Nét mới trong tuyển sinh năm 2012 của Đại học quốc gia TP.HCM

Giáo dục - Ngày đăng : 15:15, 13/03/2012

Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQGHCM), trong kỳ thi tuyển sinh 2012, ĐHQG-HCM chủ trương tách riêng quá trình kiểm tra trình độ thí sinh và quá trình xét tuyển, từng bước tiến tới cải tổ toàn diện phương thức tuyển sinh với mục tiêu chọn được đối tượng sinh viên có kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp với ngành đào tạo, đồng thời định hướng đúng đắn cho quá trình học tập, giúp học sinh có sự chuẩn bị tốt cho quá trình học đại học.

Áp dụng việc nhân hệ số

Việc kiểm tra trình độ thí sinh được thực hiện thông qua kỳ thi tuyển sinh chung toàn quốc do ĐHQG-HCM phối hợp với Bộ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tổ chức. Áp dụng tổ hợp môn thi mới (khối thi A1) nhằm mở rộng tầm đánh giá khả năng học tập của sinh viên. Việc xét tuyển được thực hiện thống nhất trong toàn ĐHQG, phát huy tối đa khả năng liên thông trong hệ thống. Áp dụng việc nhân hệ số cho các môn thi đặc thù của ngành đào tạo nhằm lựa chọn chính xác hơn thí sinh vào ngành học phù hợp. Cụ thể các môn thi nhân hệ số 2 là: toán khối A của Trường đại học công nghệ thông tin; toán khối A, A1, D1 của Trường đại học kinh tế - luật; ngoại ngữ, văn, sử, địa của Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn. Điểm xét tuyển là tổng điểm của một môn nhân hệ số 2, hai môn còn lại nhân hệ số 1.

Các trường đại học bách khoa, kinh tế - luật, quốc tế: tất cả ngành tuyển sinh khối A đều có bổ sung khối thi A 1, Trường đại học khoa học tự nhiên bổ sung khối A1 các ngành: CNTT, toán, điện tử - truyền thông, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn: triết học, địa lý, xã hội học, thư viện - thông tin và đô thị học.

Không trúng tuyển sẽ được chuyển vào ngành còn chỉ tiêu

Ở nguyện vọng 1, thí sinh có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn của ngành, nhóm ngành đăng ký dự thi sẽ được công nhận trúng tuyển. Thí sinh dự thi vào ĐHQGHCM nhưng không trúng tuyển vào ngành đăng ký dự thi (ĐKDT), nếu có nguyện vọng, sẽ được chuyển vào ngành còn chỉ tiêu, có cùng khối thi trong tất cả các trường thuộc ĐHQGHCM. Việc xét tuyển sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian quy định cho xét tuyển nguyện vọng 1 (được gọi là NV 1B).

Đại học quốc gia TP.HCM xét tuyển nguyện vọng 2 (đối với những trường còn chỉ tiêu) dành cho các thí sinh không trúng tuyển các NV 1 vào các trường thuộc hoặc không thuộc hệ thống ĐHQG-HCM. Các trường sẽ nhận hồ sơ từ ngày 25/8/2012 đến 17 giờ ngày 10/9/2012, chỉ nhận giấy báo điểm chính thức, không nhận bản sao. Thời gian cho thí sinh rút phiếu xét tuyển từ 5 - 10/9/2012.

Lộ trình thực hiện cải tiến tuyển sinh tại ĐHQG-HCM

Bước 1- Khởi động: Năm 2012 bắt đầu tách riêng hai quá trình kiểm tra kiến thức và xét tuyển. Sử dụng kỳ thi chung của Bộ GD&ĐT làm công cụ đánh giá khả năng thí sinh. Bước đầu xây dựng quá trình xét tuyển thống nhất trong toàn hệ thống ĐHQG. Chuẩn bị nhân sự và cơ sở vật chất, tài chính cho quá trình đánh giá độc lập.

Bước 2 - Xây dựng nền tảng: Các năm 2012, 2013, xây dựng ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực thí sinh. Tiếp tục sử dụng kỳ thi chung của Bộ GD&ĐT làm công cụ đánh giá khả năng thí sinh. Hoàn thiện hệ thống xét tuyển thống nhất trong toàn ĐHQG. Áp dụng công nghệ tiên tiến trong công tác xét tuyển: đăng ký online theo mẫu chung thống nhất trong toàn hệ thống để tăng liên thông xét tuyển. Sử dụng kết quả của kỳ thi kiểm tra năng lực (kỳ thi chung do Bộ GD&ĐT tổ chức) làm tiêu chí xét tuyển.

Bước 3 - Thử nghiệm: Các năm 2014, 2015, hoàn thiện bước đầu ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực thí sinh. Thử nghiệm sử dụng hình thức đánh giá năng lực mới, song song với kỳ thi chung của Bộ GD&ĐT. Đánh giá, hoàn thiện hình thức đánh giá năng lực mới. Tiếp tục hoàn thiệnhệ thống xét tuyển áp dụng công nghệ hiện đại thống nhất trong toàn ĐHQG. Thí điểm xét tuyển dựa trên tổ hợp các tiêu chí như: kết quả kiểm tra năng lực, kết quả học tập phổ thông, thành tích hoạt động xã hội... cho một số ngành, nhóm ngành.

Bước 4 - Cải cách toàn diện: Năm 2016, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực thí sinh. Áp dụng toàn diện hình thức đánh giá năng lực mới, áp dụng hệ thống xét tuyển thống nhất trong toàn ĐHQG. Áp dụng toàn diện quá trình xét tuyển dựa trên tổ hợp các tiêu chí như: kết quả kiểm tra năng lực, kết quả học tập phổ thông, thành tích hoạt động xã hội...

ANH THƯ