Nghiên cứu về rắn bông súng
Dòng chảy - Ngày đăng : 15:05, 01/05/2015
Rắn bông súng là loài động vật hoang dã thuộc giống rắn bồng (Enhydris), loài này có trữ lượng khá nhiều ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang. Nó là loài rắn hiền, thường hoạt động vào ban ngày ở khắp các lưu vực sông thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chúng có thịt thơm ngon và có giá trị thương phẩm cao nên bị săn bắt ngày càng nhiều, nhất là vào mùa nước nổi, dẫn đến số lượng trong tự nhiên đang bị giảm một cách nhanh chóng. Đã có nhiều mô hình nuôi thử nghiệm loài này ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng cách nuôi còn tự phát, chưa có đủ cơ sở khoa học để nuôi đúng quy trình và có hiệu quả kinh tế. Do đó, cần nghiên cứu về những đặc điểm sinh học của loài, để có những dẫn liệu khoa học nhằm làm cơ sở để góp phần hoàn chỉnh quy trình nuôi, giúp người nuôi cũng như bảo tồn được số lượng cá thể ngoài tự nhiên.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, rắn bông súng có chiều dài thân tương đối nhỏ. Rắn cái có chiều dài thân trung bình là 547,93 ± 8,38 mm, lớn hơn rắn đực với chiều dài thân trung bình là 523,93 ± 5,88 mm. Khối lượng cơ thể trung bình của rắn bông súng cái là 45,20 g, đối với rắn đực là 51,64 g. Kết quả cũng cho thấy, khối lượng thức ăn, khối lượng mỡ và độ no của rắn cái đều lớn hơn rắn đực. Rắn bông súng đực có khối lượng tinh hoàn trung bình là 0,23 g, chiếm 0,45% khối lượng trung bình của cơ thể. Khối lượng trung bình buồng trứng phải và trái của rắn cái bằng nhau. Số lượng trứng tối thiểu là 9 trứng, tối đa là 54 trứng trong mỗi buồng trứng.