Tạo “ốc đảo ngọt” giữa vùng mặn để làm kinh tế hộ
Sống xanh - Ngày đăng : 15:18, 06/09/2013
Hiện tại, nhà nào ở vùng này cũng xài nước mưa hay nước ngầm và xả thải nước ngọt ra môi trường với những mức độ và thành phần chất ô nhiễm khác nhau, nhưng nhìn chung khi đã được chứa trong khu vực giữ ngọt, coi như là ao sinh học, thì nước đó đã được lọc, xử lý mức độ bằng nguồn vi sinh tự nhiên, có thể sử dụng tưới cho cây ăn trái, cây xanh và có thể nuôi cá ao... Muốn giữ ngọt và giảm bớt độ mặn tốt để có thể thả nuôi một số loại cá đồng kết hợp trồng bồn bồn, rau nhút hoặc bông súng đồng các loại, hay nuôi cá ao hồ, cá bống tượng, cá chình… (do chúng có khả năng thích nghi được trong môi trường nước hơi nhiễm mặn từ từ). thì cần thiết kế ao, khu giữ ngọt đó theo mô hình “ao trong ao” hoặc “đê trong đê”, để nhờ hai lớp bờ liếp hoặc đê bao ngăn chặn, tránh bị xâm nhập mặn đột ngột và cả khả năng thẩm thấu mặn dần cho vùng giữ ngọt. Phần đất nào nước ngọt ít hơn sẽ bố trí cây trồng vật nuôi chịu được độ mặn cao hơn và ngược lại. Cần xây dựng khu chăn nuôi gia súc gia cầm kết hợp biogas riêng biệt để chất thải, nước thải và các nguồn dịch bệnh không ảnh hưởng đến người và các loại cây trồng vật nuôi và ngược lại và cho cả vùng nuôi thủy sản bên ngoài…
Nguyên tắc cần tuân thủ là bố trí cây trồng vật nuôi nương theo sinh thái, tức là chọn giống, chọn mùa, chọn điều thích hợp, thích nghi chứ không ép buộc cưỡng cầu, chống chọi với thiên nhiên một cách duy ý chí. Theo đó, hàng năm đến mùa khô là cần ngăn mặn, trữ ngọt và xả nước thải ngọt để bù bốc hơi và thẩm thấu mặn, nên giữ mực nước ngọt bên trong lúc nào cũng cao hơn hoặc ngang bằng với bên ngoài mặn là tốt nhất. Để cải tạo đất phục vụ trồng cây thì những đất, chất thải sênh vét cần được phơi khô trong mùa khô và cuốc xới, băm nhỏ để tạo môi trường oxy hóa càng sâu, càng nhiều và nhỏ cục càng tốt, và nên có bờ bao ví riêng, để khi mùa mưa đến thì hứng nước mưa ngâm rửa phèn mặn riêng và xả bỏ mà không ảnh hưởng ao đầm nuôi tôm. Cứ mỗi đợt mưa thì hứng và trữ nước mưa ngâm vài ba đêm thì xả bỏ, lại tiếp tục hứng ngâm, lại xả… cứ thế thì không bao lâu sẽ có thể trồng các loại rau cải, hoa màu gia vị phục vụ bữa ăn hàng ngày và có thể trồng những loại cây ăn trái hay cây xanh chịu được đất nhiễm mặn tạo bóng mát kết hợp làm kinh tế, như so đũa để làm nấm mèo (mộc nhĩ), dừa lùn, me ngọt, xoài, sapô, sơri, thanh long, mãng cầu xiêm…
Giải pháp nuôi và duy trì cá đồng cũng khá đơn giản. Năm đầu tiên nên chọn một lượng cá đồng tốt trước mùa sinh sản với cơ cấu hợp lý để thả vào “ốc đảo ngọt” nuôi gây giống. Đến khi thu hoạch chỉ cần giữ lại lượng giống cá đồng với cơ cấu thành phần loài hợp lý, rồi khoanh nuôi bảo vệ an toàn, trong ao có nguồn nước ngọt - lợ qua suốt mùa khô mặn và không để bị mất trộm. Chờ đến mùa mưa năm sau, khi nước ao, ruộng lạt bớt hoặc ngọt hẳn ổn định, hay khi sạ cấy lúa xong thì cho cá lên ruộng lúa. Đến khi thu lúa thì bơm rút khan đồng cho cá về ao đìa để tuyển thu hoạch và giữ lại nguồn cá giống cho mùa sau. Cứ trong mùa mưa thì cho cá giống từ “ốc đảo ngọt” tràn lên đồng tìm thức ăn để lớn. Đến mùa khô, chung quanh nước mặn cá đồng sẽ gom về ốc đảo để tồn tại. Có thể bố trí trồng bèo lục bình ở một góc nào đó trong ao mương ngọt để cho cá đồng trú ẩn rồi lâu lâu khi chúng đã phát triển quá mức lại vớt bớt lên ủ phân xanh cho trồng rau cải phục vụ bữa ăn hoặc đắp gốc thanh long, cây ăn trái… sẽ rất tốt.