Y học

Hội chẩn qua điện thoại, cấp cứu thành công 2 trẻ nhỏ nguy kịch vì tay chân miệng

Bình Minh 10/06/2023 06:20

Hội chẩn từ xa với các chuyên gia ở TP.HCM, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu thành công giúp hai bệnh nhi thoát cơn nguy kịch.

Theo thông tin mới nhất được công bố, bệnh nhi là bé gái N.P.N, 23 tháng tuổi ở Bạc Liêu, sau hai ngày sốt nhẹ, ăn kém, giật mình chới với khi ngủ, trẻ được chuyển vào Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu.

Mới đầu, bệnh nhi được chuẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng độ 2A do Enterovirus 71 (EV71) nhưng bất ngờ chỉ sau ba tiếng từ khi tới viện, tình trạng lại chuyển biến xấu khi sang độ 3 với triệu chứng giật mình nhiều, mạch nhanh và tăng huyết áp.

Các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu đã nhanh chóng sử dụng thuốc Immunoglobulin, vận mạch, chống co giật nhưng không cải thiện. Lúc này, bệnh nhi đã suy hô hấp nặng, sốt cao liên tục và rối loạn huyết động học với mạch nhanh 200 lần/ phút, huyết áp thấp. Tình trạng đang rất nguy hiểm.

Do không cải thiện được thêm, các bác sĩ quyết định gọi điện tới Phó giáo sư, bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, để xin chuyển bệnh nhi lên tuyến trên ở TP.HCM. Tuy nhiên bác sĩ Quang đã phản đối vì cho rằng tình trạng của trẻ rất nặng, nếu di chuyển thì chắc chắn sẽ tử vong.

hoi-chan-tu-xa-loc-mau-_31686278138.jpg
Bệnh nhi được 2 bệnh viện hội chẩn từ xa, lọc máu cấp cứu.  Ảnh bệnh viện cung cấp/báo Phụ nữ TP.HCM

Sau khi hội chuẩn, các bác sĩ thống nhất sẽ tiến hành lọc máu, phương pháp điều trị hiệu quả góp phần cứu sống nhiều bệnh nhi TCM nặng. "Đây là một phương pháp một kỹ thuật rất khó do bệnh nhi TCM thường là trẻ nhỏ - nhỏ tuổi và nhỏ ký, và tình trạng nặng nên dễ thất bại", PGS-TS Phạm Văn Quang thông tin.

Rất may là việc lọc máu đã thành công, giúp bé gái 23 tháng tuổi thoát cơn nguy kịch. Sau hơn 2 tuần, bệnh nhi xuất viện khỏe mạnh và không có di chứng thần kinh.

Trước đó, tại Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu cũng có trường hợp tương tự, một bé gái 28 tháng tuổi bị tay chân miệng độ 4, phù phổi cấp, được tiến hành lọc máu, cứu sống bệnh nhi thành công.

Theo các bác sĩ, trẻ bị tay chân miệng cần được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời, không sẽ rất nguy hiểm. Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Bình Minh