Không nên dùng nước khoáng pha sữa

Y học - Ngày đăng : 15:48, 07/10/2013

Tôi có đọc một tài liệu nói về “Phương pháp trị bệnh bằng nước lã”. Cụ thể như sau: “Mỗi buổi sáng khi thức dậy, trước khi súc miệng, uống 1,25 lít nước lã đun sôi để nguội, phải uống một lúc. Sau khi uống đủ lượng nước trên, dùng tay xoa bụng và chạy bộ chậm chậm tại chỗ khoảng 20 phút”. Theo tài liệu này, uống nước lã có thể trị được các chứng bệnh như: nhức đầu, huyết áp cao, thiếu máu, sưng khớp, mặt tê liệt, hồi hộp, mệt mỏi, ho suyễn, ho lao, đau gan, thận, dạ dày, xệ ruột già, táo bón... Xin quý báo cho biết ý kiến, tôi có nên uống không? Thực hiện việc này có mâu thuẫn với phương pháp uống nước thường ngày với nhiều lần khác nhau không? Một bạn đọc  

Phân biệt các loại nước:

+ Nước lã, nước đun sôi: nước lã là nước chưa đun sôi.

+ Nước khoáng, nước tinh khiết, nước suối: nước suối là tên gọi chung cho loại nước uống tự nhiên đóng chai mà dân gian thường nói. Nước tinh khiết là nước lọc, nước thủy cục đã qua khử trùng công nghiệp hoặc nấu sôi tại nhà. Nước khoáng là nước có chứa các chất khoáng như calci, kali, magnesium. Ví dụ: nước khoáng Vĩnh Hảo (lấy từ nước suối Vĩnh Hảo, tỉnh Bình Thuận), nước khoáng La Vie (ở mỏ nước tỉnh Long An), nước khoáng Vital (ở mỏ nước tỉnh Thái Bình)...

Công dụng trị bệnh của nước:

+ Nuôi dưỡng da, tăng cường nhan sắc.

+ Làm lành vết thương.

+ Thải chất độc qua đường tiết niệu, tiêu hóa, da.

+ Hạ sốt, giúp trị cảm.

+ Ích lợi cho bệnh nhân ho khan, ít đàm.

+ Trị táo bón.

Lưu ý: không nên dùng nước khoáng pha sữa. Người bệnh thận không nên uống nước khoáng vì những chất khoáng dư thừa sẽ tích lũy lại trong người và gây rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, phù...

Uống một hơi 1,25 lít là nhiều, không nên. Chỉ nên uống từng đợt cho cơ thể hấp thu kịp. Nước tinh khiết thì phù hợp với mọi người. Nước khoáng cũng tốt nhưng cần lưu ý như nói trên. Một số bệnh phải đi khám bệnh chữa mới đúng, như: huyết áp cao, ho lao... không phải chỉ uống nước nhiều mà chữa khỏi bệnh được.

BS.CKII. HOÀNG THANH HIỀN