Định hướng đưa Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu

Công nghệ - Ngày đăng : 13:50, 13/05/2023

Đại diện Bộ TT&TT, Cục Công nghiệp ICT chia sẻ về định hướng đưa Việt Nam trở thành một phần của chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu.

Cục Công nghiệp ICT, thuộc Bộ TT&TT mới đây đã tổ chức buổi “Tọa đàm tăng cường cơ hội hợp tác đầu tư với Trung tâm vi điện tử liên đại học – IMEC và Việt Nam” tại Hà Nội. ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM cho hay, Việt Nam vẫn là nước đang có lợi thế về nguồn nhân lực ICT tại ASEAN, tuy nhiên mới chỉ là tiềm năng và cần phải đào tạo để trở thành lực lượng đắc lực.

Bên cạnh đó, lãnh đạo của khu công nghệ cao TP.HCM còn đề cập tới việc thu hút các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn là người Việt đang ở nước ngoài về làm việc trong nước bằng chính sách miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT Nguyễn Thiện Nghĩa chia sẻ về định hướng đưa Việt Nam trở thành một phần của chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu.

Việt Nam sẽ tham gia từng bước vào hệ sinh thái vi mạch bán dẫn. Bước đầu sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ như đóng gói, kiểm thử, thiết kế cho các tập đoàn công nghệ lớn. Sau đó đặt vấn đề và cân nhắc có hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam hoặc đi sâu hơn vào lĩnh vực đóng gói, kiểm thử.

Theo Trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM Nguyễn Anh Thi, để trở thành một phần của chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu, Việt Nam cần tập trung vào thế mạnh của mình là hai khâu thiết kế và đóng gói ở giai đoạn đầu tiên.

Cụ thể hơn, ở khâu thiết kế, hiện Việt Nam vẫn chủ yếu làm công đoạn phía sau hoạt động lắp ráp, còn phần hoạt động xử lý chưa thực hiện đủ tốt, trong khi đây lại là phần có giá trị gia tăng lớn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước làm về thiết kế vi mạch cần tập trung nhiều hơn cho công đoạn có giá trị cao hơn.

Với khâu đóng gói, ông Nguyễn Anh Thi cho rằng, Việt Nam cần thu hút thêm các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của nhà đầu tư chiến lược ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn như Intel. Lưu ý thêm về xu hướng đóng gói phi đồng nhất. Bởi lẽ, khi công nghệ đi theo xu hướng mới này, công đoạn đóng gói tưởng như có giá trị gia tăng thấp sẽ trở thành công đoạn có giá trị cao.
Dự kiến tháng 8/2023 Ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM sẽ cùng đối tác quốc tế cho ra mắt Trung tâm ươm tạo về vi mạch với mục đích hỗ trợ những doanh nghiệp trong nước làm trong khâu frond-end.

Viện trưởng Viện CNTT thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - ông Trần Xuân Tú cho biết, Viện sẵn sàng cho nhiều hình thức hợp tác trong thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn với các đơn vị như IMEC.

Bình Minh