Kết quả khảo sát bạo lực học đường: 50% HS từng là nạn nhân

Giáo dục - Ngày đăng : 16:09, 27/01/2015

Nhằm tìm hiểu thực tế vấn đề bạo lực học đường (BLHĐ), Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông đã thực hiện một cuộc khảo sát nhanh ý kiến của học sinh (HS) về BLHĐ giữa HS và HS, tại một số trường THCS và THPT ở TP.HCM. Kết qủa cho thấy, BLHĐ thường xuyên xảy ra đối với HS phổ thông, bao gồm nhiều hành vi từ xô xát, trêu chọc nhau, trấn áp bạn để lấy đồ dùng, tiền bạc...đến đánh đập, có phe nhóm, có người người cầm đầu chỉ huy... Hơn 50% HS được khảo sát đã từng là nạn nhân của BLHĐ và hơn 80% HS đã từng chứng kiến. Điều này nhắc nhở chúng ta quan tâm hơn nữa đến hoạt động của HS ở trong và ngoài trường.

Đợt khảo sát thu về 297 phiếu, trong đó, HS nam chiếm 52,9% và nữ là 47,1%, HS THCS chiếm 39,4%, THPT 60,6%. Chiếm tỷ lệ cao nhất là thói xấu trêu chọc bạn qua hình thức bên ngoài (80,3% ý kiến (YK)), hành vi lấy đồ dùng của bạn rồi đem giấu,hoặc lấy và làm mất cũng chiếm tỷ lệ cao: có 74,2% YK. Việc mượn tiền rồi không trả như một hình thức trấn lột giữa các HS cũng thường xảy ra (67,5% YK).

Em đã từng là nạn nhân của HVBLHĐ chưa? Và em có tâm trạng như thế nào? Đó là câu hỏi mà nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu ý kiến từ những học sinh từng phải chịu đựng BLHĐ. Đó là tâm trạng như lo sợ, đau buồn hay tự ái. Cụ thể, trong số HS được khảo sát đã từng là nạn nhân của BLHĐ thì tâm trạng tự ái và cảm thấy buồn khi bị trêu chọc thường xảy ra nhất (35,7% và 32,3% YK), số HS cảm thấy lo sợ chiếm 8,9% .

Có sự khác biệt về giới tính, HS nữ thường trêu chọc nhau qua hình thức bên ngoài hơn HS nam (10,7% số HS nữ so với 7% số HS nam). Tương tự, HS nữ thường thể hiện tâm trạng buồn rầu, lo nghĩ khi bị BLHĐ hơn HS nam (36,4% số HS nữ so với 27,3% số HS nam).

Giả định rằng, nếu bản thân em là nạn nhân của HVBLHĐ, em sẽ có những phản ứng và hành động gì? Kết quả khảo sát cho thấy, hành động mà HS thường làm nhất là báo với GV (41,2% YK), phản ứng tức thời bằng cách nói lại bạn chiếm 38,8% YK và về nhà nói chuyện với người thân trong gia đình chiếm 36,7% YK. Phản ứng bạo lực nhất là đánh lại bạn chiếm 29,6 % YK, tỷ lệ này là đáng quan tâm đối với chúng ta vì hành vi bạo lựcthường dẫn đến vi phạm pháp luật, gây rối an ninh trật tự trong trường học và ngoài xã hội. Ngoài ra, không nhiều HS có tâm trạng lo sợ đến mức phải nghỉ học (chỉ có 3,4% YK). Có 27,9% số HS chọn cách im lặng, không phản ứng trực tiếp và cũng không báo với GV. HS nam có khuynh hướng phản ứng mạnh mẽ là đánh lại khi bị đối xử bạo lực hơn HS nữ (34% số HS nam so với 23,5% số HS nữ). Trong sự so sánh giữa các cấp học, HS THPT có khuynh hướng dùng vũ lực đáp trả nhiều hơn HS THCS (35,1% số HS THPT so với 20,3% số HS THCS). Tuy nhiên, HS THPT ít kể lại cho gia đình khi bị BLHĐ hơn HS THCS (29,6% số HS THPT so với 46,6% số HS THCS).

Giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng

Hầu hết HS đều đánh giá cao tầm quan trọng của GV chủ nhiệm trong việc kiểm soát nạn bạo lực học đường (87,9% YK chọn mức độ khá quan trọng và rất quan trọng). Điều này là có ý nghĩa vì nạn bạo lực giữa các HS chủ yếu xảy ra ở nhà trường và ngoài nhà trường, GV có điều kiện trực tiếp tiếp xúc với các HS để giải thích, phân giải khi có hành vi BLHĐ xảy ra hoặc được các HS khác thông báo, như vậy, HS đã thấy được vai trò đặc biệt của GV chủ nhiệm trong giáo dục về BLHĐ cho HS.

Phụ huynh cũng có vai trò đặc biệt trong việc ngăn ngừa BLHĐ của HS (82,5% YK chọn mức độ khá quan trọng và rất quan trọng), nếu PH thường xuyên quan tâm đến những thay đổi trong tâm sinh lý, các quan hệ bạn bè và xã hội của HS, đặc biệt, nếu có sự liên hệ với nhà trường và với GV chủ nhiệm thì tình trạng BLHĐ sẽ có thể được kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả.

Tương tự, HS cũng đánh giá cao sự cần thiết phải giải quyết triệt để các mâu thuẫn giữa các HS trước khi có các hành động bạo lực nghiêm trọng xảy ra (81,2% YK chọn ở mức độ khá quan trọng và rất quan trọng). Đa số HS không ý thức được rằng BLHĐ có thể sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật. Điểm đáng chú ý là HS không đánh giá cao vai trò của lớp trưởng và tổ trưởng trong sự so sánh với các biện pháp khác, có lẽ, trong thực tế, các em đã không thấy được sự can thiệp đáng kể của lớp trưởng và các tổ trưởng trong các trường hợp BLHĐ. Có sự khác biệt khi đánh giá vai trò của GV chủ nhiệm trong vấn đề BLHĐ, HS THPT đánh giá vai trò của GV chủ nhiệm cao hơn HS THCS (70,9% số HS THPT so với 60,2% số HS THCS) ở mức độ rất quan trọng, có thể, HS THPT đã có độ trưởng thành nhất định nên các em nhìn nhận sát thực tế hơn vai trò của GV chủ nhiệm.

Quỳnh Hoa