Những “trò nghịch” dễ làm trẻ bị thương

Y học - Ngày đăng : 21:58, 20/04/2017

KHPT-Việc chơi đùa của trẻ rất hồn nhiên, tưởng chừng như vô hại nhưng đôi khi gây những hậu quả lớn. Vì vậy, không chỉ gia đình, xã hội và cả nhà trường cần phối hợp với nhau để dạy trẻ những kỹ năng sống, để trẻ hiểu những trò chơi nào nguy hiểm nên tránh…

Em họ dùng xăng đốt chuột, anh bị phỏng thương tích đến 31%

Trường hợp của em K.T. (14 tuổi, dân tộc Khmer, ngụ Trà Cú, Trà Vinh) đi mua viết về để chuẩn bị đi học. Khi T. đi ngang qua nhà chú của mình, thấy đứa em họ đang ngồi đốt chuột nên T. ghé vô xem. Vì rơm bị ướt, đốt mãi không thể cháy được nên em họ của T. vào nhà lấy bình xăng dự trữ để mồi lửa.

Thấy em mình lấy xăng đốt, T. chạy đến can ngăn nhưng chưa kịp kéo lại thì đứa em đã chế xăng vào đống rơm gây phựt lửa táp vào tay em họ T., do quá nóng, em quăng bình xăng đi nhưng không may quăng trúng vào người T., T. chưa kịp phản ứng thì bị lửa bén vào người. Nhanh trí, T. chạy đến ao cá phía sau nhà chú để tự dập lửa.

Nghe tiếng kêu cứu của T., người thím chạy đến thì T. đã kiệt sức. Người nhà nhanh chóng đưa T. đến bệnh viện tỉnh cấp cứu. Vết thương quá nặng, ngay hôm sau, T. được chuyển đến Bệnh viện nhi đồng 1, TP.HCM để tiếp tục điều trị.Tại đây, các bác sĩ nhận định T. bị phỏng nặng với 31% diện tích cơ thể bị bỏng sâu độ 2 - 3, gần như toàn bộ phần lưng, tay, gáy, ngực đều bị phỏng. Khi đến bệnh viện, T. vẫn còn tỉnh, tiếp xúc được nhưng phần phỏng đã bị nhiễm trùng, phù nề, liên tục bị sốt cao, vận động rất hạn chế, phải nuôi ăn bằng tĩnh mạch. T. vốn đã thiếu dinh dưỡng, 14 tuổi mà em chỉ nặng 35 ký nên rất yếu khiến việc điều trị cho em rất khó khăn. Các bác sĩ phải truyền dịch, truyền kháng sinh,… và liên tục theo dõi biểu hiện bệnh của em để có những liệu pháp kịp thời.

BS.CKI. Trần Bích Thủy, khoa phỏng - tạo hình Bệnh viện nhi đồng 1 cho biết: “Hiện tại, tuy T. đã qua cơn nguy kịch nhưng em vẫn còn phải điều trị lâu dài bao gồm những lần phẫu thuật tiếp theo để xử lý vết thương hoại tử và kiên trì tập vật lý trị liệu sau này. Các khớp xương của em hiện vẫn còn hoạt động được, không bị dính nhưng vẫn chưa thể nói trước được vì với những tai nạn phỏng, nhất là phỏng xăng, phỏng điện thì di chứng sau này rất nặng nề. Bên cạnh đó, T. vẫn có nhiều nguy cơ bị co rút sẹo, hạn chế chức năng vận động và sự mặc cảm khi tiếp xúc với bạn bè và những người xung quanh.”

Bé trai té từ trên cao bị thanh gỗ đâm xuyên mặt

Một bé trai, 14 tuổi ở Đồng Nai cùng nhóm bạn rủ nhau trèo lên bức tường cao để hái trái nhãn. Vô tình em bị trượt chân và té xuống đất. Phía dưới đất do có một số gỗ ballet, nên khi té xuống em bị thanh gỗ ballet đâm vào má trái. Gia đình đưa em vào Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, em được phẫu thuật để lấy các dăm gỗ đâm vào má, sau 5 ngày em được xuất viện, nhưng vết thương vẫn cương nhức và chảy mủ. Em tiếp tục nhập viện và được chỉ định mổ lần 2, lấy tiếp được miếng dăm gỗ khá lớn và em được hẹn qua tết cắt chỉ, nhưng vết thương vẫn chảy mủ. Người nhà lo lắng, nên quyết định cho em lên BV nhi đồng 1 để khám và điều trị.

Theo BS. Nguyễn Minh Hằng, phó khoa răng hàm mặt, BV nhi đồng 1, do trước đó em đã qua 2 lần phẫu thuật, nên em được chỉ định gây tê để lấy dị vật và bác sĩ đã lấy được 2 mảnh gỗ. Qua siêu âm, phát hiện em còn một mảnh gỗ khoảng 2 cm nữa nhưng không xác định được vị trí dị vật, mà phẫu thuật gây tê không cho phép thực hiện vết mổ sâu hơn. Các bác sĩ phải quyết định đóng vết thương lại, chờ phẫu thuật gây mê.

“Rất khó để tìm kiếm dị vật, dù trong quá trình mổ phải kết hợp siêu âm, dù biết có dị vật nhưng vẫn tìm không ra. Bác sĩ phẫu thuật quyết định rạch tiếp 2 đường mổ và mổ sâu vào tận xương khung gò má mới phát hiện một ổ mủ chảy ra, có 2 miếng dăm rất nhỏ và một miếng gỗ khoảng 2 cm cài vào khung gò má, đòi hỏi phẫu thuật viên phải hết sức khéo léo, lách nhẹ nhàng để rút trọn mảnh gỗ ra. Cuộc phẫu thuật kéo dài đến 3 giờ”, BS. Hằng nói.

Từ tết Nguyên đán đến nay, khoa đã tiếp nhận đến 5 trường hợp xóc dị vật vùng mặt. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên có sự quan tâm đến con cái, khi các cháu chơi nên biết các cháu chơi trò gì, ở đâu? Đồng thời, nhà trường cũng nên trang bị cho trẻ các kỹ năng sống, tránh những trò chơi nguy hiểm, để lại hậu quả khó lường, thậm chí tử vong, BS. Đẩu khuyến cáo.

Hồng Dung