Những mặt trái của vấn đề tự chủ đại học

Giáo dục - Ngày đăng : 15:21, 08/09/2010

Ở nước ta, thời gian qua và hiện nay dư luận xã hội rất quan tâm đến vấn đề trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Thế nhưng, trao quyền tự chủ như thế nào, mức độ và nội dung, tiến trình ra sao vẫn còn là ẩn số. Và, mặt trái của tự chủ ít được chúng ta nhìn nhận đánh giá đầy đủ mà chủ yếu nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề này khi thấy ở một số nước phát triển.<_o3a_p>

Trong cơ chế phát triển kinh tế thị trường và hội nhập, các trường đều mong muốn rằng trường đại học không phải chỉ là nơi cho "ra lò" những người có bằng cấp mà còn phải chịu trách nhiệm trước xã hội về những sản phẩm đã tạo ra. Muốn vậy, các trường cần phải có quyền tự chủ và chịu trách nhiệm. Những mong muốn đó là:

- Quyền quyết định mở ngành và quyết định về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy để đạt các mục tiêu, cách thức đánh giá kết quả học tập; quyết định về ngành học phù hợp với khả năng của trường để đáp ứng được nhu cầu xã hội.

- Tự quyết định quyền tuyển chọn người học và số lượng người học; thời điểm tuyển chọn, cách thức tuyển chọn phù hợp với tiêu chí của từng trường.

- Tự quyết định tuyển chọn, bố trí cán bộ, giảng viên, công nhân viên và chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng chuyên môn đảm bảo đời sống của họ trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển trường.

- Tự quyết định về việc thu - chi tài chính (đề ra mức học phí và cách thức huy động tài chính, cách thức đầu tư, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia phát triển quy mô cơ sở vật chất, phục vụ đào tạo); quyền quyết định trả lương và các khoản đầu tư khác trong quá trình hoạt động

Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ nhìn thấy những mặt mong muốn đạt được như đã nêu ra, không phải trường nào cũng có thể làm được, lĩnh vực nào cũng có thể làm được mà phải xem xét và lường trước những mặt trái của nó.

Mặt trái khi trao quyền tự chủ hoàn toàn cho tất cả các trường đại học, cao đẳng

Nếu như sự chuyển giao ồ ạt xảy ra với các trường thì: Một số trường chưa đủ khả năng, năng lực, chủ động dễ gặp lúng túng khi tiếp nhận tự chủ, dẫn đến sai lầm. Trao quyền tự chủ cho cơ sở có đủ năng lực, đủ điều kiện sẽ đem lại hạnh phúc ấm no cho mỗi gia đình và xã hội. Trái lại, quyền tự trao cho những cơ sở chưa đủ điều kiện, cán bộ quản lý không đủ năng lực, tâm không sáng, khó lường trước được hậu quả. Do vậy, Bộ cần nghiên cứu sao cho phù hợp với hoàn cảnh từng địa phương, khả năng và vị thế người lãnh đạo của trường, tránh chuyển giao ồ ạt, đốt cháy giai đoạn, hy vọng "toàn thắng ắt về ta".

Sẽ có trường biết rõ mình không đủ năng lực nhưng vẫn tiếp nhận cho "bằng chị bằng em" và làm ẩu, bởi trách nhiệm thuộc về lý do "chưa có kinh nghiệm, không biết, không có tội"; hoặc vì "bệnh thành tích" hay lý do nào đó không dám từ chối; cũng có thể nhận những quyền mang tính "lợi nhuận" cao, từ chối cái khó khăn. Tất nhiên, có trường không đủ khả năng họ từ chối và chỉ nhận những quyền phù hợp với khả năng, năng lực.

Chuyển giao không phù hợp hoàn cảnh, thiếu cân đối, khoa học. Có trường nhận quá nhiều, quá sâu rộng tận dụng không hết, ngược lại có trường bị giới hạn một số mặt sẽ rất khó triển khai, hoặc tỉ lệ phân chia quyền tự chủ thiếu cân đối, khó thực hiện. Chẳng hạn, khi cho tự chủ, có trường làm theo tiến trình về học thuật/chương trình/giáo viên/tài chính/tuyển sinh, họ cần căn cứ chương trình như thế nào, mời những ai, lương bổng ra sao, cần bao nhiêu tài chính.... Như thế, trường phải được giao đầy đủ các quyền, thiếu một mặt không thể tiến hành. Ngược lại, có trường muốn tự chủ về tuyển sinh, tài chính để căn cứ vào đó làm kinh phí hoạt động thì yêu cầu tự chủ không cần rộng như trường trên.

Như vậy, Bộ nên căn cứ vào khả năng của từng trường giao quyền tự chủ. Các trường không thể thiếu việc trình kế hoạch tự chủ của mình để Bộ có thông tin chuẩn xác, khoa học hơn trong việc giao quyền.

Chuyển giao tự chủ cho công lập cần tính đến khả năng cạnh tranh của hệ thống các trường ngoài công lập, các trường trung cấp, trường nghề. Nếu cho công lập tuyển sinh ồ ạt về thời gian, không gian, chất lượng đầu vào thì chắc chắn nảy sinh tình trạng chạy theo lợi nhuận, bỏ quên chất lượng - điều này cực kì nguy hiểm vì "sản phẩm giáo dục một khi hỏng thì không thể sửa chữa mà cũng không thể vứt đi, di hại của nó kéo dài đến hàng 3 - 4 thập kỉ" - một giáo sư thổ lộ.

Sự tuyển sinh ồ ạt của công lập, mở và "nâng cấp" quá nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn có diện tích nhỏ, các trường ngoài công lập sẽ không tuyển sinh được, các trường trung cấp, trường nghề công lập vắng bóng sinh viên, nguy cơ phá sản. Nếu các đại học công mở thêm hệ cao đẳng, ngành "hot", ngành có lợi nhuận cao và tuyển "vét" cả học sinh mới tốt nghiệp THCS ở cấp đào tạo này thì chương trình phân luồng học sinh của Bộ có nguy cơ phá sản, bởi ai cũng mong con cho cháu của mình được vào trường công lập danh tiếng để liên thông. Đây không phải là ý kiến của cá nhân tôi, báo Người Lao động ra ngày 10/09/09 có nêu  "Đến nay, số hồ sơ trường nhận được chỉ hơn 50% trong tổng số 800 chỉ tiêu tuyển sinh (...) hầu hết hồ sơ là của học sinh lớp 9, chẳng thấy hồ sơ nào của học sinh lớp 12" - ông Nguyễn Phan Hoà, Hiệu trưởng Trường TCN Nhân Đạo, cho biết.

Công lập được giao quyền quá rộng, lại có sự tiếp sức từ ngân sách Nhà nước, ưu đãi về giá thuê mặt bằng... chắc chắn gây cho ngoài công lập nhiều khó khăn. Họ tận dụng lợi thế được ưu đãi về thuế, mặt bằng rẻ, đẹp, không tổ chức đào tạo (hoặc đào tạo cầm chừng), chuyển nhượng, cho thuê lại, hưởng chênh lệch. Điều này, Bộ cần lưu ý trong chế độ ưu đãi, phân quyền sao cho hợp lý công bằng hơn.

Ngoài khó khăn trên, hệ thống ngoài công lập hiện nay còn phải cạnh tranh khốc liệt với các trường quốc tế, liên kết quốc tế, trường "gắn mác" quốc tế. Khó khăn là thế, vai trò của họ cũng không nhỏ, nhưng Nhà nước, xã hội vẫn chưa công bằng trong cách nhìn, cách nghĩ về hệ thống này.

Cần chú ý vấn đề lợi dụng danh nghĩa liên kết quốc tế (chương trình, công nghệ, giảng viên) để thu phí cao, gây hiểu nhầm cho người học và xã hội. Trường quốc tế đang trở thành "hội chứng" ở cấp học từ mầm non đến phổ thông, nhiều phụ huynh có con em theo học dở khóc, dở cười khi đầu tư "nhầm trường" gắn mác quốc tế. Bài học này giúp chúng ta sắp tới khi triển khai tự chủ đại học.

Một số trường, khoa, ngành đào tạo sẽ lợi dụng danh nghĩa quốc tế "mập mờ đánh lận con đen" để thu phí cao trong khi chương trình, giảng viên, chất lượng chỉ đáng "nội địa" (thực tế, hiện nay không thiếu "Tây ba lô" làm giảng viên cho các Trung tâm Anh văn Quốc tế). Hoặc, họ có thể thuê một số giáo viên nổi tiếng làm "bình phong" ở một số ngành, khoa và "độn" giảng viên không đủ năng lực (trả phí thấp) nhằm đạt lợi nhuận cao nhất, người học và xã hội nhận lãnh hậu quả.

Cấu kết với tập đoàn, tổ chức quốc tế để rửa tiền thông qua hoạt động đầu tư, tài trợ, từ thiện, mở trường, mở ngành học. Nếu không kiểm soát, vô tình chúng ta hợp thức hoá "tiền bẩn" tiếp tay cho hoạt động tội phạm nước ngoài - tiềm ẩn cho sự thao túng ngành giáo dục nước nhà về lâu dài.

Thông qua hình thức trao đổi sinh viên, đưa người trái phép ra nước ngoài; liên kết với các trường, tổ chức quốc tế không uy tín, hoặc đào tạo vượt chỉ tiêu nước ngoài cho phép, người học sau bao năm theo đuổi chỉ có mỗi tờ "chứng nhận".

Quốc tế hoá giảng viên, không tạo điều kiện cho giảng viên trong nước phát huy năng lực. Sính ngoại - tâm lý chung của phần lớn người Việt. Khi được tự do hợp tác quốc tế, một số trường tài chính mạnh sẽ quốc tế hoá 100% đội ngũ giảng viên. Nếu điều này xảy ra sẽ thui chột nhân tài trong nước, không tạo điều kiện cho giảng viên hơn kém, ngang tầm, thậm chí trình độ cao hơn giảng viên quốc tế phát huy năng lực.

Để đánh bóng thương hiệu của mình, trường này tranh đua với trường khác mời giảng viên ngoại, vừa tốn kém, vừa không tận dụng tài năng đất Việt tạo ra cơn "sốt" chất xám ảo. Bộ nên quy định tỷ lệ giảng viên là người ngoại quốc sao cho hợp lý, khoa học trên cở sở phát huy nội lực kết hợp ngoại lực. Đặc biệt, những ngành quan trọng, then chốt, mũi nhọn, ngành có tính chiến lược của nước nhà nên có giải pháp sao cho giảng viên trong nước đủ khả năng làm chủ, tránh phụ thuộc bên ngoài, nếu không một ngày không xa thiên hạ nắm công nghệ đào tạo, chúng ta phải trả giá cho "thành tích" sính ngoại.

Những vấn đề cần lưu ý trong từng nội dung cụ thể khi trao quyền tự chủ đại học.

- Về tuyển sinh: việc tuyển sinh ồ ạt, cục bộ, tuyển "tay trên" lấy học sinh giỏi, hoặc tuyển ồ ạt cho vào học năm thứ nhất nhưng đến năm thứ 2, thứ 3 viện lý do loại bớt sinh viên nhằm lấy chất lượng cao tạo uy tín đầu ra - hình thức vô nhân đạo này đã xuất hiện ở một số trường, nhưng lại có thể vượt qua được sự kiểm soát của các cơ quan chức năng và xã hội.

- Về tài chính :

Là vấn đề rất nhạy cảm, tiêu cực thường xảy ra ở lĩnh vực này, do vậy Bộ nên lưu ý đến các trường khi có thương hiệu thường thu học phí cao. Đáng chú ý hơn là các trường, khoa, ngành có thương hiệu "liên kết" với nhau buộc người học chỉ có lựa chọn duy nhất - chấp nhận.

Thậm chí các trường chỉ đào tạo ngành "hot", ngành được thu phí cao, bỏ ngành xã hội cần nhân lực nhưng khó thu học phí cao. Hay, năm thứ nhất thu phí thấp để chiêu sinh, nhưng khi học đến năm thứ 3, 4 đẩy học phí lên cao, tạo cho sinh viên tình thế lưỡng nan không thể bỏ học được.

Có những trường nhận kinh phí Nhà nước nhưng không đầu tư vào đào tạo mà cho thuê tài chính, hưởng chênh lệch; chi sai mục đích, không cân đối, chi vào những khoản "hấp dẫn", hoa hồng cao không thiết thực. Chẳng hạn, đầu tư quá nhiều cho xây dựng cơ bản, nhập thiết bị ngoại trong khi có thể thay thế bằng thiết bị trong nước (thiết bị trong nước, thanh tra thường nắm được giá cả), không tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy.

Tiền thu được từ hoạt động giáo dục không đầu tư tái tạo, tu bổ để phát triển, có hành vi tiêu cực tìm mọi cách đạt doanh thu cao nhất, không chú ý đến chất lượng "ngày mai sẽ ra sao". Đây chính là căn nguyên thương mại hoá giáo dục.

Cần lưu ý khi thực hiện tự chủ trong quản lý, nhiều trường hợp giảng viên có thương hiệu, uy tín, nảy sinh bệnh "ngôi sao", "sao" này liên kết với "sao" khác đòi hỏi chế độ thù lao quá cao khiến trường có nhu cầu không đủ khả năng mời giảng dạy.

- Tuyển cán bộ, giảng viên, công nhân viên:

Khi được toàn quyền quyết định nhân sự, các trường dễ nảy sinh việc hợp đồng cán bộ giảng viên không đủ năng lực, dựa vào quen biết và trả lương, đãi ngộ cao, giảng viên không đủ năng lực nhưng "dễ bảo"; chỉ tuyển một số người có uy tín để "đối phó" với Bộ phục vụ cho ngành "hot", số còn lại sử dụng giảng viên không đủ năng lực, trả phí thấp nhằm đạt lợi nhuận cao nhất; Tuyển và đào thải giảng viên liên tục nhưng không sử dụng nhằm đánh bóng thương hiệu gây nhầm lẫn cho người học, doanh nghiệp, xã hội.

Các trường đại học và cao đẳng ở tỉnh lẻ có thể mất cán bộ, giảng viên giỏi vì mức lương, chế độ ưu đãi hấp dẫn của các "đại gia" thành phố dẫn đến thiếu hụt lao động trình độ cao, không đảm bảo cho việc đào tạo. Bộ nên lưu ý hỗ trợ giúp các trường tỉnh lẻ giữ chân người tài khi giao quyền tự chủ.

Hiện tượng nhờ người đứng tên để mở trường, phân nhánh, ngành, khoa, cấp bậc đào tạo có thể xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng đến chất luợng đào tạo, quản lý. Chẳng hạn: cho phép trường không đủ năng lực mở mã ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, họ sẽ hợp thức hoá đội ngũ cán bộ, giảng viên, chức vụ lãnh đạo. Dẫn đến hậu quả là một chính sách tốt đẹp, nhưng trở thành miếng mồi béo bở cho những hoạt động phi giáo dục.

- Chương trình: duy trì chương trình lạc hậu, chắp vá, trang thiết bị không đảm bảo cho việc dạy học, sản phẩm tạo ra không đáp ứng được nhu cầu xã hội.

- Liên kết quốc tế: thông qua trao đổi giảng viên, đưa người ra nước ngoài bằng hình thức tài trợ để tranh thủ tuyên truyền cho sinh viên có tư tưởng hướng ngoại.

Vấn đề nào cũng có hai mặt, nếu chúng ta khắc phục được mặt trái, phát huy thế mạnh, huy động nhân lực, trí lực, tài lực của toàn Đảng, toàn dân thì mọi việc trở nên đơn giản.

ThS. Trịnh Văn Anh