Cần biết về sán dải heo
Y học - Ngày đăng : 19:43, 29/06/2019
Đầu sán dải heo Taenia solium có 4 dĩa hút và 2 hàng móc. Sán dải heo là ký sinh trùng đặc hiệu của người, chúng sống ký sinh ở ruột non, đầu sán cắm vào ruột non người rất chắc nhờ dĩa hút và móc. Đốt sán già sẽ rụng đi và được tống ra ngoài theo phân.
Trứng sán có hình cầu, kích thước 40 micromét, vỏ dày có tia. Trứng được phát tán trên cỏ, trên đất và được vật chủ trung gian nuốt vào. Vật chủ trung gian của Taenia solium là heo. Khi trứng sán vào ruột, phôi từ trứng sẽ được phóng thích ra khỏi vỏ, theo dòng máu phát tán khắp cơ thể, đặc biệt là vào các cơ, mô dưới da, não... tạo thành gạo sán. Gạo sán là một cái bọc to cỡ hạt lựu, trong chứa đầu sán.
Khi người ăn thịt heo, sẽ nuốt phải gạo sán. Dưới tác động của men tiêu hóa, đầu sán được phóng thích ra khỏi bọc, phát triển thành sán trưởng thành trong ruột non trong vòng 2 - 3 tháng gây bệnh đường ruột. Thông thường bệnh tương đối nhẹ, chỉ cần điều trị bằng Praziquantel (liều 15 - 20 mg/kg), liều duy nhất uống sau ăn 1 giờ.
Tuy nhiên, ấu trùng sán có thể “đi lạc”, thay vì đi vào ruột non nhưng do phản ứng nhu động ruột nên bị đưa ngược lên dạ dày. Tại đây, ấu trùng chui ra phôi, rồi chui qua niêm mạc vào vách ruột theo hệ tuần hoàn lên tim, sau đó vào hệ đại tuần hoàn rồi phát tán khắp cơ thể, tạo thành bệnh gạo heo ở não, mắt, cơ, mô dưới da... Nguy hiểm nhất, một số nang ấu trùng theo máu lên não, tạo thành nang sán ở não, có thể phát triển rất lớn, chèn ép não thất gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
BS. Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm, Bệnh viện nhi đồng 1, cho biết, giun sán thì có mặt rất nhiều trong môi trường, trong đất, trong rau không sạch, trong phân, nước miếng của động vật.Giun sán có nhóm ký sinh trên người, ký sinh trên động vật khác. Nếu giun sán ký sinh trên người vào cơ thể qua đường tiêu hóa hay qua da cũng sẽ di chuyển vào ruột người để thải ra môi trường nhằm “nhân giống”. Nếu loại giun sán ký sinh trên động vật khác khi “lỡ” đi vào người có thể đi lạc lên cơ quan khác nhưng tình huống này rất hiếm, sợ nhất là lên não, thường là lên da.
Vậy có nên xét nghiệm máu tìm xem có nhiễm giun sán?
Đa số khi giun sán vào cơ thể người, sau một thời gian cơ thể người tự thải ra nhưng xét nghiệm vẫn dương tính rất lâu, cho nên dù xét nghiệm dương tính nhưng thực tế trong người không có giun sán.
Vì vậy, chỉ bệnh nhân nào có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da (nổi sần, nổi cục trên da) , dấu hiệu ở não như co giật, hôn mê, yếu liệt chi... và bác sĩ điều trị nghi ngờ do ký sinh trùng “chạy nhầm đường” mới cho chỉ định xét nghiệm. Trẻ nhỏ hay người lớn không có triệu chứng gì, không nên làm xét nghiệm.
Trường hợp, nghi ngờ ăn phải gì đó mà có thể nhiễm giun sán nên uống thuốc xổ giun là đủ. Các loài giun sán thông thường dùng thuốc xổ giun Albendazol, Mebendazol, Pyrentel. Nghi sán heo, dùng Prazirentel hay Albendazol.