Nghề lưới rê hỗn hợp cho thu nhập cao

Kinh doanh - Ngày đăng : 07:59, 01/07/2017

KHPTO - Kết quả nghiên cứu hoạt động khai thác của nghề lưới rê hỗn hợp ở tỉnh Trà Vinh của tác giả Nguyễn Thanh Long, Trường đại học Cần Thơ cho thấy, lợi nhuận trung bình là 23,93 triệu đồng/chuyến biển, với tỉ suất lợi nhuận là 0,87. Không có hộ ngư dân làm nghề rê hỗn hợp nào bị thua lỗ.

Lưới rê hỗn hợp là một loại ngư cụ khá mới ở khu vực ĐBSCL nói chung và ở tỉnh Trà Vinh nói riêng. Đây là loại lưới rê đơn, thường có 2-3 loại kích thước mắt lưới khác. Lưới rê hỗn hợp thường được thả ở những vùng biển có độ sâu phù hợp để tường lưới phủ kín các lớp nước (từ mặt nước đến sát đáy). Bên dưới của lưới có lắp dây giềng và chì để giữ lưới luôn làm việc sát đáy và bên trên lắp giềng phao nối với các phao ganh để giữ lưới nổi ở độ sâu nhất định. Khung giềng chì và giềng phao giữ tường lưới thẳng đứng, chắn ngang đường di chuyển của đàn cá. Lưới rê hỗn hợp ở tỉnh Trà Vinh có chiều dài trung bình 6,766 m và chiều cao trung bình 30,17 m. Do đánh bắt xa bờ nên chiều cao của lưới dài để phù hợp với ngư trường khai thác.

Trung bình mỗi gia đình có 1,13 lao động (1-3 người) tham gia sản xuất trực tiếp trên tàu, ngoài ra ở một số hộ có lao động trong gia đình tham gia lao động gián tiếp như quản lý tài chính, tiêu thụ sản phẩm khai thác thủy sản (KTTS) hoặc chuẩn bị nhiên liệu, lương thực và các thứ cần thiết phục vụ cho chuyến khai thác trên biển. Qua kết quả khảo sát cho thấy tổng số lao động trên tàu lưới rê hỗn hợp trung bình là 6 người/tàu. Điều này cho thấy lao động của gia đình chỉ đáp ứng được 18,84% lao động trên tàu, còn lại là 81,16% phải thuê mướn thêm lao động. Vì vậy, phát triển nghề lưới rê hỗn hợp không chỉ tạo việc làm cho gia đình mà còn tạo việc làm cho người lao động ở địa phương.

Thời gian khai thác của một mẻ lưới trung bình là 5,4 giờ, thời gian khai thác một chuyến biển của nghề lưới rê hỗn hợp tương đối dài (trung bình kéo dài 8,27 ngày/chuyến biển). Trung bình mỗi năm có thể khai thác được 26,27 chuyến biển và hoạt động khai thác của nghề này khoảng 8,87 tháng/năm. Để giúp ngư dân nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản, từ năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã tổ chức vận động các chủ tàu cá tham gia vào mô hình tổ hợp tác khai thác hải sản trên biển để tương trợ cùng nhau. Hình thức tổ đội khai thác đang mang lại hiệu quả rất đáng kể ở địa phương và thời gian bám biển khai thác được dài ngày hơn.

Sản lượng trung bình của một chuyến biển là 642,7 kg/tàu. Sản lượng khai thác cao nhất vào tháng 12 và tháng 1, 2 thấp nhất vào tháng 7. Kết quả cho thấy sản lượng khai thác của nghề lưới rê hỗn hợp cao so với các ngành nghề khai thác khác. Nghề lưới rê hỗn hợp đang dần phát triển ổn định ở tỉnh khi một số tàu khai thác theo nghề lưới rê một lớp đang dần chuyển sang lưới rê hỗn hợp.

Lưới rê hỗn hợp khai thác chủ yếu các loài có giá trị kinh tế như: Cá thu (Acanthocybium solandri) (24,5% tổng SLKT), cá bè (Scomberoides lysan) (20,96%), cá chét (Eleutheronema tetradactylum) (18,12%).  Sản lượng trung bình của một chuyến biển là 642,7 Kg/tàu/chuyến biển. Từ kết quả cho thấy nghề lưới rê hỗn hợp ở Trà Vinh khai thác có sản lượng cao nhưng tỉ lệ cá tạp không có, trong khi nghề rê đơn ba lớp tỉnh Bạc Liêu mặc dù sản lượng khai thác trên chuyến biển đạt 1.309 kg/tàu/chuyến nhưng tỉ lệ cá tạp là 35,8%. Lưới rê ba lớp ở tỉnh Bạc liêu có cá tạp nhiều là do lưới sử dụng 2 loại kích thước mắt lưới, mắt lưới lớn nhất là 245 mm và mắt lưới nhỏ nhất là 61,2 mm, chúng tạo thành nhiều túi lưới để bắt cá nên bắt được nhiều loại kích cỡ cá khác nhau.

Kết quả khảo sát cho thấy để đầu tư cho một tàu lưới rê hỗn hợp cần trung bình khoảng 837,33 triệu đồng, trong đó lưới và vỏ tàu chiếm tỉ lệ cao (chiếm hơn 90%), các chi phí còn lại chiếm chưa tới 10% tổng vốn đầu tư. Thời gian khấu hao cho vỏ tàu từ 10 năm tùy thuộc vào chất liệu gỗ và điều kiện sửa chữa của chủ tàu. Tổng chi phí khấu hao cho một chuyến biển trung bình là 3,249 triệu đồng.

Tổng thu nhập một chuyến biển trung bình là 54,43 triệu đồng và có lợi nhuận trung bình một chuyến là 23,93 triệu đồng. Kết quả cho thấy nghề lưới rê hỗn hợp có lợi nhuận tương đối cao, tuy vốn đầu tư ban đầu là tương đối lớn nhưng tỉ suất lợi nhuận vẫn cao (0,87) lần. Nếu so với nghề lưới kéo xa bờ ở tỉnh Bến Tre có tổng lợi nhuận trung bình từ 343 triệu đồng/tàu/năm thì nghề lưới rê hỗn hợp ở tỉnh Trà Vinh đạt hiệu quả tài chính cao hơn nhiều (trung bình lợi nhuận đạt 632 triệu đồng/năm).

N.Hoa