Công bố nhiều công trình nghiên cứu về ngôn ngữ học
Dòng chảy - Ngày đăng : 09:47, 26/12/2018
Hội thảo thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả trong và ngoài nước. Ban tổ chức đã nhận được khoảng 100 tham luận, trong đó có nhiều tham luận từ các học giả quốc tế. Các tham luận mang lại nhiều thông tin khoa học mới mẻ về các ngôn ngữ Đông Nam Á và Việt Nam. Mỗi tham luận gửi đến hội thảo đều được 2 nhà khoa học phản biện theo hình thức phản biện khuyết danh.
Hội thảo đánh dấu cho bước phát triển quan trọng của ngành ngôn ngữ học ở phía nam và tạo tiền đề cho các hội thảo quốc tế về ngôn ngữ học do Trường tổ chức về sau. Hội thảo một lần nữa khẳng định tầm nhìn, sứ mạng và triết lý giáo dục của Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM và cho thấy sự phát triển của bộ môn ngôn ngữ học, ngành ngôn ngữ học ở khu vực phía Nam. Đây là không gian học thuật để các nhà khoa học trong và ngoài nước giao lưu và công bố các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ học và các khoa học liên ngành ở Việt Nam và Đông Nam Á. Chủ đề hội thảo vừa phù hợp với đặc trưng của chuyên ngành vừa đi vào trọng tâm nghiên cứu ngôn ngữ học của khu vực Đông Nam Á, nhất là tập trung vào các nghiên cứu theo định hướng so sánh đối chiếu và ứng dụng, với các chủ đề cụ thể như:
- Ngôn ngữ học cấu trúc của tiếng Việt và các ngôn ngữ Đông Nam Á;
- So sánh đối chiếu các ngôn ngữ ở Đông Nam Á;
- Ngôn ngữ học ứng dụng và các sản phẩm ứng dụng ngôn ngữ trong đời sống xã hội Việt Nam và Đông Nam Á;
- Vai trò của truyền thông, của công nghệ thông tin và mạng internet đối với sự phát triển và biến đổi các ngôn ngữ ở Việt Nam và Đông Nam Á;
- Tình hình sử dụng ngôn ngữ của các dân tộc ít người, chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam và Đông Nam Á
- Các lý thuyết mới trong nghiên cứu ngôn ngữ.
Thầy Trần Chút - Nguyên Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP. Hồ Chí Minh phát biểu nhận xét tham luận
Hội đồng phản biện khoa học là những nhà khoa học có tên tuổi trong và ngoài nước. Hội đồng phản biện quốc tế gồm 4 nhà khoa học đến từ ĐH Ottawa (Canada), ĐH hoàng gia Campuchia, Viện nghiên cứu hoàng gia Campuchia, ĐH ngoại ngữ Osaka (Nhật Bản) và Hội đồng phản biện Việt Nam gồm 14 nhà khoa học, nhà nghiên cứu đang công tác tại các trường đại học, trung tâm, viện nghiên cứu ở Việt Nam.
PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan, trưởng ban tổ chức hội thảo, hiệu trưởng Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn cho biết: hội thảo hướng đến một trong những mục tiêu phát triển quan trọng của nhà trường là đẩy mạnh, phát triển nghiên cứu khoa học; đánh dấu sự hội tụ, sự kết nối nghiên cứu khoa học ở Việt Nam và Đông Nam Á. Nhà trường kỳ vọng hội thảo sẽ mang đến một không gian học thuật lý tưởng để các nhà khoa học công bố những nghiên cứu mới nhất của mình và nhận được sự quan tâm, trao đổi, thảo luận của những người tham dự; hội thảo cũng mở ra nhiều triển vọng hợp tác nghiên cứu ngôn ngữ giữa các nhà Việt ngữ học, giảng viên, NCS, HVCH của trường với giới nghiên cứu ngôn ngữ học trên thế giới và trong khu vực.
Qua những báo cáo, qua những cuộc thảo luận sôi nổi, mỗi học giả, mỗi nhà nghiên cứu sẽ có thêm tiền đề nghiên cứu, thêm ý tưởng cho những công trình mới. Tiêu biểu như tham luận của GS.TS. Nguyễn Đức Dân về “Lý thuyết đa thanh trong phân tích diễn ngôn” đã đặt ra một số vấn đề cần lưu ý trên thành tựu nghiên cứu tiếng Việt; tham luận của TS. Nguyễn Hữu Chương “Tiền giả định (TGĐ) của một số nhóm động từ trong tiếng Viêt” đã cung cấp ngữ liệu phong phú là 15 loại TGĐ của động từ, gợi ra nhiều vấn đề thảo luận về TGĐ; tham luận của ThS. Lư Bội Thiên “Nghiên cứu trường hợp sử dụng ngôn ngữ của trẻ em có bố mẹ là người Quảng Đông ở Quận 5” là công trình có tính ứng dụng, có cách tiếp cận khác với cách tiếp cận trường quy. Việc giới thiệu cách tiếp cận này rất có ý nghĩa đối với các học viên cao học và nghiên cứu sinh ở Việt Nam hiện nay.
Nhiều tham luận được thực hiện công phu, thể hiện niềm đam mê nghiên cứu và thái độ nghiêm túc trong khoa học của các tác giả như “Tìm hiểu ý nghĩa số từ “ba” trong tiếng Việt qua thành ngữ - tục ngữ - ca dao” (GS.TS. Nguyễn Thị Hai); “Phục nguyên hệ thống nguyên cấp của phương ngữ Quảng Nam” (Tohyama Emi - Nhật Bản); “Xây dựng kho ngữ liệu phương ngữ địa lý tiếng Việt và ứng dụng” (ThS. Nguyễn Tuyết Nhung, ThS. Hoàng Khuê, PGS.TS. Đinh Điền); “Những vấn đề cơ bản của phong cách học khối liệu” (TS. Nguyễn Thế Truyền, TS. Nguyễn Hoàng Phương); “Đặc điểm ngữ pháp - ngữ nghĩa của lớp từ biểu thị nghĩa “số / lượng” trong tiếng Việt” (TS. Đỗ Thị Bích Lài); “Đặc điểm nguyên âm trong vần mở của tiếng Quảng Ngãi (so sánh với tiếng Việt toàn dân)” (ThS. Nguyễn Thị Thanh Truyền); “Tìm hiểu “tiếng Việt ròng” trong “Sách Sổ sang chép các việc” của Philiphê Bỉnh” (PGS.TS. Nguyễn Thị Vân Anh).