Bệnh viện cây lúa - điểm đến của nông nghiệp sạch

Đời sống - Ngày đăng : 15:44, 05/09/2017

KHPT-Đến huyện biên giới Tân Hồng (Đồng Tháp), chúng tôi được giới thiệu mô hình “Bệnh viện cây lúa” của 4 chàng “ngự lâm quân” đều là những kỹ sư nông nghiệp tốt nghiệp tại các trường Đại học Cần Thơ và Đại học Cửu Long. Bỏ công việc ổn định với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, 4 chàng đã tiến hành mở bệnh viện để “bắt mạch, kê toa” cho cây lúa, với mong muốn giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và hướng đến nông nghiệp sạch, an toàn.

Thành lập từ cuối năm 2016, Bệnh viện cây lúa là điểm đến của rất nhiều nông dân huyện Tân Hồng vì nơi đây các nông dân được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và đặc biệt là đến tận ruộng để “khám bệnh” cho cây lúa. Yếu tố cốt lõi của Bệnh viện cây lúa là giúp nông dân quản lý tốt dịch hại trên ruộng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà thay bằng các loại thuốc vi sinh, hữu cơ để hạn chế tồn dư bảo vệ thực vật trên hạt gạo.

Các chàng trai Lâm Văn Bạch (SN 1987), Nguyễn Tiền Giang (SN 1988), Phạm Thanh Sang (SN 1990) và Ngô Văn Nhiều (SN 1991) đều tốt nghiệp đại học với các chuyên ngành như: công nghệ sinh học, bảo vệ thực vật và nông nghiệp và phát triển nông thôn. Họ có chung ý nghĩ là giúp nông dân tìm hướng đi mới, khoa học, con người sẽ có lương thực an toàn và cuộc sống khỏe mạnh và ý nghĩa.

Chúng tôi đã đi tham quan nhiều mô hình áp dụng phương thức sản xuất an toàn, quản lý dịch hại. Hộ ông Nguyễn Thiện Nhân ngụ 2 xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng, người có hơn 20 năm canh tác lúa với tổng diện tích hơn 5 ha. Ông Nhân được xem là người “tiên phong” đến với Bệnh viện cây lúa và thực hiện theo hướng dẫn quản lý giúp giảm chi phí đầu tư sản xuất. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Sản xuất nông nghiệp hiện nay là phải hướng đến lợi nhuận kinh tế, giảm chi phí và hơn hết phải tạo được sản phẩm an toàn, không gây độc hại cho con người và môi trường xung quanh. Hàng năm, số lượng thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường hàng chục tấn mỗi huyện chính vì thế ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, môi trường sống, hệ sinh thái đồng ruộng. Nếu không có nhận thức đúng đắn thì sẽ không thể tạo được môi trường sống xanh”.

Điểm đặc biệt là Bệnh viện cây lúa không thu phí “khám bệnh” và tư vấn miễn phí qua điện thoại cho nông dân gần xa, giúp nông dân có thêm kiến thức trong quản lý dịch hại. Không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật mà sử dụng đúng lúc, đúng liều và đúng cách để nâng cao lợi nhuận kinh tế, tạo nên hướng sản xuất bền vững trong nông nghiệp. Ông Đỗ Thanh Phong ngụ 2 xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng tâm sự: “Ban đầu thấy e ngại do không phải phương thức truyền thống nên không biết sẽ thế nào? Kết quả có khả quan không? Hơn hết là năng suất có bị sụt giảm hay không? Nhiều câu hỏi đặt ra và nhiều trăn trở, thế nhưng, sau khi áp dụng mới thấy rằng việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là cách duy nhất để tạo được môi trường xanh, sạch và an toàn”.

Tính đến nay, Bệnh viện cây lúa đã xây dựng 4 điểm tư vấn “khám bệnh”, trong đó, 3 điểm tại huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) và 1 điểm tại huyện Tân Hưng (Long An) với 12 nhân viên kỹ thuật để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân. Ký kết hợp đồng bao tiêu lúa gạo cho nông dân với tổng diện tích hơn 100 ha theo phương thức sản xuất, sử dụng thuốc an toàn, đảm bảo thời gian cách ly. Anh Nguyễn Tiền Giang - phó giám đốc Bệnh viện cây lúa cho biết: “Điều mà anh em trong công ty hướng đến là làm thế nào để tạo cho nông dân cách quản lý dịch hại không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Song song đó là hướng sản xuất nông nghiệp sạch, tạo ra được hạt gạo an toàn không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, khẳng định thương hiệu lúa gạo Việt Nam đối với thị trường lúa gạo thế giới”.

Cách làm “lạ” của những chàng “bác sĩ” Bệnh viện cây lúa đã giúp nông dân có cách nhìn đúng đắn về sản xuất lúa hiện nay. Những hiệu quả thiết thực giúp nông dân sản xuất an toàn, quản lý tốt dịch hại trên đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất và hướng đến sản xuất lúa gạo an toàn, bền vững.Bốn chàng trai mở bệnh viện để “bắt mạch, kê toa” cho cây lúa

CHÍ TRUNG