Khác biệt giữa các thiết bị chẩn đoán hình ảnh

Y học - Ngày đăng : 10:33, 07/05/2014

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có giá trị lâm sàng cao hỗ trợ rất nhiều cho các bác sĩ điều trị nhằm tìm ra nguyên nhân để giải quyết bệnh. Mỗi phương pháp có giá trị chẩn đoán khác nhau:

CHỤP X-Quang CẮT LỚP ĐIÊN TOÁN - CT

Hounsfield, một kỹ sư người Anh đã đưa ra kỹ thuật kết hợp chụp cắt lớp với máy tính và năm 1972 máy chụp CT thế hệ đầu tiên ra đời, được gọi là “CT quy ước”. Đến năm 1989 máy chụp CT đa lớp cắt - MSCT (Multislide CT), gọi là “CT xoắn ốc” hay “CT đa lớp cắt” ra đời. Với CT xoắn ốc có thể tái hiện cơ quan khảo sát theo không gian 3 chiều.

Thế hệ đầu tiên chỉ có 4 lát cắt/giây, rồi phát triển lên 16, 64, 128 và mới đây lên tới 640 lát cắt. Tuy nhiên, các máy chụp cắt lớp vi tính xoắn ốc đa lát cắt thế hệ cũ (MDCT-4, MDCT-16...) vẫn còn những hạn chế nhất định (như liều tia xạ, chất lượng hình ảnh, lượng thuốc cản quang dùng, bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim...).

Lợi ích của CT có thể hiểu như có rất nhiều tấm phim X quang liên tục ở một vùng cơ quan cần khảo sát nào đó. Bởi vậy trên lâm sàng, bác sĩ phải cân nhắc kỹ lưỡng có cần chụp CT hay không hay chỉ cần X quang là đủ chẩn đoán.

CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ - MRI (Magnetic Resonnance Imaging)

Khác với CT dùng tia X, MRI dùng cộng hưởng từ trường để khảo sát. Nguyên lý cơ bản dựa trên sự tồn tại của những nguyên tử hydro trong các mô cơ thể. Khi các mô được đặt trong một từ trường cường độ lớn, các proton trong các nguyên tử hydro sẽ được cung cấp năng lượng dưới dạng những sóng tần số radio, khi ngưng cung cấp các sóng thì hệ thống sẽ hồi trả năng lượng và các proton sẽ phát ra tín hiệu được máy tính xử trí, tính toán và hiện thành hình ảnh chẩn đoán.

Lợi ích căn bản của MRI cho phép xác định chính xác tổn thương phần mềm. CT hay MRI đều dùng để khảo sát khá toàn diện về mặt giải phẫu, nên một số trường hợp dùng cái nào cũng được.

Nhược điểm của chụp cộng hưởng từ là thời gian chụp lâu, trung bình khoảng 30 phút hoặc hơn, do vậy có thể có sai lạc do bệnh nhân cử động khi phải nằm lâu.

Y HỌC HẠT NHÂN - PET (Positron Emission Tomography)

CT và MRI cho phép thu nhận thông tin về cấu trúc giải phẫu chi tiết, còn PET cung cấp dữ liệu về hoạt động sinh lý và sinh hóa của các chất trong cơ thể, và đương nhiên vẫn thấy được phần nào về cấu trúc giải phẫu cơ thể.

Nguyên lý của PET là gắn chất đồng vị phóng xạ PDG18 cùng với nguyên liệu positron để đánh giá chức năng hoạt động của tế bào thông qua việc thu nạp chất PDG18. Theo dõi sự chuyển hóa và trao đổi chất trong cơ thể.

Kết hợp PET và CT là bước đột phá trong chẩn đoán và theo dõi điều trị các bệnh ung thư, thần kinh, tim mạch... PET có độ nhạy và độ tin cậy cao, chẩn đoán ung thư ở mức độ chi tiết. Đặc biệt còn cho thấy tổn thương sắp hình thành, tiến triển hoặc di căn đến vùng xa. Còn CT và MRI chỉ có thể thấy khi tổn thương đã hình thành.