Dòng chảy

Nỗ lực gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt, bảo đảm sinh kế cho ngư dân

Khởi Nguyên 10/06/2023 13:51

“Bảo vệ và tái tạo nguồn lực hải sản đang suy giảm” là một trong những khuyến nghị quan trọng của châu Âu để tháo gỡ thẻ vàng IUU cho ngành hải sản Việt.

Để nguồn lợi hải sản được bảo vệ, duy trì, Việt Nam cần khắc phục tình trạng khai thác tận diệt, hủy diệt, ô nhiễm môi trường biển…

Ngư dân đang khai thác “tận diệt”

Theo tính toán của Tổng cục Thủy sản, lượng hải sản có tiềm năng khai thác hằng năm ở vùng biển Việt Nam chỉ 2,27 - 2,63 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, lượng hải sản đánh bắt ở vùng biển Việt Nam hiện đang gấp khoảng 1,5 lần lượng có thể đánh bắt. Việc đánh bắt quá mức nguồn lợi thủy sản đã làm biển Việt Nam cạn kiệt cá, tôm và các loại hải sản khác.

ngu-dan-1.jpg
Việc đánh bắt quá mức nguồn lợi thủy sản đã làm biển Việt Nam cạn kiệt cá, tôm và các loại hải sản khác. Ảnh minh họa

PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho biết, ngoài đánh bắt quá mức, một số người còn sử dụng các ngư cụ và hình thức đánh bắt trái phép, bị cấm như nghề cào đáy bằng khung sắt có kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi (cào lươn, cào nhuyễn thể, banh lông) tại vùng ven bờ và vùng nước nội địa; sử dụng lưới có mắt quá nhỏ. Một số người còn sử dụng thuốc nổ, đèn pha công suất lớn, xiệc điện, te điện, thuốc độc xyanua để đánh bắt hải sản.

“Các hình thức đánh bắt hải sản sử dụng ngư cụ như thế này gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của các loài thủy sản, hệ sinh thái. Ngoài ra, nhiều loài thủy sản bị đánh bắt vào mùa chúng đẻ trứng, trứng nở ra con non nên tận diệt các thế hệ thủy sản mới. Thậm chí, chúng ta khai thác cả những loài hải sản khi chúng còn rất nhỏ, ví dụ con ghẹ chỉ nhỏ bằng đồng xu; con cá thu, cá hố chỉ nhỏ bằng hai ngón tay,” PGS.TS Thanh Ca nói.

Trong thập niên 1970 -1980, biển Việt Nam giàu nguồn hải sản, nhiều tôm, cá và các loài hải sản khác, nhưng hiện nay biển của ta cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. PGS.TS Thanh Ca cho biết thêm, trước đây, tàu công suất nhỏ đánh bắt được rất nhiều cá và cá rất to. Bây giờ chúng ta phải đóng các tàu mới, đắt tiền, tàu của chúng ta phải đi rất xa, tốn rất nhiều dầu mà chỉ khai thác được rất ít hải sản.

pgs-vu-thanh-ca.jpeg
PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. 

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 1991, năng suất khai thác thủy sản của VN là 1,1 tấn/CV/năm, đến năm 2010 giảm còn 0,37 tấn/CV/năm và đến năm 2020 còn 0,26 tấn/CV/năm.

Hoàn thiện pháp lý trong chống đánh bắt cá trái phép

ThS Hoàng Việt, ĐH Luật TP.HCM, cho biết, là một quốc gia ven biển đang phát triển, cũng giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam bị đánh giá là một trong những quốc gia có chỉ số khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cao trên thế giới. Theo đánh giá của IUU Fishing Index 2021, hiện Việt Nam có chỉ số IUU là 2,48, cao hơn mức bình quân 2,24 của thế giới và đứng thứ sáu trên thế giới.

Chính vì vậy, Thủ tướng ban hành Chiến lược Phát triển Thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để bảo đảm sinh kế cho bà con ngư dân, các cơ quan quản lý nhà nước phải làm tốt hơn việc quản lý nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Việc quản lý nguồn lợi thủy sản chỉ có thể thực hiện được nếu có sự tham gia tích cực của bà con ngư dân. Các quy định luật pháp, các chính sách khai thác thủy sản bền vững của Việt Nam hiện nay đã khá đầy đủ.

the-vang.jpg
Việt Nam đã ban hành 11 văn bản liên quan đến xuất nhập khẩu thủy sản khai thác phù hợp với các quy định phòng, chống IUU. Việc triển khai bước đầu đã có nhiều cố gắng, tiến bộ.

Thống kê, từ năm 2017 đến nay, Việt Nam đã ban hành 11 văn bản liên quan đến xuất nhập khẩu thủy sản khai thác phù hợp với các quy định phòng, chống IUU. Việc triển khai bước đầu đã có nhiều cố gắng, tiến bộ.

Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với bà con ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Điểm nhấn của chương trình lần này là buổi tọa đàm “Chung tay gỡ thẻ vàng cho hải sản Việt” tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa -Vũng Tàu.
Tọa đàm do UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức.

Đây là diễn đàn để các ngư dân, chuyên gia hàng đầu về Luật Biển, nhà quản lý và lực lượng thực thi luật pháp trên biển
phân tích thực trạng, đóng góp ý kiến, kiến nghị các giải pháp để hưởng ứng kế hoạch hành động gỡ thẻ vàng IUU mà Thủ tướng đã ban hành.

Theo GS.TS - đại sứ Nguyễn Hồng Thao (thành viên Ủy ban Lập pháp Quốc tế của Liên Hợp Quốc), hệ thống pháp luật về thủy sản của Việt Nam đã được hoàn thiện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo quản lý, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.

Trong đó, Điều 60 Luật Thủy sản năm 2017 nêu rõ 14 hành vi bị coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp. Đây được coi là khung pháp lý để thực thi và hợp tác cùng các nước trong khu vực, các tổ chức nghề cá khu vực đấu tranh phòng, chống IUU. Từ đó, giúp Việt Nam chủ động tránh các thẻ đỏ, thẻ vàng IUU, nâng cao năng suất khai thác và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khai thác có nguồn gốc, phát triển nền thủy sản Việt Nam một cách bền vững.

Trong khuôn khổ Hội nghị G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản ngày 20/5/2023, tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn Hội đồng châu Âu có tiếng nói để Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU với thủy sản xuất khẩu và hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển nghề cá hiện đại, bền vững. Thẻ vàng thủy sản khi được gỡ bỏ sẽ đảm bảo sinh kế cho hàng trăm nghìn ngư dân Việt Nam và đáp ứng quyền lợi người tiêu dùng EU.

Việt Nam cũng tăng cường kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc khai thác từ tàu nước ngoài vào Việt Nam; cải thiện quy trình để đảm bảo kiểm soát quy trình truy xuất nguồn gốc tại nhà máy chế biến và giám sát nguyên liệu được chứng nhận được sử dụng trong các nhà máy… Những điều này đã giúp làm giảm các lô hàng bị cảnh báo từ phía Ủy ban châu Âu (EC). 

hinh-oa-p1-bai-chuyen-de-4193.jpg
Lực lượng Vùng Cảnh sát biển 3 trực tiếp phát tờ rơi tuyên truyền các quy định tới ngư dân. Ảnh: TTXVN

Chúng ta đã rất tích cực trong đàm phán phân định biển với các nước; tăng cường tuyên truyền về biển, đảo, về các vùng biển chồng lấn, giáp ranh hoặc đang có tranh chấp để ngư dân không vi phạm vùng biển của nước khác khi đánh bắt hải sản; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các tàu vi phạm theo quy định.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký bốn điều ước quốc tế và 17 thỏa thuận quốc tế về các lĩnh vực liên quan đến thủy sản và hợp tác hàng hải với các nước trong và ngoài khu vực. Các thỏa thuận về thiết lập đường dây nóng trong hoạt động khai thác thủy sản cũng được ký kết, như thỏa thuận với Úc và Brunei về phòng, chống IUU; thiết lập đường dây nóng với Trung Quốc năm 2013, Philippines năm 2015 về các sự cố bất ngờ trong hoạt động khai thác trên biển…

Nếu ngư dân tuân thủ tốt các quy định pháp luật về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, không sử dụng các ngư cụ và các hình thức đánh bắt thủy sản bị cấm; không đánh bắt các loài thủy sản được bảo vệ trong mùa sinh đẻ của chúng, bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái biển, chắc chắn nguồn lợi hải sản Việt Nam sẽ phục hồi. Từ đó, bà con có thể khai thác, nuôi trồng thủy sản ở thế hệ này và các thế hệ mai sau.

Muốn phát triển trong biển, hải sản cần có bãi đẻ an toàn, có thể che giấu trứng, con non; có đủ dưỡng chất để nuôi dưỡng các con non cũng như các con trưởng thành; có nơi sống để trốn khi bị các loài khác săn mồi và để nấp rình, săn mồi. Mỗi loài cá, tôm và các hải sản khác trong biển có vai trò khác nhau để duy trì một hệ thống khỏe mạnh, phát triển bình thường.

Các loài hải sản cùng với môi trường xung quanh tạo ra các hệ sinh thái biển khác nhau. Các hệ sinh thái biển quan trọng nhất là rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển. Các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy rằng nếu ta có các hệ sinh thái rừng ngập mặn, san hô, thảm cỏ biển khỏe mạnh, có đầy đủ các loài sinh vật biển sống, ta sẽ có nhiều cá, tôm và các loài hải sản khác ở vùng biển lân cận. Như vậy, công tác bảo tồn biển, bảo vệ các hệ sinh thái sẽ giúp chúng ta duy trì nguồn lợi thủy sản.

PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Khởi Nguyên