Tác dụng của cây sống đời
Y học - Ngày đăng : 15:35, 18/03/2013
Theo đông y, ngọn và lá sống đời non có vị nhạt, chát, hơi chua, tính mát, có tác dụng giải độc, tiêu thũng, hoạt huyết chỉ thống, bạt độc sinh cơ, chữa bỏng, cầm máu, giải độc... Có nơi, lá sống đời non có thể xắt nhỏ nấu canh ăn và dùng làm thuốc đắp vết thương, đắp mắt đỏ sưng đau, đắp mụn nhọt. Do có tác dụng kháng khuẩn nên sống đời còn được dùng trị một số bệnh đường ruột và bệnh nhiễm trùng khác như viêm loét dạ dày, viêm ruột, trĩ nội, đi ngoài ra máu.
Tác dụng của cây sống đời
- Kiết lỵ (viêm đại tràng), mỗi ngày ăn 20 lá sống đời, sáng 8 lá, chiều 8 lá, tối 4 lá; trẻ em từ 5 - 10 tuổi thì dùng liều bằng nửa người lớn (ăn liền trong 5 ngày).
- Viêm tai cấp tính: lấy lá sống đời giã nhuyễn, vắt lấy nước rồi thấm vào tai rất hiệu quả.
- Chảy máu cam, có thể giã 1 - 2 lá sống đời, lấy bông gòn thấm nước “sống đời” chấm vào bên trong mũi.
- Vết thương bầm tím: một nắm lá sống đời rửa sạch, giã nhuyễn, cho thêm ít rượu và đường để uống.
- Mất sữa: vào buổi sáng và chiều mỗi lần ăn 10 lá sống đời (ăn tiếp 2 - 3 ngày).
- Chữa bỏng nhẹ, bỏng nông: lá sống đời không kể liều lượng, rửa sạch, giã nát đắp lên vết bỏng 3 - 4 lần mỗi ngày.
- Cầm máu khi bị đứt tay: lấy 3 - 4 lá rửa sạch, giã nát, đắp lên vết thương có tác dụng cầm máu rất tốt, có thể kết hợp lấy một nắm lá rửa sạch, giã nát hòa với nước sôi để nguội, lọc lấy nước cốt để uống.
- Viêm họng: ăn 10 lá sống đời, chia làm nhiều lần trong ngày (sáng ăn 4 lá, chiều 4 lá và tối 2 lá), bằng cách nhai lá tươi (đã rửa sạch), ngậm một lát rồi nuốt cả nước lẫn xác. Làm liền 3 ngày như thế.
- Say rượu: nhai ăn 10 lá sống đời sẽ giảm cơn say.
Cây sống đời tuy chữa được nhiều bệnh nhưng phải lưu ý, mọi trường hợp đều dùng lá sống đời tươi, không nên dùng lá khô, lá héo sẽ không có tác dụng chữa bệnh.