Nguyên liệu sinh học từ bã cà phê AirX tham gia cung ứng xanh
Ngày 5/6/2023, trong buổi ra mắt nguyên liệu sinh học carbon âm tính từ bã cà phê, AirX chính thức ký kết cùng đối tác chiến lược A1 Environment (Singapore).
Theo đó A1 Environment sẽ đảm nhận việc thu gom và cung cấp bã cà phê cho AirX nhằm tạo ra nguyên liệu carbon âm tính.
Ông Thanh Lê, nhà sáng lập AirX cho biết, nguyên liệu âm carbon từ bã cà phê của AirX phù hợp trong sản xuất nhà việc dễ gia công, hiện đang được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam sử dụng.
Ứng dụng của nguyên liệu này rất đa dạng, bao gồm đồ gia dụng và bộ đồ ăn, ôtô, các bộ sản phẩm chăm sóc cá nhân, văn phòng phẩm, dụng cụ làm vườn, đồ nội thất cùng với hàng điện tử tiêu dùng và tự động hóa văn phòng.
Trong Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã công bố mục tiêu giảm phát thải 43,5% vào năm 2030, các mục tiêu phát thải, sản xuất xanh, cụ thể theo ngành cho năm 2030 và 2050.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này sẽ không dễ dàng. Bởi hiện tại, theo các chuyên gia, Việt Nam đang thu được một tỷ trọng lớn GDP từ các ngành phát thải carbon cao, và phần lớn nguồn vốn của Việt Nam gắn liền với năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch.
Hiện nay chính phủ đã triển khai nhiều phương cách để Việt Nam tiến tới mục tiêu “Net Zero”, như năng lượng tái tạo, tín chỉ carbon và giải pháp từ carbon âm tính… Từ đó tạo ra nguồn năng lượng thay thế từ vật liệu phế thải đồng thời cải thiện đa dạng sinh học, giảm xói mòn và bảo tồn tài nguyên nước.
Đón đầu những lợi ích này, việc nghiên cứu sản xuất vật liệu gốc sinh học và các phụ phẩm từ nông nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc đạt được mức carbon âm tính.
Với khát vọng bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí carbon, nguyên liệu carbon âm tính đầu tiên trên thế giới từ bã cà phê của AirX liên quan mật thiết đến việc sản xuất nhựa sinh học âm carbon - mối quan tâm thực sự của thị trường sản xuất toàn cầu.
Theo ông Thanh Lê, hiện nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học từ bã cà phê có năng suất trung bình 700 tấn/ tháng.
Song song với cà phê, nhựa sinh học âm carbon cũng được phát triển từ các phụ phẩm nông nghiệp thân thiện khác như tre, mía, gạo, trấu…, và đây cũng là mặt hàng thế mạnh của AirX đối với nhiều đối tác nước ngoài.
Ông Thanh chia sẻ, để đưa dự án cà phê của mình lên cấp độ tiếp theo là nguyên liệu carbon âm tính, ông Thanh không chỉ tốn công sức mà còn cả phần đầu tư khoảng 1,5 triệu đô la Mỹ, bên cạnh tâm huyết của ba chuyên gia nghiên cứu vật liệu trong suốt 3 năm.
Đối với loại nhựa gốc sinh học mới mẻ này, bước Đánh giá Vòng đời Sản phẩm (LCA) là vô cùng cần thiết, bởi quy trình này phục vụ mục đích ghi lại một cách có hệ thống lộ trình sản xuất của nguyên liệu, phân tích tác động môi trường và từ đó, thực hiện các biện pháp tối ưu hóa.
“Chứng nhận chất lượng đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận các thương hiệu quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của AirX trong một nền kinh tế sinh học tuần hoàn,” ông Thanh khẳng định.
Hiện tại, nguyên liệu đầy tiềm năng này của AirX đã được nhiều doanh nghiệp, đối tác từ Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Châu Âu đặt hàng. Tại thời điểm này, tổng thành phần phế thải cà phê hoặc phụ phẩm nông nghiệp đang chiếm khoảng 30-80% và phần còn lại là PP tái chế (nhựa tái chế) có chứng nhận GRS.
Tham vọng của nhà sản xuất là trong năm 2024, hạt nguyên liệu âm carbon bằng cà phê sẽ gồm 90% nguyên liệu sinh học và 10% nguyên liệu PP tái chế, đồng thời đưa giá thành sản phẩm không quá đắt.
“Khi sản xuất ở quy mô đủ lớn, giá thành hạt nhựa sinh học âm carbon thậm chí sẽ cạnh tranh được với nhựa nguyên sinh, cạnh tranh sòng phẳng với các nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời giúp các nhà máy giảm thiểu phát thải carbon ra môi trường,” ông Thanh Lê nói.
Trước khi vật liệu nhựa sinh học âm carbon gốc cà phê được giới thiệu, AirX cũng đã đạt được thành công đáng kể khi đạt được doanh số hàng trăm nghìn chiếc AirXCoffee Mask (loại khẩu trang tái sử dụng làm từ cà phê) mỗi ngày cho hơn 50 quốc gia trên thế giới.