Cẩn trọng với tác động của điện từ trường tần số thấp

Y học - Ngày đăng : 14:14, 11/04/2008

Các thiết bị điện gia dụng như ti vi, máy vi tính... là nguồn phát bức xạ điện từ trường tần số thấp. Dù trong nước chưa có một công bố hay phát hiện nào cho thấy mức độ ảnh hưởng của điện từ trường tần số thấp đối với sức khỏe con người, nhưng dựa vào các nghiên cứu của nước ngoài thì đây là vấn đề khá quan trọng và tốt hơn hết là nên có biện pháp phòng ngừa.

Điện từ trường gồm hai thành phần là điện trường và từ trường. Điện trường ít có khả năng thâm nhập vào cơ thể con người nhưng từ trường thì ngược lại. Ngoài ra, độ đâm sâu của sóng điện từ tỷ lệ nghịch với tần số, tần số càng thấp thì sóng thâm nhập vào cơ thể càng lớn và ngược lại tần số càng cao thì sóng chỉ tác động trên lớp da bên ngoài (gọi là hiệu ứng da). Vì vậy, người ta cho rằng các hiệu ứng sinh học do tiếp xúc với bức xạ điện từ tần số thấp thường là do thành phần từ trường hoặc do điện trường và dòng điện mà từ trường cảm ứng vào cơ thể con người gây ra.

Dựa vào thông tin thu thập được, người ta biết rằng hàng ngày chúng ta tiếp xúc với mức độ từ trường trung bình từ 1 đến 2 milligauss (mG). Trong nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của điện từ trường đến sức khỏe con người, người ta thường dùng mức tiếp xúc trung bình 2 - 3 mG làm mức tiếp xúc giới hạn. Dưới mức này được xem như “không tiếp xúc”, còn trên mức này thì xem là “có tiếp xúc”. Tuy nhiên trong thực tế thì mức cho phép trong các tiêu chuẩn lớn hơn nhiều. Trong quá trình nghiên cứu tác hại của từ trường đến sức khỏe con người, người ta thường quan tâm nhiều nhất đến bệnh bạch cầu và bệnh u não ở trẻ em. Ví dụ ở Los Angeles, việc nghiên cứu trẻ em xem tivi cho thấy nguy cơ bệnh bạch cầu gia tăng khi tăng số giờ xem trừ phi đảm bảo khoảng cách cho phép giữa trẻ và tivi. Cũng vậy, bệnh u não có nguy cơ xảy ra khi người mẹ mang thai thường dùng mền điện, giường nước để sưởi ấm hoặc khi phụ nữ mang thai mà sử dụng máy vi tính thường xuyên thì có thể làm hư thai hoặc thai có khuyết tật.

Nguồn bức xạ từ trường mà ta tiếp xúc thường xuyên là các thiết bị điện gia dụng nhưng cường độ từ trường của các thiết bị gia dụng giảm nhanh chóng khi ta đứng cách xa chúng. Ở khoảng cách 30 cm, từ trường thấp hơn 100 lần so với giới hạn cho phép. Ví dụ màn hình tivi hoặc máy vi tính phát sinh cả tĩnh điện và điện từ trường. Đối với người thao tác máy tính ngồi cách màn hình từ 30 đến 50 cm thì từ trường tại vị trí đó nhỏ hơn 7 mG còn cường độ điện trường chỉ từ 1 V/m đến 10 V/m.

Sau đây là mức tiếp xúc cho phép theo tiêu chuẩn ICNIRP:

Ghi chú: (*) 1mG = 0,1 mT; (**) khoảng thời gian tiếp xúc với trường t tùy thuộc vào cường độ điện trường E. Nếu E trong khoảng 10 kV/m và 30 kV/m, có thể tính theo công thức t = 80/E, với t tính bằng giờ trong mỗi ngày làm việc và E tính bằng kV/m. Ví dụ nếu E = 10 kV/m thì t = 8 giờ/ngày, E = 30 kV/m thì t = 3 giờ/ngày; (***) khoảng thời gian tiếp xúc tối đa là 2 giờ trong mỗi ngày làm việc.

Làm gì để hạn chế tiếp xúc với nguồn bức xạ điện từ tần số thấp?

Chuyển nguồn bức xạ đến vị trí khuất hoặc gia tăng khoảng cách giữa con người và nguồn bức xạ càng lớn càng tốt; hạn chế thời gian tiếp xúc; dùng thiết bị có độ bức xạ điện từ thấp; sắp xếp nơi làm việc hợp lý, cách xa các bảng điện và dây điện. Ngoài ra cũng có những giải pháp kỹ thuật để giảm cường độ từ trường nhưng khá đắt tiền vì rất khó thực hiện che chắn từ trường. Ví dụ, để che chắn một khu vực nhỏ người ta có thể dùng hợp kim kền - sắt - đồng, còn để che chắn một khu vực lớn có thể dùng các kim loại rẻ hơn nhưng tính ra vẫn không kinh tế. Đối với đường dây tải điện, có thể dùng cách chôn chúng dưới đất, dùng dây bọc cao su hay plastic.

Cho đến nay, ở nước ta, chúng tôi chưa thấy một công bố chính thức nào về vấn đề này nên chưa thể có kết luận chính xác về mức độ ảnh hưởng cụ thể. Trong những năm qua, chúng tôi có thực hiện việc kiểm tra đo đạc cường độ điện từ trường tần số thấp ở một số cơ quan, nhà máy nhưng vẫn chưa phát hiện một trường hợp nào cho thấy có sự ảnh hưởng của điện từ đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, từ những kết quả nghiên cứu của nước ngoài chúng tôi thấy đây là một vấn đề khá quan trọng và nếu chưa có kết luận cụ thể thì phòng ngừa vẫn tốt hơn. v