Góc xanh gia đình: Cách trồng dưa hấu tại nhà

Sống xanh - Ngày đăng : 21:02, 11/11/2014

Những người yêu thích làm vườn tại gia luôn mong muốn phát triển nhiều loài cây trồng khác nhau trong mảnh vườn nhỏ bé của mình, và hầu hết đều thích trồng dưa hấu. Dưa hấu có thể trồng trong chậu tại nhà được không? Có thể trồng dưa hấu trong chậu ở trên sân thượng nhà phố, bên hông nhà, hay trước ban công nhà được không? Trồng dưa hấu có khó không, cách chăm sóc thế nào? Trồng dưa hấu không khó, chúng ta cùng tìm hiểu nhé…

Giống dưa

Dưa hấu có nhiều giống khác nhau: có trái tròn, trái dài, trái nhỏ, trái lớn; vỏ trái xanh đậm, xanh nhạt, vàng, sọc hoa văn; thịt quả có màu đỏ tươi, đỏ đậm, màu vàng, màu cam; có giống không hạt và giống có hạt. Nếu bạn là người mới bắt đầu nên chọn giống dễ tính, trái có trọng lượng khoảng 2 – 4 kg thịt quả màu đỏ như giống Hoàng Nam Bảo, hoặc có ruột vàng như giống Kim Phụng.

Bạn có thể trồng dưa hấu quanh năm. Vòng đời của dưa hấu từ khi trồng đến khi quả chính thu hoạch là 60 – 70 ngày tùy loại giống. Nếu muốn trồng, để có được những quả dưa hấu do chính tay mình trồng đúng vào dịp Tết Nguyên đáng thì ngay bây giờ bạn có thể tự tính được thời gian gieo trồng.

Cách trồng 

Dụng cụ để trồng có thể là chậu lớn, là thùng lớn nói chung có thể chứa được rất nhiều đất thì dây dưa mới đủ sức ra hoa kết trái.

Đất trồng phải giàu dinh dưỡng và nhiều phân lân. Tốt nhất nên sử dụng đất trồng cây Multi dành cho rau ăn quả.

Bạn có thể gieo hạt trực tiếp vào đất trong chậu trồng. Tuy nhiên tốt hơn là ươm hạt giống trong ly nhỏ, sau 7 – 10 ngày chuyển cây con vào chậu trồng, cây sẽ khỏe và sinh trưởng mạnh.

            Về bón phân cho dưa hấu, cụ thể như sau: Bón gốc phân lân 3 lần: khi bắt đầu trồng; 25 ngày sau khi trồng; và 50 ngày sau khi trồng. Bón thúc: Phân bón sinh học rất có hiệu quả trên cây dưa hấu, có thể sử dụng các loại như: Super hume, Super NPK 10-8-8, Super NPK 6-14-6, Super NPK 3-18-18, Micro Boost…để thay thế phân bón hóa học cho các lần bón thúc.

Chăm sóc

Khi dưa bò có lóng, dùng đất lấp 2 mắt dưa để rễ hấp thu nhanh các chất dinh dưỡng. Làm giá đỡ cho dây dưa leo, khi dưa leo đến đâu nên ghim giữ cây đến đó, tránh để cây bị lung lây do gió hoặc do quá trình chăm sóc sẽ dễ nhiễm các bệnh lỡ cổ rễ, chạy dây.

Tỉa nhánh: Trên mỗi dây dưa chỉ để 1 dây chính và 2 dây chèo. Tỉa bỏ sớm các dây nhánh khác.

Thụ phấn: Dùng hoa đực úp vào nuốm của hoa cái để bảo đảm chắc chắn cho sự thụ phấn

Nên chọn vị trí để trái ở hoa cái thứ 3 trên dây chính và hoa cái thứ 2 dây chèo.

Chọn trái: Khi trái to bằng quả cam, chọn 1 trái trong số 3 trái đã đậu ban đầu, hái bỏ 2 trái còn lại.

Ngắt ngọn sau khi đã chọn trái, nếu trái chọn trên dây chèo thì ngắt ngọn cách trái từ 4 – 5 lá, nếu chọn trái trên dây chính thì ngắt ngọn ở vị trí lá thứ 25 – 28 tính từ gốc.

Sửa trái, để trái ở vị trí đứng để trái phát triển đồng đều. Kê lót trái, thường xuyên xoay trở trái tròn và có màu sắc đẹp. Khi trái lớn bằng nấm tay nên làm cách đỡ trái, tránh gãy dây và rớt trái

Tưới nước: Rất cần tưới đủ nước cho dưa, nhất là vào thời gian nuôi trái.

Trước khi thu hoạch 7 – 10 ngày, nên rút nước, không tưới, tháo cạn nước trên ruộng để tăng đọ ngọt cho trái và bảo quản được lâu hơn.

Chúc bạn thành công!

TS. Nguyễn Thị Đào