Lựa chọn các thuốc nhuận tràng
Y học - Ngày đăng : 07:16, 09/05/2015
1. Nguyên tắc sử dụng thuốc nhuận tràng:
Vì vậy để điều trị táo bón thì việc đầu tiên là thay đổi lối sống như tập đi đại tiện đúng giờ, thường xuyên tập thể dục để tăng cường trương lực cơ ruột. Đồng thời phải uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ (20 - 35 g/ngày). Các chất xơ trong hạt ngũ cốc có thành phần là tế bào hóa gỗ nên không bị tiêu hóa và giữ nước. Trái lại, các chất xơ trong trái táo, trái họ cam chanh, rau cải được tiêu hóa và kích thích vi khuẩn ruột phát triển, nhờ vậy làm tăng khối phân.
Nếu thay đổi lối sống mà vẫn không giải quyết được táo bón thì sử dụng thuốc nhuận tràng.
Có thể sử dụng thuốc nhuận tràng tạo khối hàng ngày và liên tục ở hầu hết bệnh nhân, đặc biệt phòng ngừa táo bón mạn tính. Ngoài ra còn có thể sử dụng thuốc nhuận tràng thẩm thấu, nhuận tràng làm mềm... Mỗi nhóm thuốc nhuận tràng có những ưu và nhược điểm riêng tùy theo từng đối tượng sau:
- Trẻ em: táo bón ở trẻ em thường do thần kinh hay do chuyển hóa. Nếu táo bón kéo dài có thể do bất thường về giải phẫu. Nếu không liên quan đến bệnh lý thì cách xử lý giống như người lớn.
+ Trẻ em nhỏ: dùng nhuận tràng thẩm thấu, đôi khi dùng glycerin đặt hậu môn nếu cần. Không nên dùng dầu khoáng, nhuận tràng kích thích, hoặc thụt tháo vì không an toàn.
+ Trẻ em lớn: chọn polyethylen glycol là thuốc khởi đầu để điều trị duy trì vì thuốc này hiệu quả và an toàn, được chấp nhận nhiều hơn các thuốc nhuận tràng khác.
- Phụ nữ mang thai thường bị táo bón do bào thai chèn ép dần ruột già. Nên uống thuốc nhuận tràng tạo khối và nhuận tràng làm mềm, nên tránh nhuận tràng hấp thu toàn thân (nhuận tràng kích thích), nhuận tràng can thiệp hấp thu vitamin (dầu khoáng), nhuận tràng gây sinh non (dầu castor).
- Người cao tuổi: là đối tượng có nhiều bệnh nên dùng nhiều thuốc (Poly pharmacy), trước hết nên xem xét táo bón có liên quan tới bệnh lý hay do sử dụng thuốc.
+ Táo bón cấp: dùng thuốc đạn glycerin. Thuốc nhuận tràng kích thích là biện pháp sau cùng.
+ Đối với người nằm tại chỗ hay táo bón mạn tính thì nhuận tràng tạo khối là thuốc hàng đầu, tuy nhiên có thể sử dụng loại mạnh hơn như bisacodyle, sữa magie, với điều kiện ở liều có hiệu lực thấp nhất trong thời gian ngắn nhất (dưới 3 lần/tuần). Tránh dùng dầu khoáng cho người bất động vì nguy cơ hít vào phổi gây viêm phổi do lipid.
+ Trước khi dùng thuốc nhuận tràng uống có thể giải quyết khối phân lèn chặt bằng phương pháp cơ học như thụt tháo bằng dung dịch muối tẩy xổ.
- Chống chỉ định của thuốc nhuận tràng: buồn nôn, ói mửa, đau bụng, tắc ruột, không sử dụng thường xuyên, lâu dài.
Nếu sử dụng thuốc nhuận tràng quá 1 tuần vẫn không giải quyết được táo bón thì nên đến bác sĩ tìm nguyên nhân gây táo bón để giải quyết.
2. Các loại thuốc nhuận tràng:
2.1. Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: là các dung dịch ưu trương nên kéo nước vào lòng ruột nhờ thẩm thấu, điều đó làm tăng nhu động ruột để thải phân.
* Macrogol 4000 hay Polyethylen glycol 4000 (Forlax): là polymer có phân tử lượng lớn nên không được hấp thu và không chuyển hóa ở đường tiêu hóa. Macrogol còn có khả năng gắn với nước bằng liên kết hydrogen làm tăng lượng dịch trong lòng ruột. Điều đó giúp làm mềm phân, tăng thể tích khối phân nên kích thích nhu động ruột đẩy phân ra ngoài. Như vậy, macrogol gây phản xạ đại tiện như sinh lý bình thường.
Chỉ định:
Điều trị táo bón cho người lớn và trẻ em trên 8 tuổi (khi dùng gói 10 g).
Làm sạch ruột trước khi phẫu thuật.
Liều dùng: 1 - 2 gói/ngày.
Không dùng thuốc này trong các trường hợp sau:
• Viêm ruột nặng (viêm loét đại tràng, bệnh Crohn), phình đại tràng do nhiễm độc.
• Thủng ruột, tắc ruột.
• Đau bụng không rõ nguyên nhân.
* Lactulose (Duphalac): là disaccharid tổng hợp, không hấp thu qua ruột vì không có men phân giải thành đường đơn tại trực tràng. Vi khuẩn ruột phân giải lactulose thành acid hữu cơ có tính thẩm thấu kéo nước vào ruột làm tăng thể tích khối phân. Khởi phát tác dụng 8 - 12 giờ sau khi uống. Nhược điểm của lactulose là gây đầy hơi, chướng bụng, trung tiện do các acid sinh hơi.
* Glycerin: ưu trương nên kéo nước vào lòng ruột làm mềm phân và làm trơn khối phân. Sử dụng dạng thuốc đạn, khởi đầu tác dụng dưới 30 phút. Thuốc này rất an toàn, phù hợp cho trẻ em.
* Muối nhuận tràng: gồm các ion hấp thu kém như magnesium hydroxyd, magnesium sulfat (muối Epson), magnesium phosphat, magnesium citrat nên tạo áp suất thẩm thấu kéo nước vào lòng ruột. Muối magnesium kích thích bài tiết cholecytokinin là hormon kích thích nhu động ruột và bài tiết dịch. Đường uống khởi đầu tác dụng độ 4 giờ, đường trực tràng (thuốc đạn) khởi đầu tác động khoảng 15 - 30 phút.
2.2. Thuốc nhuận tràng tạo khối: là các polysaccharid thiên nhiên như psyllium (Metamucil) hoặc tổng hợp metylcellulose (Citrucel). Các chất này hút nước trở thành khối gel làm mềm phân và kích thích nhu động ruột.
Ưu điểm: dung nạp tốt.
Nhược điểm:
+ Khởi đầu tác dụng chậm (1 - 3 ngày) nên chỉ dùng để phòng ngừa.
+ Phình ruột, trung tiện (một số bệnh nhân), nghẽn ruột.
Lưu ý: phải uống với nhiều nước (ít nhất 24 0 ml cho một liều thuốc) để tránh táo bón trở lại.
2.3. Thuốc nhuận tràng kích thích: Bisacodyle (Dulcolax). Các thuốc này kích thích đầu mút thần kinh của niêm mạc đại tràng làm tăng nhu động ruột. Đạt hiệu quả sau 8 - 12 giờ sau khi uống thuốc.
Nhược điểm:
- Mất trương lực ruột nếu sử dụng lâu dài gây lờn thuốc.
- Đau bụng.
2.4. Thuốc nhuận tràng làm mềm: muối của docusat, là chất làm giảm sức căng bề mặt (surfactant) loại anion nên nước dễ thấm vào khối phân. Ngoài ra, các docusat còn làm tăng bài tiết dịch và chất điện giải vào ruột non và ruột già. Thuốc nhuận tràng làm mềm ít hiệu quả hơn thuốc khác nên chỉ dùng để phòng ngừa táo bón.
Tác dụng phụ: buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, ngăn hấp thu vitamin tan trong dầu, hít vào phổi gây viêm phổi (người cao tuổi, suy nhược).
2.5. Thuốc nhuận tràng làm trơn: dầu khoáng.
Nhóm thuốc này làm khối phân trơn dễ di chuyển trong ruột già, khởi đầu tác dụng 1 - 3 ngày.
Nhược điểm: giảm hấp thu vitamin tan trong dầu, gây bệnh viêm phổi lipid (hút dầu khoáng vào phổi) thường xảy ra với người cao tuổi, vì vậy không uống thuốc này lúc đi ngủ hay ở tư thế nằm.