Quả cầu vàng năm 2018 trao cho 10 tài năng xuất sắc

Dòng chảy - Ngày đăng : 08:12, 29/12/2018

KHPTO - Tối ngày 28/12 tại TP.HCM, giải thưởng Quả cầu vàng 2018 đã được trao cho 10 tài năng xuất sắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Năm 2018, Giải thưởng Quả cầu vàng được phát động và tuyên truyền rộng rãi đến thanh thiếu nhi Việt Nam trong và ngoài nước.

Sau gần 8 tháng phát động, cơ quan thường trực Giải thưởng đã nhận được 61 hồ sơ (1 hồ sơ không hợp lệ) của 31 đơn vị đề cử, gồm: 2 bộ, ngành; 15 tỉnh, thành đoàn; 12 trường đại học, học viện, Hội Sinh viên Việt Nam ở Hàn Quốc, Đại sứ quán Việt Nam ở Na Uy.

Trong đó, lĩnh vực công nghệ sinh học có 6 hồ sơ, công nghệ môi trường có 15 hồ sơ, công nghệ y - dược có 11 hồ sơ (1 hồ sơ không hợp lệ vì quá tuổi), công nghệ thông tin và truyền thông có 13 hồ sơ và công nghệ vật liệu mới có 16 hồ sơ.

Tham gia xét Giải thưởng năm nay có 46 nam, 15 nữ; 1 người dân tộc thiểu số (dân tộc Hoa); 25 tiến sĩ, 11 thạc sĩ; 44 công chức, viên chức; 7 học sinh, sinh viên; ứng viên nhỏ tuổi nhất sinh năm 2001 (17 tuổi), lớn tuổi nhất sinh năm 1983 (35 tuổi); có 1 ứng viên tham gia giải thưởng lần thứ 4, 4 ứng viên tham gia giải thưởng lần thứ 2.

Sau khi có kết quả sơ tuyển của ban thư ký, hội đồng bình chọn đã tiến hành họp phiên thứ nhất, đánh giá từng cá nhân theo lĩnh vực và bỏ phiếu kín chọn ra 19 ứng viên xuất sắc nhất vào vòng bình chọn trực tuyến.

Đây là lần đầu tiên, Giải thưởng KHCN thanh niên Quả cầu vàng được tiến hành bình chọn online trên mạng Internet nhằm nâng cao uy tín, giá trị và tầm ảnh hưởng của Giải thưởng đối với cộng đồng các nhà khoa học, với thanh niên và xã hội.

Sau 10 ngày bình chọn trực tuyến tại các trang web và báo điện tử, tổng số phiếu bình chọn là 409.618 phiếu.

Sau đó, hội đồng bình chọn đã họp phiên thứ hai để thảo luận, bỏ phiếu kín và chọn ra danh sách 10 gương mặt Quả cầu vàng 2018:

1. Công nghệ y - dược: TS. Vòng Bính Long (SN 1984, giảng viên Trường ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM); ThS. Đặng Hoàng Phú (SN 1989, giảng viên Trường ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM).

2. Công nghệ môi trường: TS. Đào Sỹ Đức (SN 1983, phó trưởng bộ môn công nghệ hóa học, khoa hóa học, Trường ĐH khoa học tự nhiên Hà Nội); TS. Phạm Thị Phương Thủy (SN 1983, giảng viên Trường ĐH công nghiệp thực phẩm TP.HCM); TS. Đinh Minh Quang (SN 1983, trưởng phòng thí nghiệm động vật học, khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ).

3. Công nghệ sinh học: TS. Chu Đình Tới (SN 1983, giảng viên Trường ĐH sư phạm Hà Nội); TS. Trịnh Kiều Thế Loan (SN 1988, trợ lý giáo sư khoa công nghệ sinh học Nano, Trường ĐH Gachon, Hàn Quốc).

4. Công nghệ vật liệu mới: TS. Nguyễn Đại Hải (SN 1984, trưởng phòng vật liệu y - sinh, Viện khoa học vật liệu ứng dụng, Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam); TS. Phạm Văn Việt (SN 1978, phó trưởng khoa khoa học và công nghệ vật liệu, Trường ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM).

5. Công nghệ thông tin và truyền thông: ThS. Đào Như Ngọc (SN 1986, nghiên cứu sinh khoa công nghệ thông tin, Trường ĐH Chung-Ang, Hàn Quốc).

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, nhân tài quốc gia, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2003 Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Bộ khoa học và công nghệ tổ chức “Giải thưởng khoa học kỹ thuật thanh niên Quả cầu vàng” hàng năm cho 10 tài năng trẻ xuất sắc về khoa học kỹ thuật.

Mỗi cá nhân đạt Giải thưởng được nhận Cúp Quả cầu vàng, giấy chứng nhận đạt Giải thưởng và huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” của Ban chấp hành Trung ương Đoàn kèm theo tiền thưởng 20 triệu đồng do Công ty Tân Hiệp Phát tài trợ.

Từ năm 2003 - 2010, Giải thưởng này chỉ triển khai trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).

Năm 2011, Giải thưởng được mở rộng xét trao trong 4 lĩnh vực: công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ y - dược; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường.

Để đáp ứng thực tiễn yêu cầu phát triển khoa học công nghệ của đất nước, trên cơ sở thống nhất ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, từ năm 2016 tên gọi của Giải thưởng khoa học kỹ thuật thanh niên Quả cầu vàng được đổi thành “Giải thưởng khoa học công nghệ (KHCN) thanh niên Quả cầu vàng” và mở rộng thêm lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Những nét mới của Giải thưởng

So với những năm trước, năm nay, có nhiều hồ sơ của các ứng viên đang học tập, công tác ở nước ngoài; số lượng hồ sơ tham gia nhiều hơn. Trong đó, nhiều cá nhân là chủ nhiệm đề tài khoa học và công nghệ cấp nhà nước, có đề tài ứng dụng thực tế đem lại hiệu quả cao, có nhiều công trình khoa học chất lượng cao thuộc danh mục Q1, có nhiều giải pháp đã được công nhận, nhiều giải thưởng, huy chương trong nước và quốc tế... điển hình như: TS. Nguyễn Đại Hải (Viện khoa học vật liệu ứng dụng, Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), TS. Vòng Bính Long (Trường ĐH khoa học tự nhiên TP.HCM), TS. Chu Đình Tới (Trường ĐH sư phạm Hà Nội), TS. Đào Sỹ Đức (Trường ĐH khoa học tự nhiên Hà Nội), TS. Trịnh Kiều Thế Loan (Trường ĐH Gachon, Hàn Quốc), TS. Phạm Thị Phương Thùy (Trường ĐH công nghiệp thực phẩm TP.HCM)…

Qua tổng hợp và phân tích hồ sơ tham dự xét thưởng, số lượng hồ sơ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực công nghệ môi trường, công nghệ vật liệu mới, hai lĩnh vực đang được quan tâm và đầu tư phát triển trong xã hội hiện nay; đồng thời số lượng hồ sơ tập trung tại các thành phố, các trường đại học, viện nghiên cứu lớn như: Đại học quốc gia TP.HCM, Đại học quốc gia Hà Nội, Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, điều đó cho thấy đang có sự chênh lệch không nhỏ về chất lượng nguồn nhân lực trong nước và đội ngũ tài năng trẻ đang được thu hút, tập trung hầu hết ở các thành phố lớn.

CAO KIẾN NAM