Ông Huỳnh Công Minh và triển lãm ảnh về nghệ sĩ Thanh Nga

Đời sống - Ngày đăng : 16:03, 06/03/2009

Những hình ảnh về nghệ sĩ Thanh Nga, người phụ nữ tài sắc đẹp vẹn toàn đã chiếm được tình cảm của công chúng qua hàng trăm vai diễn bằng nét diễn sống động, tự nhiên, đầy biểu cảm đang được trưng bày tại tiền sảnh của Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) từ ngày 3 - 8/3/2009 trước khi được trưng bày ở các tỉnh khu vực miền Tây Nam bộ. Đây là những hình ảnh NSƯT Thanh Nga trong các vở diễn nổi tiếng như Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Bông hồng cái áo, Nửa đời hương phấn, Đời cô Lựu, Phụng Nghi Đình, Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Bên cầu dệt lụa… được ông Huỳnh Công Minh ghi lại trong suốt những năm 1955 - 1959. Bên cạnh hình ảnh nghệ sĩ Thanh Nga, khách tham quan triển lãm sẽ như được quay về 40 - 50 năm về trước, khi mà cải lương khẳng định giá trị đích thực: hay, đẹp và sang trọng với những phông cảnh trí to lớn vẽ sắc sảo, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Nghệ sĩ thời ấy, dáng dấp hầu như ai cũng đẹp, toát ra chất tài tử phong .....

Ông Huỳnh Công Minh đã được ông Trần Tấn Quốc (người sáng lập giải Thanh Tâm mà Thanh Nga là người đầu tiên đoạt huy chương vàng năm 1958) hướng dẫn và đỡ đầu cho nghiệp làm ký giả kịch trường và chụp ảnh cải lương trong hơn mười năm. Với tư cách là thành viên của đoàn cải lương Thanh Minh, ông Huỳnh Công Minh đã có nhiều cơ hội để ghi lại những hình ảnh về Thanh Nga cả trên sân khấu lẫn ngoài đời. Nhân dịp Quốc tế phụ nữ năm nay, ông đã trao tặng 190 bức ảnh “nữ hoàng sân khấu cải lương” Thanh Nga cho Bảo tàng phụ nữ Nam bộ để thực hiện triển lãm ảnh “Nghệ sĩ Thanh Nga - Những vai diễn tiêu biểu” tại Nhà hát Bến Thành. Để có 190 bức ảnh trưng bày, suốt một tháng trời, ông Minh cặm cụi chọn ảnh gốc, mang ảnh đi scan, chờ lấy ảnh rửa, thuê người đóng khung, lồng kính và dán chú thích. Tổng chi phí thực hiện 190 bức ảnh là 25 triệu đồng do ông tự bỏ ra. Ông chia sẻ: “Tôi đã từng chịu ơn cải lương nên tôi muốn làm điều gì đó để đáp đền. Do vậy, tôi đã viết ba tập sách “Vang bóng một thời sân khấu cải lương Sài Gòn”. Nhờ được nhiều người đón nhận, ủng hộ, nên tôi có đủ chi phí để thực hiện bộ ảnh về Thanh Nga trước khi tặng cho Bảo tàng phụ nữ Nam bộ với hy vọng mang đến niềm vui cho thế hệ tuổi 50 - 60 khi họ nhớ lại cảnh huy hoàng của sân khấu cải lương ngày xưa và cho thế hệ trẻ cơ hội hiểu thêm về thời hoàng kim của loại hình nghệ thuật truyền thống cải lương”. Vì mong muốn đó mà ông không quản ngại tuổi cao (78 tuổi) chạy đi chạy lại để hoàn thành bộ ảnh cho kịp ngày khai mạc triển lãm.

Khi được hỏi, ông đã giữ những tư liệu quý báu này bằng cách nào trong hơn 40 năm qua, ông cho biết: “Trong suốt những năm tháng đó, tôi dùng máy Kodak Retina Reflex. Tôi đến với nhiếp ảnh bằng tình yêu và thích tự in tráng phim. Nhờ ngâm phim thật lâu trong nước, các hóa chất dùng rửa ảnh không còn bám trên phim nên giữ được phim đến nay”.

Hiện ông Huỳnh Công Minh đang lưu giữ hình ảnh của 50 đoàn hát lớn nhỏ, 550 tuồng cải lương và một số sự kiện sân khấu quan trọng diễn ra ở Sài Gòn từ năm 1954 - 1968 bằng phim trắng đen. Cho đến nay, Bảo tàng TP.HCM là đơn vị đầu tiên cũng là duy nhất mua của ông 100 tấm phim chụp 20 vở tuồng với giá 10 triệu đồng. Ông sẵn sàng quyên tặng hoặc kết hợp với các đơn vị tổ chức những cuộc triển lãm nguồn tư liệu ảnh quý giá này để khơi dậy tình cảm của thế hệ trẻ với nghệ thuật truyền thống. Giáo sư Trần Văn Khê đã nói: “Đó là một di sản văn nghệ dân tộc, một kho tài liệu về cải lương miền <_st13a_country-region><_st13a_place>Nam có một không hai cần phải được giữ gìn và bảo tồn dành cho các thế hệ mai sau”.

NGỌC ÁI

<_o3a_p>