Kỷ niệm 30 năm ghép thận: Xúc động, tri ân những người hiến tặng thận
Y học - Ngày đăng : 10:35, 20/03/2023
Những món quà cuộc sống vô giá
Ngày 16/3/2023, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ghép thận và Hội thảo khoa học Bệnh viện Chợ Rẫy. Hơn 1.100 ca ghép thận đã được thực hiện thành công tại bệnh viện này.
Theo đó, năm 2012, NSND Minh Vương bị suy thận khiến chân sưng, việc tiểu tiện càng trở nên khó khăn. Những ngày ấy ông phải chạy thận, sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động nghệ thuật. Thế rồi ông đã đăng ký vào danh sách chờ ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Người nghệ sĩ năm nay bước sang tuổi 73 xúc động nói rằng: “Tôi còn sức, còn sống, còn cất cao tiếng hát của mình để "trả nợ ân tình" với cuộc đời này”. Và giọng ca vàng của sân khấu cải lương vẫn còn sống khỏe mạnh, còn được cất tiếng hát chính là nhờ "món quà vô giá" mà chàng trai 34 tuổi chết não đã hiến tặng. Ông xúc động: “Tôi là một người được hiến thận và nhận thấy hiến ghép tạng là một việc làm đáng quý, đáng trân trọng."
Giọng ca vàng của sân khấu cải lương, Nghệ sĩ Minh Vương, vẫn còn sống khỏe mạnh, còn được cất tiếng hát chính là nhờ "món quà vô giá" - quả thận - mà chàng trai 34 tuổi chết não đã hiến tặng.
Nhiều chứng nhân lịch sử của hành trình ghép thận 30 năm cũng đã tham gia lễ kỷ niệm này. Đó là bà Võ Thị Thượng (65 tuổi, quê Long An). Bà nhận chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối. Mỗi tuần 3 lần, người chồng chở vợ trên chiếc xe máy cũ từ Long An lên Bệnh viện Chợ Rẫy chạy thận. Nửa năm bệnh tật trôi qua, mỗi ngày chạy thận là mỗi ngày thêm tuyệt vọng. Hơn 30 năm trước, tuyệt vọng vì suy thận mạn tính giai đoạn cuối, bà Thượng từng nghĩ đến cái chết.
“Chạy thận khổ sở lắm, đau ói trên giường bệnh, da dẻ xám xịt, ăn không nổi. Con đường sống mờ mịt như treo án tử trên đầu”, bà Thượng nhớ lại.
Nhưng ca ghép thận ngày 29/12/1992 tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã viết tiếp cuộc đời bà. Một ngày cuối năm 1992, bà bất ngờ nhận tin được chọn ghép thận. Quyết định này dựa trên các chứng cứ y học, kết quả xét nghiệm, độ tương thích giữa người cho và nhận...
“Tôi thấy mình quá may mắn. Dù có rủi ro, dù tôi chết khi ghép thận vẫn còn hơn sống thế này. Rất nhiều người đăng ký nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ chọn được hai ca. Tôi là một trong số đó, ghép vào ngày 29/12/1992”, bà Thượng nói. Người tặng thận cho bà Thượng, không ai khác, chính là cha ruột của bà. Khi cho thận con gái vào năm 1992, người cha 59 tuổi. Đến nay, sau 30 năm, ông đã 89 tuổi, sống khỏe mạnh cùng vợ chồng con gái tại Long An.
Trường hợp còn lại là một nam bệnh nhân được ghép thận vào ngày 28/12/1992. Hay ông Nguyễn Hải Đăng (ngụ TP.HCM) được ghép năm 2017 và linh mục Phêrô Vũ Huy Hùng - chánh xứ Nhà thờ Vườn Xoài, TP.HCM - ghép thận vào năm 2002. Họ vẫn còn sống và sinh hoạt như những người bình thường khác.
Đặc biệt, nhiều bệnh nhân được ghép thận nhờ vào triển khai mở rộng các kỹ thuật ghép thận của Bệnh viện Chợ Rẫy như ông Nguyễn Văn Thoan (TP.HCM) được ghép thận từ người cho tim ngừng đập đầu tiên vào năm 2015; bà Lê Thị Ánh Hồng (quê Kiên Giang) - ca ghép đổi chéo đầu tiên năm 2017 và ông Vi Văn Biết (quê Bến Tre) là ca ghép thận không tương hợp nhóm máu đầu tiên vào năm 2021.
PGS.TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu, chia sẻ những ngày đầu tiên của hành trình ghép thận đó, Giáo sư Trần Ngọc Sinh, nguyên Trưởng khoa Tiết niệu và ông đã ở lại Bệnh viện Chợ Rẫy hoàn toàn trong một tuần, theo dõi từng giờ, từng phút, từng ngày với các ca ghép đầu tiên.
Hai cha con cô Thượng yên vui bên bữa cơm nhà sau 30 năm người cha cho con gái thận. Cô là một trong hai ca ghép thận đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy vào năm 1992.
“Lúc đó, bệnh nhân suy thận rất nhiều mà chưa có những cách nào để kéo dài đời sống cho họ. Ngày đó, suy thận mạn được xem là một trong tứ chứng nan y. Vì vậy, nhìn thấy những giọt nước tiểu đầu tiên từ quả thận ghép của các ca ghép đầu tiên ấy, hạnh phúc vỡ òa mà chúng tôi không thể nào diễn tả được”, PGS.TS.BS Thái Minh Sâm nhớ lại.
Chia sẻ trong lễ kỷ niệm, ông Vũ Huy Hùng bày tỏ: “Hôm nay, chúng tôi được hân hạnh đến mừng kỷ niệm ngày ghép tạng đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Chúng tôi hết lòng tri ân tất cả những nỗ lực của y bác sĩ và những người đã giúp chúng tôi có lại một cuộc sống mới. Chúng tôi sẽ phải làm những việc thật ý nghĩa cho cuộc đời, cũng như dành nhiều thời gian lan tỏa những điều tốt đẹp nhất để sự hồi sinh ấy có ý nghĩa”.
Còn PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn - nguyên Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, khẳng định kỹ thuật hiến ghép tạng, đặc biệt từ người cho chết não, là điều hết sức cần thiết cho xã hội. Và đây chính là sự tiếp nối của những cuộc đời mà gia đình, người thân hoặc người cho chết não dành tặng những người ở lại, cho những sự sống tiếp nối.
Hơn 1.000 cuộc đời tái sinh nhờ nguồn hiến tạng
Phát biểu tại sự kiện lễ kỷ niệm 30 năm ghép thận và Hội thảo khoa học Bệnh viện Chợ Rẫy, TS.BSCKII. Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, ngày 28 và 29/12/1992, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành ghép thận cho 2 trường hợp đầu tiên. Thành công của ca ghép đầu tiên đã đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của ghép thận nói riêng và lĩnh vực ghép tạng nói chung tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trải qua hơn 30 năm tính từ thời điếm tiến hành ca ghép thận đầu tiên, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã từng bước xây dụng và phát triển Đơn vị Ghép thận trở thành một trong những Trung tâm Ghép thận hàng đầu của cả nước.
Đặc biệt, ghép thận của Bệnh viện Chợ Rẫy đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Cụ thể như: số lượng ghép ngày càng tăng (đến nay đã ghép trên 1.100 trường hợp) với tỷ lệ thành công cao, tương đương với các nước trên thế giới. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là đơn vị tiên phong triển khai các giải pháp để mở rộng nguồn thận hiến như: ghép thận từ người cho chết não (23/4/2008); từ người cho tim ngừng đập (18/6/2015), ghép đổi chéo người cho (11/1/2017) và ghép không tương hợp nhóm máu ABO (29/12/2021)...
Hàng ngàn cuộc đời mới đã được tái sinh nhờ những món quà tặng cuộc sống vô giá. Ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy mặc niệm tri ân những người đã hiến tặng một phần cơ thể người sau khi qua đời.
Nhằm phát triển nguồn thận ghép và tạo sự công bằng trong ghép tạng, Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập Đơn vị Điều phối Ghép các Bộ phận Cơ thể Người (10/2014). Đến nay, Đơn vị này tiếp nhận số lượng đơn đăng ký hiến tạng sau khi qua đời cao nhất cả nước, chiếm khoảng 30%.
Về mặt kỹ thuật, để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân sau ghép, Bệnh viện Chợ Rẫy đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới như: phẫu thuật nội soi, phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của Robot trong lấy thận, ghép thận đón đầu (trước chạy thận nhân tạo), ghép ở các đối tượng có nguy cơ miễn dịch cao,... đồng thời xây dựng các quy trình trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân sau ghép.
Về xây dựng và phát triển đội ngũ kế thừa, Bệnh viện cũng hợp tác với các trung tâm ghép trên thế giới (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Mỹ, Tây Ban Nha,..) để đưa y bác sĩ đi học tập và trao đối kinh nghiệm. Ngoài ra, Bệnh viện còn hỗ trợ hơn 10 trung tâm trong nước phát triển về ghép thận.
PGS.TS.BS Trần Ngọc Sinh, Nguyên Trưởng khoa Khoa Tiết niệu - Bệnh viện Chợ Rẫy, báo cáo tại lễ kỷ niệm 30 năm ghép thận. Ông là một trong những người đặt nền móng cho kỹ thuật ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Có thể nói, ghép thận là một trong các phương pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối hiệu quả, đem lại chất lượng sống cao, thời gian sống kéo dài và chi phí thấp hơn so với các phương pháp điều trị thay thế thận khác. Người bệnh có thể trở lại cuộc sống đời thường và tiếp tục cống hiến cho gia đình, xã hội. Chính vì vậy, ghép thận được đánh giá là một trong mười thành tựu vĩ đại của nhân loại ở thế kỷ XX.
Tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ghép thận, GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã tri ân những người hiến tặng một phần cơ thể của mình cứu sống nhiều người khác.
"Từ ca ghép tạng đầu tiên năm 1992 tại Học viện Quân y, ghép tạng đã trở thành kỹ thuật thường quy. Hiến tạng là món quà vô giá, mở ra sự hồi sinh cho hàng ngàn người bệnh đứng bên bờ vực của cái chết", GS.TS. Trần Văn Thuấn chia sẻ.