Bí quyết chống ốm nghén

Y học - Ngày đăng : 22:14, 02/07/2006

Có những phụ nữ trải qua thời kỳ thai nghén một cách nhẹ nhàng đến mức không biết đang mang trong người một mầm sống nhưng ngược lại cũng có người thật khốn khổ trong giai đoạn này.

Chị Minh Phương - làm việc ở một công ty nước ngoài khổ sở vì những triệu chứng thai hành. Có thai đứa con đầu chị bị ói mửa đến 8 tháng. Cao điểm là vào 4 tháng đầu. Ăn vào cũng ói, không ăn cũng ói, nặng nhất là vào buổi chiều, vì thế chị chỉ có thể đi làm buổi sáng. Thức ăn duy nhất mà chị không cảm thấy ghê là cháo trắng ăn với muối. Vì không ăn uống được, chị chỉ còn da bọc xương và hậu quả là em bé sinh ra chỉ nặng hơn 2 kg.

Chị Thanh Hà, công tác tại một cơ quan báo chí còn khổ hơn vì thai hành cả ngày lẫn đêm. Không những ói, không ăn được mà còn bị mất ngủ, chỉ sau 3 tháng đầu chị sút tới 5 kg.

Chị Ngọc Thanh ở Củ Chi cho biết, khổ sở đến không thiết sống nữa. Suốt 9 tháng mang thai, hầu như chị chỉ nằm và truyền nước biển, truyền đạm để nuôi em bé vì không ăn uống gì được. Vì cơ thể suy nhược quá mức, đã hơn một lần chị được đề nghị bỏ thai. Bỏ thì không đành vì anh H. chồng chị là con trưởng và cái thai này là mong đợi của cả gia đình.

MỘT PHẢN ỨNG BÌNH THƯỜNG CỦA CƠ THỂ

ThS.BS. Tạ Thị Thanh Thủy- BV Hùng Vương cho biết, có tới 80% phụ nữ mang thai trong những tháng đầu đều nôn mửa kèm chóng mặt, mệt mỏi, mất ngủ... dân gian thường gọi là ốm nghén, được chia thành nhiều mức độ khác nhau:

- Nghén bình thường: có cảm giác buồn nôn và nôn nhưng những lúc khác vẫn ăn được.

- Nghén quá mức: nôn ói liên tục mà không ăn, uống được dẫn đến tình trạng thiếu nước, thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng. Tình trạng nghén quá mức này còn gọi là chết “đói” do thai kỳ, đe dọa tính mạng, nếu kéo dài sẽ có nguy cơ thiếu 2 loại vitamin quan trọng:

˜Thiamin: sẽ gây biến chứng về mắt hoặc có thể gây mù.

˜Vitamin K: ảnh hưởng đến quá trình đông máu.

Nguyên nhân

Cho tới nay vẫn chưa xác định chính xác, người ta cho rằng nghén là hiện tượng phản ứng của cơ thể đối với nội tiết tố thai kỳ.

Một số khảo cứu cho thấy, khi nội tiết tố tăng sẽ làm nôn ói tăng. Nội tiết tố đạt đến đỉnh vào khoảng tuần thứ 8 - 9 của thai kỳ sau đó giảm dần và đến 14 - 16 tuần thì chấm dứt.

Tuy nhiên cũng có khoảng 20% thai phụ tình trạng nôn ói vẫn diễn ra và kéo dài suốt thai kỳ. Hiện tượng này được giải thích là do quá nhạy cảm với nội tiết tố của thai kỳ. Ngoài ra còn do yếu tố tinh thần, gia đình và xã hội. Sự lo lắng cho cuộc sống thường ngày cũng làm gia tăng hiện tượng nghén. Có người nôn ói dữ dội ở nhà nhưng khi nhập viện lại hết. Nôn ói lâu ngày, không ăn uống được có thể gây sút cân, mất nước, rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng đến hấp thu dinh dưỡng.

BÍ QUYẾT GIẢM NÔN ÓI

Theo ThS.BS. Tạ Thị Thanh Thủy, đầu tiên là điều trị yếu tố tinh thần sau đó mới sử dụng thuốc, trong đó vitamin B6 được xem là thuốc trị thai nghén khá công hiệu. Thuốc chống ói sẽ được sử dụng dưới dạng uống, chích hoặc nhét hậu môn. Một số loại thuốc chống ói an toàn cho phụ nữ mang thai, gồm: metoclopraimid (primperan), promethazin, prochlorperazin, chlorpromazin. Mặc dù an toàn nhưng vẫn phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai, thuốc chống ói chỉ hỗ trợ giảm ói một phần mà không thể giảm 100%.

Trường hợp nghén quá mức cần nhập viện để truyền dịch hoặc thậm chí nuôi ăn qua tĩnh mạch. Lưu ý là trước đó nên đi khám để loại trừ các bệnh khác như dạ dày, mật, tụy.

Lời khuyên của TS.BS. Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu hay bị buồn nôn vào sáng sớm thì khi thức giấc, bạn đừng vội trở dậy mà hãy nằm yên trên giường và ăn nhẹ. Lúc này nên ăn một ít bánh ngọt, đặc biệt là loại bánh có vị gừng. Sau khi ăn 10 phút mới rời khỏi giường. Một số loại thức ăn có tác dụng chống nôn ói là hoa hồi, cau, cà rốt, sơn trà, chanh, có thể ăn vặt các loại quả khô như đậu phộng, hạt dưa, trám, ô mai... Trong suốt thai kỳ, tránh các xung đột hay những tình huống gây ức chế thần kinh khác.

Thai phụ cũng cần chú ý:

- Thay đổi cách nấu nướng cho dễ ăn hơn, tránh ăn các loại thức ăn có mùi khó chịu.

- Đừng để quá đói hoặc ăn quá no.

- Ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi lần một ít.

- Khi ăn cơm, không nên ăn canh hoặc chỉ dùng ở mức tối thiểu.

- Không ăn quá nhiều đồ mỡ hoặc gia vị.

-Tránh thực phẩm gây kích thích dạ dày và đường ruột.

NÊN ĂN GÌ?

Nên ăn các chất có giá trị dinh dưỡng cao như thịt heo nạc, trứng, sữa, gia cầm, hải sản, nghêu sò; các loại rau trái giàu vitamin, dễ tiêu hóa như cà chua, cải trắng, cam, dứa.ó