Nhiều cơ hội cho ngành thời trang Việt Nam
Đời sống - Ngày đăng : 07:18, 01/02/2020
Mức chi tiêu dành cho thời trang đứng ở vị trí thứ 3, chiếm 13,9 % trong tổng các khoản chi tiêu cá nhân. Yếu tố thúc đẩy mua sắm thời trang của người tiêu dùng phần lớn là sau khi nhận lương hoặc những lúc có nhiều tiền; ngoài ra khi có chương trình giảm giá cũng là một trong những nhân tố thu hút nhu cầu chi tiêu của khách hàng. Kiểu dáng, thiết kế; chất liệu vải; giá cả là 3 tiêu chí ưu tiên khi quyết định chọn mua hàng; nam giới có mối quan tâm về giá cả và thương hiệu nhiều hơn so với nữ; trong khi đó, nữ lại quan trọng yếu tố kiểu dáng, thiết kế, chương trình giảm giá, khuyến mãi và màu sắc nhiều hơn.
Phong cách tiêu dùng hàng thời trang tại TP.HCM có thể chia thành 3 nhóm
chính: nhóm chạy theo xu hướng thời trang chiếm tỷ lệ cao nhất với 36,2%, nhóm quan tâm thời trang - biết cách làm đẹp và nhóm chỉ mua sắm khi cần thiết. Nhóm chạy theo xu hướng thời trang và nhóm quan tâm thời trang - biết cách làm đẹp có số lượng nữ giới nhiều cách biệt so với nam giới. Ngược lại đối với nhóm chỉ mua sắm khi cần thiết, nam giới chiếm tỷ lệ áp đảo so với nữ. Nhóm chạy theo xu hướng thời trang phần lớn luôn luôn tự chọn và mua quần áo cho bản thân, chiếm tỷ lệ 63,6%, cao hơn hẳn những nhóm còn lại. Mức độ thường xuyên mua sắm của nhóm trên cũng cao hơn so với 2 nhóm còn lại.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp thời trang Việt Nam được nhìn nhận là có những lợi thế riêng, như nắm bắt được xu hướng thời trang và hiểu rõ về văn hóa của Việt Nam để thiết kế sản phẩm phù hợp nhất với thị hiếu của người tiêu dùng. Một số doanh nghiệp có kinh nghiệm gia công cho các thương hiệu lớn nên sẽ có thuận lợi về chất lượng sản phẩm khi chuyển sang phát triển thương hiệu riêng cho thị trường trong nước.
Ngành thời trang Việt Nam cũng có không ít hạn chế, vẫn nặng về gia công, trên thế giới, sản phẩm mang thương hiệu thời trang Việt còn rất hạn chế. Các quy trình sản xuất thời trang vẫn nặng về thủ công, ít có công nghệ hiện đại áp dụng vào công đoạn sản xuất hàng ngày. Chúng ta cũng thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp về thiết kế thời trang. Các bộ sưu tập thời trang được các nhà thiết kế giới thiệu trong các tuần
lễ thời trang được coi là bước khởi đầu, tạo ra xu hướng thời trang theo mùa hoặc của năm. Tuần lễ thời trang được coi là những hoạt động chuyên nghiệp nhất của ngành thời trang Việt, các nhà thiết kế sẽ trao đổi với nhau bằng những hoạt động chuyên môn nhằm tạo lực đẩy cho ngành thời trang trong nước nhanh chóng hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để tạo ra được những bộ sưu tập trình diễn trong tuần lễ thời trang rất khó. Nhiều nhà thiết kế không thể tham dự bởi vì họ thiếu thợ may hỗ trợ để tạo ra những bộ sưu tập. Điều này cho thấy, ngành thời trang không chỉ yếu mà còn thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp.
Mặc dù một số thương hiệu thời trang Việt đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, tuy nhiên, với xu thế hội nhập các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới đang thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, khiến cho sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Do đó, các doanh nghiệp thời trang TP.HCM cần có những giải pháp phát triển thương hiệu.
Chuỗi cung ứng của hàng thời trang cũng còn rời rạc, chưa tạo được sự kết nối giữa các khâu. Điểm hạn chế của các hãng thời trang là chỉ mới tập trung ở các thành phố lớn, kênh phân phối hạn chế. Bên cạnh đó, thời trang nhanh đang phát triển mạnh mẽ, nhưng sẽ dẫn đến những hậu quả gây tổn thất cho thị trường. Do đó, cần chú trọng định hướng phát triển thời trang bền vững.