Hội nghị khoa học lần X Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM: công bố nhiều giải pháp khoa học mới

Dòng chảy - Ngày đăng : 23:40, 12/11/2016

Ngày 11/11, Trường đại học khoa học tự nhiên (ĐH KHTN) thuộc Đại học quốc gia TP. HCM (ĐHQG-HCM) đã Hội nghị khoa học lần X.

GS.TS. Châu Văn Tạo, phó hiệu trưởng cho biết, hội nghị khoa học công bố những ý tưởng, thông tin, giải pháp khoa học mới, hữu ích, cũng như hình thành được các mối quan hệ, hợp tác mới trong nghiên cứu và đào tạo.

Nghiên cứu về tín hiệu điện não và ứng dụng 
Đó là một hướng nghiên cứu rất táo bạo của các tác giả Huỳnh Quang Vũ, Huỳnh Văn Tuấn, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Trường ĐH KHTN, họ đã quyết định nghiên cứu về tín hiệu điện não và ứng dụng. Theo nhóm nghiên cứu, tín hiệu điện não (Electroencephalography - EEG) thu được thường bị ảnh hưởng của nhiều loại nhiễu khác nhau: nhiễu 50 Hz, nhiễu cơ do cơ thể chuyển động, nhiễu tim, nhiễu mắt,... Trong nghiên cứu này, các tác giả  sử dụng các phương pháp: phân tích thành phần độc lập (Independent Component Analysis– ICA), phương pháp biến đổi Wavelet rời rạc và phương pháp lọc số để lọc nhiễu, phân loại thành phần cơ bản cho tín hiệu điện não. Sau đó tính các giá trị năng lượng trung bình của tín hiệu điện não để nhận diện các trạng thái của tín hiệu điện não như: chớp mắt, buồn ngủ, cảm xúc, suy nghĩ, hút thuốc, huyết áp. Các kết quả tính toán và mô phỏng trên tín hiệu điện não đã chứng minh cho tính hiệu quả của giải pháp.
Tiếp theo phải kể đến việc nghiên cứu mô hình phòng chụp CT bằng chương trình MCNP5 của nhóm nghiên cứu Trần Ái Khanh, Cao Minh Thông, Trương Thị Hồng Loan, Mai Văn Nhơn, Trường ĐH KHTN, Đặng Nguyên Phương, Trường ĐH Freiburg, Đức. Thiết kế che chắn cho phòng chụp CT là công việc cần thiết nhằm đảm bảo an toàn bức xạ cho kỹ thuật viên và mọi người. Nhóm tác giả tiến hành tính toán giá trị CTDIw thực nghiệm và sử dụng chương trình MCNP5 để xác định hệ số chuẩn hóa giữa mô phỏng và thực nghiệm. Từ đó, thực hiện khảo sát phân bố liều bên trong và bên ngoài phòng chụp CT khi kích thước phòng thay đổi. Ngoài ra, sự ảnh hưởng của photon tán xạ từ vật liệu che chắn đến bệnh nhân khi thu hẹp kích thước phòng cũng được thực hiện trong công trình này.
Năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng vô tận sẽ thay thế dần các nguồn năng lượng truyền thống như: năng lượng hóa thạch, thủy điện, hạt nhân,… Phương pháp tracking là một trong số các giải pháp giúp nâng cao năng lượng thu được từ các hệ thống điện mặt trời được ứng dụng tại nhiều nước phát triển nhưng chưa được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu Tăng Huệ Hưng, Nguyễn Văn Hiếu, Trường ĐH KHTN, đã thiết kế và chế tạo một hệ tracking năng lượng mặt trời theo phương pháp tracking thụ động. Nguyên lý chính là dựa các dữ kiện bất biến như kinh vĩ độ, các tham số thời gian để tính toán được vị trí tương đối góc mặt trời từ đó điều khiển mặt tấm panel luôn hướng vuông góc mặt trời. Các kết quả thực nghiệm cho thấy giải pháp tracking thụ động có nhiều ưu điểm và kỳ vọng có thể giúp tăng trên 30% lượng điện năng thu được.
Với nghiên cứu và chế tạo máy nước nóng lạnh thông minh sử dụng diệt vi khuẩn công nghệ nano tích hợp tia cực tím (UVLED), các tác giả Nguyễn Văn Hiếu, Đặng Trần Ngọc Anh, Phạm Xuân Hiển, Phạm Hữu Đức, Trường ĐH KHTN đã mở ra một hướng mới. Tia tử ngoại từ UV LED và UV Lamp chiếu xạ vào mẫu nước để tiêu diệt vi khuẩn. Các bước sóng càng ngắn thì khả năng tạo ra năng lượng phá vỡ mối liên kết cộng hóa trị của vi khuẩn càng lớn, điều này dẫn đến là tỷ lệ diệt vi khuẩn càng cao. Do đó, bước sóng ngắn từ 400 nm - 100 nm của tia tử ngoại diệt khuẩn với hiệu quả cao. Trong nghiên cứu này, họ đã chế tạo thành công máy nước nóng lạnh thông minh sử dụng vi xử lý cho nước uống khử vi khuẩn sử dụng công nghệ lọc nano tích hợp tia cực tím (UVLED). Thiết bị hoạt động tự động rút nước qua ly giấy. Nước uống được xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Thiết bị đang cộng tác với doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao TP. HCM để hoàn thiện cấu tạo và hoạt động để đưa ra thị trường trong thời gian sắp tới.
Nghiên cứu khoa học bảo vệ sức khỏe con người
Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng mất trí nhớ ở người già và được đặc trưng bởi mất trí nhớ và chức năng nhận thức khác. Hiệu ứng gây mất trí nhớ của scopolamine được nghiên cứu trong những bài kiểm tra hành vi khác nhau như: mê lộ nước, nhận thức đồ vật, mê lộ chữ Y và tránh thụ động. Trong nghiên cứu này, các tác giả Lâm Thị Mỹ Linh, Trường ĐH An Giang, Nguyễn Thị Thanh Mai, Cấn Văn Mão, Trường ĐH KHTN đánh giá khả năng cải thiện trí nhớ của cao metanol từ thân cây Căm xe trên hai bài tập kiểm tra là: mê lộ nước và mê lộ chữ Y. Kết quả cho thấy, cao chiết từ thân cây Căm xe có thể bảo vệ chuột khỏi sự ảnh hưởng làm giảm khả năng học hỏi và hình thành trí nhớ của scopolamine theo đánh giá của các thử nghiệm mê lộ nước. Và ở mê lộ chữ Y các kết quả cũng chỉ ra rằng cao chiết từ thân cây Căm xe (100 mg/kg) cải thiện khả năng giảm sự thay đổi luân phiên tự phát do scopolamine gây ra.
Trong quá trình sàng lọc các cây thuốc, nhóm nghiên cứu Nguyễn Xuân Hải, Lê Thị Lệ Hằng, Đỗ Văn Nhật Trường, Lê Hữu Thọ, Nguyễn Trung Nhân, Nguyễn Thị Thanh Mai, Trường ĐH KHTN, Hiroyasu Esumi, Trường ĐH khoa học Tokyo, Suresh Awale, Trường ĐH Toyama, Nhật Bản đã phát hiện cao methanol của vỏ cây Xoài tượng (Mangifera indica) có khả năng ức chế tế bào ung thư tụy PANC-1 trong môi trường thiếu dinh dưỡng, mà không gây độc trong môi trường giàu dinh dưỡng. Khảo sát thành phần hóa học cao này đã phân lập được 19 hợp chất, trong đó có 2 hợp chất mới khung cycloartane là mangiferolate A (1) và mangiferolate B (2). Cấu trúc các hợp chất này được xác định bằng các phương pháp phổ nghiệm. Trong các hợp chất phân lập được, isoambolic acid (12) và mangiferolate B (2) có khả năng gây độc tế bào ung thư tụy mạnh trong môi trường thiếu dinh dưỡng.
Cũng trong quá trình nghiên cứu hoạt tính gây độc tế bào ung thư tuyến tụy PANC-1, nhóm nghiên cứu Đỗ Văn Nhật Trường, Nguyễn Vương Khánh Đăng, Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Trung Nhân, Nguyễn Thị Thanh Mai, Trường ĐH KHTN đã phát hiện ra cao ethanol của keo ong loài ong không ngòi đốt Trigona minor có hoạt tính mạnh. Trong quá trình khảo sát thành phần hóa học của loài này đã phân lập được hơn 30 hợp chất thuộc nhóm triterpene khung cycloartane và epoxylignan. Trong đó các hợp chất triterpene khung cycloartane cho thấy có hoạt tính mạnh và có hàm lượng lớn. 

Như Quỳnh