố không đều.

Trong khi đó, theo ông Định, sự tái tạo, sử dụng lại nước chưa được nhiều vì vậy ông cho rằng một ngày bao nhiêu triệu m3 nước thải ra, vì vậy sẽ rất tốt nếu có thể áp dụng công nghệ để sử dụng lại nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh cần đặt ra trách nhiệm của Nhà nước trong điều tiết nước giống như điều tiết điện. "Nước là hàng hóa mà đã là hàng hóa thì phải trả tiền. Tài nguyên nước là một ngành kinh tế thu lãi lớn."

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên góp ý về tài chính nguồn nước và đề nghị rà soát kỹ các quy định có liên quan đến khoản thuế, phí, lệ phí hiện hành, nhằm vừa có nguồn thu, vừa tạo nguồn lực để thực hiện hoạt động quản trị tài nguyên nước từ ngân sách Nhà nước.

Bà ủng hộ quy định xã hội hóa ngành nước để "nước có giá" chứ không còn "rẻ như cho", từ đó khuyến khích sử dụng nước có trách nhiệm, tiết kiệm, hiệu quả.

K. Giao (ghi)

ThS Nguyễn Ngọc Thiệp, Bộ môn Cấp thoát Nước - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM