Bí quyết để có hàm răng đẹp, nụ cười xinh.

Đời sống - Ngày đăng : 10:11, 12/05/2023

Răng đẹp sẽ giúp các đường nét trên khuôn mặt trông hài hòa, mềm mại hơn và đặc biệt dễ gây thiện cảm với người đối diện. Vậy, làm sao để có hàm răng đẹp?

Thế nào là hàm răng đẹp?

Một hàm răng đẹp, khi nó hài hòa với các yếu tố thẩm mỹ khuôn mặt và đảm bảo được chức năng ăn nhai. Thứ nhất, là hàm răng có cung răng đẹp. Cung răng là đường cong đi qua rìa cắn răng cửa, đỉnh răng nanh và đỉnh múi ngoài răng hàm lớn và răng hàm nhỏ. Có 2 cung răng, một cung răng hàm trên và một cung răng hàm dưới. Cung răng đẹp khi, các răng được sắp xếp theo một thứ tự nhất định nằmcạnh nhau theo một đường cong cung răng, các răng trên và răng dưới được tiếp xúc với nhau đúng vị trí khớp cắn.

Thứ hai, hình thể răng đạt các yếu tố, như: chiều rộng, chiều cao, đường viền răng, độ uốn cong của bề mặt răng… Màu răng phải trắng sáng, có độ trong và độ bóng tự nhiên. Đường viền nướu đều, cười nói không bị lộ nướu nhiều.

Niềng răng có phải là phương pháp có được hàm răng đẹp?

Niềng răng là phương pháp chỉnh nha sử dụng các khí cụ như máng trong suốt, mắc cài, dây cung, thun... để điều chỉnh răng về đúng vị trí trên cung hàm, đúng khớp cắn, xử lý được tình trang răng bị hô, móm, thưa, răng mọc lệch, sai khớp cắn… giúp bạn có một hàm răng đều, đẹp, và cải thiện sức khỏe răng miệng.

BS. Lữ Minh Nhựt tư vấn tình trạng răng của khách hàng

Tuy nhiên, để có hàm răng sau niềng đẹp, cần nhiều yếu tố, như: tay nghề, kinh nghiệm và mắt thẩm mỹ của bác sĩ, hiện chưa có một quy chuẩn nào cho quy trình niềng răng ở Việt Nam cho chuẩn người Việt Nam, đa số dựa vào các quy chuẩn của Châu Âu và Mỹ, các thông số đó có thể giải quyết vấn đề chức năng ăn nhai, chứ chưa giải quyết được vấn đề thẩm mỹ cho chuẩn người Việt Nam. Do vậy yếu tố thẩm mỹ rất quan trọng, bác sĩ điều chỉnh cung răng như thế nào để phù hợp với các yếu tố của khuôn mặt. Chẳng hạn, trường hợp răng hô, tỉ lệ cân kéo răng phải tính rất cẩn thận, nếu kéo vùng răng trước vào quá nhiều sẽ có nguy cơ phát sinh bị móm, các răng cửa bị cúp vào, cung răng mất tự nhiên, và việc chỉnh sửa lại rất khó. Hoặc các trường hợp răng bị mài mòn nhiều, bị biến dạng... khi đó Bác sĩ phải biết cách điều chỉnh mài tỉa lại răng cho đúng hình dáng giải phẫu mỗi răng, có như vậy các răng sắp xếp lại mới đúng khớp cắn và đạt được độ thẩm mỹ cao cho cả cung răng, hàm răng.

Bên cạnh đó, cần sự hợp tác của bệnh nhân trong quá trình niềng răng như đi khám đúng lịch hẹn, giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch; tránh thức ăn dai, dính (kẹo cao su, bánh ích), thức ăn cứng, hạn chế thức ăn đồ uống ngọt … vì chúng có đường và axít dễ dẫn đến sâu răng và ăn mòn răng.

Nên lưu ý, hiện nay, tình trạng quảng cáo tràn lan, thông tin quảng cáo “quá lời”, kèm theo video hình ảnh đẹp, bắt mắt, dễ tạo niềm tin khách hàng. Nhiều khách hàng khi có nhu cầu, tin tưởng làm ngay mà không kiểm chứng và hy vọng sẽ có hàm răng đẹp. Kết quả, không đẹp như mong muốn mà còn phải tốn tiền điều trị “hậu” niềng răng.

Biến chứng niềng răng là gì?

Lưu ý, khi chỉnh nha sai kỹ thuật có thể làm tiêu xương nhiều, tụt nướu răng, các răng bị sai lệch độ nghiêng, thiếu độ khít dẫn đến sai khớp cắn, khó ăn uống. Đồng thời khiến răng bị hỏng, tăng nguy cơ rơi rụng răng. Như vậy ngay cả chức năng ăn nhai không đạt thì không thể xét tới yếu tố thẩm mỹ.

Tốt nhất, nên tìm hiểu những người đã niềng răng, hỏi họ về dịch vụ nơi họ làm và kết quả có hài lòng không. Bên cạnh đó, cần xem nha khoa đó có giấy phép hoạt động cũng như bác sĩ có giấy phép hành nghề hay không và bác sĩ đó có kinh nghiệm về niềng răng hay không?

Để có hàm răng đẹp, cần lưu ý gì?

Khách hàng niềng răng tại Nha khoa Minh NhựtTốt nhất nên cho trẻ đi khám răng định kỳ, ngay trong giai đoạn mọc răng sữa. Răng và xương hàm còn đang trong giai đoạn phát triển, chưa cứng chắc nên sẽ dễ đáp ứng với những thay đổi lúc này nhưng cũng rất hạn chế can thiệp.

Giai đoạn khi trẻ từ 7 - 11 tuổi. Trong khoảng thời gian này, cấu trúc xương đang trong quá trình phát triển, rất dễ uốn nắn và điều chỉnh các răng về vị trí mong muốn để răng đều đặn hơn. Giai đoạn này Bác sĩ sẽ theo dõi hàm răng hỗn hợp với mục đích dự phòng, can thiệp, sửa chữa những sai lệch nặng, tạo khoảng xương hàm phù hợp cho các răng vĩnh viễn sắp mọc. Có những vấn đề thường gặp như khớp cắn sâu, chéo hay lệch lạc về xương hàm… có thể được loại bỏ bằng các khí cụ chức năng. Từ đó, quá trình chỉnh nha sẽ dễ dàng hơn, thời gian phải đeo niềng răng sẽ được rút ngắn lại và hiệu quả đạt được sẽ cao hơn.

Khi trẻ từ 12 - 16 tuổi, xương hàm phát triển vững chãi hơn, phù hợp với việc can thiệp, răng trên hàm đã mọc đầy đủ. Đây là giai đoạn phổ biến nhất để niềng răng. Mục tiêu của giai đoạn điều trị này là nhằm di chuyển răng và sắp xếp lại răng để đạt kết quả thẩm mỹ và chức năng tối ưu. Ở giai đoạn này khi can thiệp vào sự sắp xếp các răng cũng có thể gián tiếp can thiệp quá trình phát triển xương hàm.

Thời gian niềng răng cho trẻ thường mất khoảng 18 đến 24 tháng. Kết quả và phương pháp có thể thay đổi tùy theo thể trạng mỗi người. Thời gian và kết quả niềng răng phụ thuộc vào tuổi cũng như hình thái lệch lạc của răng và xương hàm trong từng trường hợp cụ thể. Trẻ niềng răng ở giai đoạn này, sau khi niềng cần cố định cung răng lâu hơn ở người trưởng thành, vì xương hàm chưa phát triển hoàn thiện, xương hàm còn phát triển thì răng vẫn còn thay đổi vị trí.

BS. Lữ Minh Nhựt