Tại sao nhiều học sinh thích nói tục, chửi thề, đánh nhau?
Giáo dục - Ngày đăng : 07:23, 29/11/2013
HS thích đánh nhau, đánh hộ bạn để ra oai “đại ca”
Để tìm hiểu thực trạng đạo đức của HS THPT trên địa bàn TP.HCM, tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu chính là điều tra bằng bảng hỏi trên lượng mẫu là 120 HS (dựa trên số phiếu điều tra hợp lệ) ở 3 trường: THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, THPT Trần Quang Khải, Q.11, THPT Nguyễn Chí Thanh,Q. Tân Phú; cùng đó là 60 giáo viên (GV) gồm GV chủ nhiệm, GV bộ môn của 3 trường nêu trên để bổ sung cứ liệu nghiên cứu.
Kết quả cho thấy tỷ lệ HS vi phạm các chuẩn mực đạo đức là không nhỏ. Số HS có hành vi vi phạm nhiều nhất là chửi thề, chửi bậy; gây gổ, đánh nhau; trốn học, bỏ giờ và gian lận trong thi cử. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng HS nói tục, chửi thề, chửi bậy chiếm một tỉ lệ tương đối cao. Khi được hỏi: Với bạn việc nói tục, chửi thề, chửi bậy diễn ra như thế nào? thì có tới 50% HS cho biết là thỉnh thoảng và 12% nói rằng thường xuyên có những hành vi đó.
Một hiện tượng đáng báo động hiện nay là tình trạng HS gây gổ đánh nhau ngày càng nhiều, không chỉ có HS nam, mà có cả HS nữ. Khi được hỏi: Việc gây gổ đánh nhau trong trường và bên ngoài đối với bạn diễn ra như thế nào? Có tới 34,2% HS cho biết là thỉnh thoảng. Nguyên nhân chủ yếu là do xích mích trong tình bạn, tình yêu, kết bè, kết nhóm để đón đường đánh trả thù nhau… Nhiều khi các em còn dùng cả hung khí như dao, kiếm… Điều này là do ảnh hưởng của phim ảnh, trò chơi bạo lực trên mạng, các em thích đánh nhau, đánh hộ bạn để ra oai “đại ca”.
Hiện tượng HS bỏ giờ, trốn học, khi được hỏi về vấn đề này thì có tới 26,7% thừa nhận là thỉnh thoảng và 7,5% thường xuyên. Đây là những em chưa có ý thức trong học tập, thiếu sự quan tâm của gia đình, các em thường bỏ giờ, trốn học đi chơi bi da, chơi game, la cà quán xá, do học yếu, ham chơi nên bị bạn bè xấu lôi kéo, dẫn đến vi phạm các chuẩn mực đạo đức, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Số HS có hành vi vi phạm các chuẩn mực đạo đức không nhiều so với tổng số HS, tuy nhiên nó lại có ảnh hưởng không nhỏ và dễ lây lan trong tập thể HS.
3 nhóm nguyên nhân chủ yếu
Kết quả nghiên cứu nguyên nhân tình trạng trên chia làm 3 nhóm chủ yếu: gia đình, nhà trường và xã hội.
Gia đình là cái nôi của sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ thơ. Trình độ văn hóa, lối sống, phương pháp giáo dục của gia đình có ảnh hưởng lớn đến nhân cách của trẻ. Thực tế hiện nay, phần lớn HS có hành vi vi phạm các chuẩn mực đạo đức thường ở các nhóm gia đình như: thứ nhất, những gia đình có kinh tế khó khăn, bố mẹ không có điều kiện quan tâm đến việc học hành của con cái; thứ hai, ở những gia đình có điều kiện kinh tế tốt, nhưng do cha mẹ nuông chiều, đáp ứng mọi nhu cầu vật chất mà ít quan tâm đến đời sống tinh thần và những đặc điểm phát triển tâm sinh lý lứa tuổi của con cái; thứ ba, ở những gia đình vợ chồng sống không hạnh phúc, các mối quan hệ trong gia đình thiếu chuẩn mực giữa bố mẹ và con cái, bố mẹ luôn trong tình trạng mâu thuẫn hoặc đã ly hôn, có thành viên trong gia đình sa vào nghiện hút, rượu chè, cờ bạc… Sự thiếu gương mẫu của người lớn chính là điều kiện để trẻ học tập những thói hư tật xấu.
Nguyên nhân từ phía nhà trường: ban giám hiệu một số trường đôi lúc chưa nắm bắt kip thời các hiện tượng vi phạm đạo đức của HS để răn đe, ngăn chặn kịp thời. Năng lực của một số GV chủ nhiệm lớp còn nhiều hạn chế, chưa đi sâu đi sát từng HS để nắm bắt hoàn cảnh riêng của từng em, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của HS. Một số GV bộ môn chưa chú trọng việc “dạy chữ” để “dạy người”, có ý nghĩ rằng giáo dục đạo đức cho HS là việc của GV chủ nhiệm, của ban giám hiệu nhà trường. Một số ít GV và thậm chí cả cán bộ quản lý đôi lúc còn thiếu gương mẫu trong đạo đức, lối sống, chưa thực sự là “Tấm gương sáng để HS noi theo”. Việc áp dụng các phương pháp GDĐĐ còn cứng nhắc, thậm chí áp dụngsai nguyên tắc: xem nhẹ yếu tố thuyết phục, thô bạo trong đối xử với HS…
Về phía xã hội, cơ chế thị trường đã len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm cho nhiều giá trị đạo đức truyền thống ngày càng bị xói mòn. Xuất hiện ngày càng nhiều những tệ nạn xã hội như: rượu chè, cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp… Trước những cám dỗ của đồng tiền, không ít HS đã bị sa ngã. Ngày càng nhiều các tụ điểm văn hóa không lành mạnh ở gần trường học, dùng đủ mọi cách để lôi kéo HS vào các điểm giải trí như: bi da, game, chat… Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng HS trốn học, gây gổ đánh nhau, thậm chí vi phạm pháp luật.