Chuẩn bị công bố danh sách những doanh nghiệp tham gia đấu giá tần số 4G và 5G
Dòng chảy - Ngày đăng : 13:45, 13/05/2023
Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, thuộc Bộ TT&TT tiết lộ, lần tham gia đấu giá này không chỉ có các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ di động, mà còn có thể có thêm các gương mặt mới có đủ điều kiện. Do vậy, không loại trừ khả năng thị trường di động sẽ xuất hiện thêm nhà mạng mới tham gia, sử dụng công nghệ 4G và 5G.
Được biết, giá khởi điểm đấu giá tần số 2300-2400 MHz cho 3 khối băng tần là 17.394 tỷ đồng. Cụ thể đối với khối băng tần A1 (2300 – 2330 Mhz), A2 (2330 – 2360 Mhz), A3 (2360 – 2390 Mhz) đều có giá khởi điểm 5.798 tỷ đồng và thời hạn sử dụng là 15 năm. Như vậy, với mức giá khởi điểm này, mỗi nhà mạng sẽ trả phí tần số trên lý thuyết ít nhất là 386 tỷ đồng/năm. Ngoài ra chưa kết tới xây dựng một mạng di động phủ sóng toàn quốc, nhà đầu tư cũng phải bỏ ra vài tỷ USD đầu tư ban đầu.
Trước đây, các cơ quan nhà nước phê duyệt cho doanh nghiệp cấp phép khai thác tần số hoặc thi tuyển để lấy tần số. Tức là băng tần được cấp phép miễn phí và cho các doanh nghiệp khai thác phải trả phí băng tần theo quy định của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên hiện tại khi Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực, các nhà mạng muốn có băng tần tốt đều phải tham gia đấu giá công khai, minh bạch. Sự thay đổi này giúp tìm được doanh nghiệp có thực lực kinh tế và thực chiến trên thị trường.