Các loài cá khổng lồ, kỳ lạ trên dòng Mêkông

Bạn đọc - Ngày đăng : 10:32, 17/11/2010

Sông Mêkông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đổ ra biển tại Việt Nam. Dòng sông này là nơi sinh sống của hàng trăm loài cá nước ngọt như cá úc, cá trê, cá đuối gai độc, cá nhái răng nhọn, cá tầm, cá chép lớn, cá hồi ăn thịt, cá lăng, cá hô... và nhiều loài cá có kích thước rất lớn.

Nhưng hiện nay, nhiều loài quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng, đó là cá heo sông(Orcaella brevirostris), cá hô (Catlocarpio siamensis), cá tra khổng lồ (Pangasianodon gigas) và sấu nước ngọt (mà người dân gọi là Ông năm chèo). Đêm 13/11/2006 dân chài trên sông <_st13a_place w:st="on">Tonle Sap đã bắt được một con cá tra khổng lồ dài 2,4 mét, nặng 204 kg. Đến sáng hôm sau, con cá được các ngư dân hộ tống về giữa Biển Hồ và được lập lý lịch (những người có công được thưởng món tiền ngang với giá trị trên thị trường).

Mấy năm trước, một con cá tra khổng lồ khác cũng nổi lên nơi địa phận Chieng Khong ở đông bắc Thái Lan và được ghi vào sách kỷ lục Guinness như là cá nước ngọt lớn nhất (dài 2,7 mét, nặng 293 kg). Nhóm bảo tồn được báo đã đến nơi nhưng con vật quá yếu đã chết. Tổ chức bảo tồn thế giới (IUCN) đã đưa loài cá tra khổng lồ cùng với cá heo sông vào Sách đỏ. Nước ta thêm vào đó hai loài: cá hô và cá vồ cờ (Pangasius sanitwongsei).

Cá heo sông (Irrawaddy dolphin) cỡ lớn - từ 40 đến 160 kg – sinh sống chủ yếu ở vùng hạ lưu. Tháng 4/2002, ngư dân Vàm Nao bắt được một con nặng khoảng 130 kg. Tháng 11/2005 người dân Vĩnh Xương lại bắt được một con dài hơn 2 mét và nặng trên 100 kg. Cá heo là động vật có vú thở bằng phổi, nên khi bị mắc vào lưới thì rất dễ tổn thương. Loài cá hô phân bố rộng hơn, nhưng cũng tập trung nơi vùng hạ lưu nước ta với nhiều con nặng tới trên 100 kg. Năm 2000 một ngư dân Bình Thủy ở Châu Phú (An Giang) bắt được một con nặng 155 kg. Trước đây khi nguồn cá còn phong phú, Bình Thủy có đến khoảng 60 nhà câu cá hô, mỗi nhà mỗi năm bắt được trên dưới 40 con từ 30 đến 50 kg.

Hiện nay những loài cá quý hiếm này ngày càng cạn kiệt. Ông Zed Hogan, phụ trách dự án do WWF và Hội địa lý quốc gia tài trợ, cho biết các động vật này là “độc nhất” và “đang biến mất nhanh chóng”. Robin Abell, nhà sinh học của WWF nói: “Các loài cá khổng lồ là những sinh vật nước ngọt có trọng lượng tương đương với voi và tê giác. Chúng ta cần nhận thức tốt hơn về cách quản lý việc đánh bắt và bảo vệ các nơi cư trú nhằm cứu vớt các loài trong tương lai”.

Nhưng với tình hình đánh bắt cá vô tội vạ và không có chính sách bảo tồn hợp lý thì chẳng bao lâu các loài này sẽ đứng trên bờ vực tiệt chủng. Trên thực tế, cả ba chương trình Bảo tồn cá, Đa dạng sinh học vùng ngập lụt và Cải thiện giao thông vùng sông Mêkông đều chưa có tác dụng rộng rãi!

Vì vậy cần một cơ chế thông tin rộng rãi (để ngư dân, kể cả các em học sinh, hiểu biết và nhận diện các loài cá quý hiếm cần được bảo vệ), một chế độ tưởng thưởng xứng đáng cho người trả cá trở về môi trường của chúng, mặt khác, không cho phép đánh bắt và buôn bán, tiêu thụ cá. Cũng cần có một chương trình nghiên cứu về sinh lý và môi sinh nhằm sớm chuyển từ giai đoạn bảo vệ thuần túy sang nuôi trồng và khai thác hợp lý kinh tế các loài cá quý hiếm này.

PHƯƠNG THANH