Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” tri ân người nhạc sĩ tài hoa
Đời sống - Ngày đăng : 09:00, 20/09/2016
Theo bà Cao Xuân Thu Vân, giám đốc Sở văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Cà Mau, lễ hội “Dạ cổ hoài lang” năm 2016 với các hoạt động chính: giỗ tổ cổ nhạc (vào đêm 11, sáng 12/9/2016); lễ dâng hương tại Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (ngày 12/9/2016); khai mạc lễ hội “Dạ cổ hoài lang” năm 2016 (lúc 20 giờ ngày 12/9/2016) tại Quảng trường Hùng Vương với chương trình sân khấu hóa quá trình hình thành và phát triển của bản “Dạ cổ hoài lang”; tổ chức Liên hoan đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau năm 2016 mở rộng, với sự tham gia của 18 tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ (ngày 13 - 15/9/2016); thi đối đáp bản “Dạ cổ hoài lang”, ca dao, hò vè, thơ ca trong 2 ngày 13 và 14/9/2016, bế mạc lễ hội “Dạ cổ hoài lang” vào tối ngày 15/9/2016.
Bản “Dạ cổ hoài lang” - tác phẩm nổi tiếng của cố nhạc sĩ tài danh Cao Văn Lầu - người đã làm rạng rỡ nền cổ nhạc truyền thống dân tộc. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1890 - 1976) sinh tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, quận Vàm Cỏ, tỉnh Long An (nay là xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình ông trôi dạt nhiều nơi trước khi dừng chân tại Bạc Liêu. Khi sáng tác ra bài hát này, ông đã 29 tuổi và ngày đầu tiên ông phổ biến bài hát là vào ngày tết Trung thu - rằm tháng tám âm lịch năm Kỷ Mùi (1919).
Bây giờ, nghe nhắc đến “Bạc Liêu” là người ta sẽ nhớ đến một miền đất luôn “đãi” khách bằng đờn ca tài tử. Và Bạc Liêu xem đây là một trong những thế mạnh của tỉnh để khai thác phát triển du lịch. Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (khu lưu niệm) được xem là điểm du lịch “son” của Bạc Liêu, khẳng định vị thế của bản “Dạ cổ hoài lang”, tôn vinh tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Được xây dựng trên khu đất của khu lưu niệm cũ, mở rộng về hướng khu dân cư phường 2 (TP. Bạc Liêu), tổng diện tích khu đất xây dựng công trình là 12.577 m2 (phần mở rộng đến 10.200 m2). Đây là công trình để chào mừng và phục vụ sự kiện văn hóa Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014, với tổng mức vốn đầu tư của công trình hơn 75 tỷ đồng. Công trình có nhiều hạng mục được xây mới: nhà trưng bày về các tác giả biến tấu các nhịp từ bản “Dạ cổ hoài lang”, với tên gọi “Nhà trưng bày đờn ca tài tử cải lương”; nhà trưng bày các tranh, ảnh, hiện vật về nhạc sĩ Cao Văn Lầu và sự phát triển của “bài ca vua”. Nổi bật trong khu lưu niệm là đài ống tre hình trụ biểu tượng cây đàn kìm của đờn ca tài tử Nam bộ, xung quanh vòng đài có khắc 20 bài tổ đờn ca tài tử; lối vào chính phía trên của nhà hành chính là cầu thang lên khu vực có biểu tượng đờn kìm, là nơi hành lễ tưởng niệm. Đặc biệt là các bậc thang được bố trí theo các số bậc: 2, 4, 8, 16, 32 và 64, tượng trưng cho cung bậc, nhịp phách của ca cổ cải lương tương ứng với từng nghệ nhân sáng tác. Mỗi một giai đoạn phát triển, bản “Dạ cổ hoài lang” không ngừng thâm nhập sâu rộng trong lòng khán thính giả và người hâm mộ. Gần một thế kỷ qua, nhạc cổ truyền nói chung, vọng cổ nói riêng đã sản sinh cho Bạc Liêu nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, danh ca, danh cầm, tác giả, soạn giả nổi tiếng: bác Sáu Lầu, Ba Chột, Hai Thơm, Bảy Cao, Năm Nghĩa... đến Bảo Quốc, Thanh Nguyệt, Ánh Hồng, Yên Lang, Trọng Nguyễn...
Ngày 5/12/2013, Tổ chức UNESCO ra Nghị quyết công nhận đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì giới mộ điệu cải lương miền Nam và cả nước nói chung càng có lý do để thêm tôn vinh vị “tổ sư”, bậc tài danh vọng cổ Cao Văn Lầu.