Chẩn đoán và xử trí viêm khớp dạng thấp
Y học - Ngày đăng : 16:01, 29/01/2010
Tôi năm nay 45 tuổi, bị đau khớp gối và cùi chỏ, được bác sĩ chẩn đoán là viêm đa khớp, dạng thấp. Bệnh không nặng lắm, nhưng tiêm thuốc tại chỗ chỉ làm cho tạm hết đau (sau đó đau trở lại). Nghe nói bệnh này ít khi trị được dứt căn. Nên chữa theo hướng nào? Đông hay tây y?
Nguyễn Trung Hậu (Mỹ Tú, Sóc Trăng)
Hai loại bệnh viêm khớp phổ biến nhất là viêm xương khớp (VXK - osteoarthritis) và viêm khớp dạng thấp (VKDT - rheumatoid arthritis), trong đó VKDT thường khởi phát sớm hơn (vào khoảng 40 - 50 tuổi, thay vì 50 - 60 chẳng hạn). Song VKDT lúc khởi đầu thường khó chẩn đoán, và trường hợp đau khớp của bạn đọc cũng chưa tiêu biểu mấy cho bệnh lý VKDT.
VKDT - trước kia còn gọi là viêm đa khớp mạn tính tiến triển (PCE - polyarthrite chronique évolutive) - được chẩn đoán phân biệt với VXK, bệnh gout (thống phong), bệnh lupus đỏ, bệnh vẩy nến thể khớp, viêm khớp nhiễm trùng... Bệnh VKDT thường liên hệ nhiều đến các khớp ngoại vi - đặc biệt là khớp cổ tay, bàn tay và khớp ngón tay gần - hơn là các khớp trung tâm và gần trung tâm (cột sống, vai, hông...). Cũng nên biết rằng, so với VXK, VKDT ít phổ biến hơn nhiều và đó là một bệnh hệ thống mà tỷ lệ mắc nam/nữ là khoảng 1/3 (nữ mắc VKDT nhiều gấp ba lần nam). Một tiêu chí quan trọng khác cho chẩn đoán VKDT là tính đối xứng của viêm khớp (đau đối xứng hai bên). Việc định bệnh VKDT còn căn cứ vào một số biểu hiện khác:
- Cứng khớp buổi sáng (lúc ngủ dậy, trong khoảng nửa giờ).
- Viêm khớp từ ba vùng trở lên (thí dụ: hai bên cổ tay và hai bên bàn tay).
- Sự xuất hiện các nốt sần dưới da (ở các vùng khớp và đầu xương).
- Các thay đổi trên hình ảnh X quang.
- Sự hiện diện yếu tố RF (rheumatoid factor) và các kháng thể anti-CCP trong huyết thanh, cùng các dữ liệu xét nghiệm khác (CBC, ESR, phân tích hoạt dịch khớp)
- Các triệu chứng ngoài khớp (ở phổi, mắt, máu huyết, tim, hệ thần kinh...).
Nói tóm lại, khi bệnh mới khởi phát, có thể cần có một thời gian theo dõi diễn biến của bệnh trước khi chẩn đoán xác nhận. Tuy nhiên, không nên kéo dài thời gian này, bởi vì sự can thiệp mạnh sớm có thể có vai trò quan trọng đối với tiên lượng bệnh VKDT về lâu dài. Như tên gọi trước đây của bệnh (PCE), VKDT có xu hướng tiến triển chậm và không ngừng nghỉ, và theo thời gian nó có thể dẫn đến biến dạng khớp (gây phế tật) và các biến chứng hệ trọng khác, làm rút ngắn tuổi thọ. Vì vậy, nếu nghi là VKDT, bạn nên sớm liên hệ cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, theo dõi và định bệnh nhằm tiến hành điều trị.
Bạn có thể “dùng thử” thuốc nam (nhưng đừng hy vọng nhiều đối với VKDT!). Bước xử trí quan trọng trước tiên vẫn là việc chẩn đoán xác định và lượng giá bệnh. VKDT là một bệnh phức tạp, khó trị và khó tiên liệu diễn biến cho từng cá thể. Các phương tiện chữa bệnh cho VKDT bao gồm:
- Chế độ luyện tập và vận động thường ngày.
- Thuốc aspirin hay chất kháng viêm không steroid (NSAID) khác.
- Corticoid tiêm (nội khớp) và uống.
- Các thuốc làm thay đổi tiến trình bệnh (DMARD) như methotrexate, hydroxychloroquin, sulfasalazine, D-penicillamine và các muối vàng
- Các “thuốc sinh học” (etanercept, infliximab, adalimumab; anakinra; rituximab; abatacept...)
- Thuốc hủy miễn dịch (azathioprine, cyclophosphamide, cyclophosphamide...)
- Phẫu thuật.
Phần lớn các thuốc nêu trên đều có tiềm năng độc tính khá cao, vì thế chúng cần được sử dụng thận trọng, với sự chỉ định, hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ.
BS. PHẠM QUỐC VỸ