Quản lý dạy và học thêm: làm thế nào cho phù hợp?

Giáo dục - Ngày đăng : 14:59, 23/04/2012

Hiện trạng dạy thêm và học thêm đang làm bao nhiêu học sinh và phụ huynh phải khổ sở, các cơ quan quản lý thì lúng túng, mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để.

Ý kiến của phụ huynh

Hãy thử suy nghĩ về trường hợp anh Nguyễn Thuận: “Tôi không bình luận mà chỉ kể chuyện thật trong gia đình tôi để mọi người tham khảo. Gia đình  có một cháu trai hiện đang học năm thứ 3 Trường đại học ngoại ngữ Đà Nẵng, khoa tiếng Anh thương mại. Khi còn học ở cấp THCS cháu học tốt tiếng Anh nên được tuyển vào đội bồi dưỡng học sinh giỏi của huyện. Mải chăm chút tiếng Anh nên môn toán cháu hoàn toàn mất căn bản. Khi vào học lớp 10 THPT, điểm thi học kỳ I chỉ đạt có 2,5 điểm. Lo lắng cho con, vợ chồng tôi gửi cháu đi học thêm môn toán. Từ học kỳ II lớp 10 đến cuối học kỳ II lớp 12 cháu vươn lên nhất lớp về môn toán. Thi tốt nghiệp phổ thông môn toán đạt 10 điểm. Và cũng năm đó cháu thi trúng tuyển đại học khối D”.

Ngay cả học sinh trường quốc tế cũng phải đi học thêm, chị Thanh Hằng nói: “Con tôi năm nay học lớp 6 ở trường quốc tế, học kỳ 1 cháu chỉ đạt học sinh tiên tiến, nhìn bạn bè đạt loại giỏi cháu buồn lắm nên muốn đi học thêm, hỏi cô giáo ở trường thì cô không dám dạy, vì đã học ở trường quốc tế, còn học 2 buổi nữa. Nếu có em nào học yếu, nhà trường sẽ tự lên danh sách và mở lớp phụ đạo miễn phí. Vậy là tôi phải đi tìm một giáo viên ở bên ngoài, gần nhà cho cháu đi học thêm”.

Con của chị Hoa Mai năm nay học lớp 10, năm nào cũng đều là học sinh giỏi, nhưng có điều đáng nói là thầy, cô trong trường dạy cháu không hiểu gì cả, phải ra ngoài học thêm thì mới nắm được bài, chị nói: “Không phải các thầy, cô ấy cố tình dạy học sinh không hiểu, để đưa về nhà dạy, bởi vì họ không có dạy thêm. Chỉ có một lý do: khả năng sư phạm, hoặc thậm chí là khả năng chuyên môn còn yếu. Tôi nghe cháu kể, nhiều khi thầy giảng bài mà cả lớp nghe không hiểu gì, bạn này hỏi bạn kia, tất cả đều lắc đầu, từ đó về nhà tự lo mà đi tìm chỗ học thêm. Có lúc thầy vừa giảng bài phải vừa liếc … quyển sách để lấp ló dưới hộc bàn để đọc cho học sinh chép bài!”. Con chị Mai không phải là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, mà cháu đang học ở một trường trung tâm TP.HCM. Thực trạng giáo viên trong trường giảng bài học sinh không hiểu cũng là một lý do khiến cho học học sinh buộc phải đi ra ngoài tìm thầy giỏi để học thêm. Vấn đề này cũng đáng để các trường đại học sư phạm lưu tâm về chất lượng giáo dục của mình, tập trung quá nhiều vào khả năng chuyên môn mà khả năng sự phạm hầu như không có, hiểu biết về kiến thức nhưng không biết cách truyền đạt kiến thức đó cho học sinh thì không thể trở thành giáo viên được.

Học trong trường không hiểu thì tất nhiên phải đi học thêm, đây là một nhu cầu chính đáng của học sinh. Cũng không thiếu những học sinh, mặc dù học lực khá, nhưng vẫn muốn ra ngoài tìm thầy giỏi để học thêm nhằm chuẩn bị cho các kỳ thi cuối cấp, tuyển sinh đại học, cao đẳng là chuyện bình thường. Bởi vậy mà các trung tâm luyện thi mọc lên như nấm, quảng cáo thầy này, cô kia, nhưng khi gọi điện thoại đến thì phần nhiều là trung tâm giới thiệu việc làm. Cũng có không ít trung tâm bồi dưỡng văn hoá được nhiều tín nhiệm của học sinh và phụ huynh, muốn đăng ký học phải xếp hàng, rồi phải đạt tiêu chuẩn: học sinh giỏi, thi học kỳ môn toán phải 8 trở lên mới nhận…

Giải quyết tiêu cực trong học thêm như thế nào?

Vấn đề tiêu cực trong học thêm ở đây được hiểu là giáo viên ép buộc học sinh phải đi học thêm mình bằng nhiều cách, trong khi các em không muốn. Hãy nghe trường hợp của chị Anh Đào: “Con tôi học từ lớp 1 đến nay (lớp 9) đều học ở các trường, có thể gọi là trường tốt, thuộc trung tâm quận 3. Ở cấp tiểu học, việc thầy cô dạy thêm rất ít, hầu như không giáo viên nào ép buộc học sinh đi học thêm. Tất cả các kỳ kiểm tra, thi học kỳ đều do phòng giáo dục ra đề, có nghĩa là giáo viên không biết trước. Nhưng đến cấp THCS, từ năm lớp 6 đến năm lớp 9, ở các môn có thể dạy thêm, đặc biệt là môn toán, giáo viên đều có một “bài” rất giống nhau để ép học sinh đi học thêm: cho làm bài kiểm tra thật khó, thậm chí có năm học, thầy toán cho đề cả lớp làm không được, cao nhất cũng chỉ … 4 điểm! Lúc phát bài, học sinh hoang mang, lo sợ, cũng là lúc thầy thông báo về lớp học thêm của mình, em nào muốn học thì đăng ký cho lớp trưởng! Nhưng đó chưa phải là vấn đề đáng nói nhất, cái chính ở đây là học sinh đi học thêm đều được thầy cho biết trước thời gian kiểm tra (kiểm tra 15 không báo trước) và cho biết trước dạng đề, chỉ khác số, thầy giải sẵn. Đặc biệt, các thầy, cô có dạy thêm rất tích cực cho kiểm tra, 15 phút, 1 tiết, mục đích là để các em đi học thêm thấy được “ích lợi” của việc đi học thêm nhà thầy, và đây cũng là cách để giữ chân học sinh không bỏ học thêm nếu thầy giảng bài không hiểu gì cả!”.

Chị Đào nêu vấn đề khác biệt giữa cấp tiểu học và cấp THCS về vấn đề dạy thêm: tiểu học ít, còn THCS thì tràn lan, vấn đề mấu chốt ở đây là ở các bài kiểm tra, tiểu học thì thầy cô không biết đề, ít bài kiểm tra, còn ở cấp THCS, kiểm tra rất nhiều, giáo viên tự cho đề, tự quyết định thời gian kiểm tra, đây chính là công cụ dùng để ép học sinh đi học thêm hiệu quả nhất. Nếu cấp THCS làm giống như tiểu học thì có lẽ vấn đề này sẽ giảm thiểu rất nhiều.

Hiện nay một số trường cũng có một giải pháp để vừa giải quyết vấn nạn học thêm vừa giải quyết được nhu cầu tăng thu nhập cho giáo viên, đó là mở trung tâm bồi dưỡng văn hoá của trường, tuyển sinh rộng rãi, học sinh trong trường, ngoài trường… Giáo viên nào muốn dạy thêm đều được phân lớp, ai dạy hay thì nhiều học sinh học, dạy không hay thì ít học sinh. Cũng không xảy ra hiện tượng giáo viên ép học sinh chính khoá của lớp mình đi học lớp dạy thêm này, vì nhà trường rất nghiêm khắc, nếu có phụ huynh phản ánh là xem xét xử lý ngay. Học sinh, nếu muốn học thêm, có thể đăng ký học bất cứ giáo viên nào,  trưởng bộ môn hoặc giáo viên lớp khác. Lợi ích từ trung tâm này, ngoài việc trả thù lao cho giáo viên trực tiếp giảng dạy, còn chia sẻ cho các giáo viên khác, kể cả những người dạy các môn như sử, địa, giáo dục công dân, thể dục… những môn không có “khái niệm” dạy thêm.

Anh Thư