Giáo dục kháng chiến ở Nam bộ
Giáo dục - Ngày đăng : 16:48, 16/09/2017
Ông Võ Anh Tuấn cho rằng: “Trong kháng chiến 9 năm với hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi bề, và dưới bom đạn của quân thù, có những việc làm tưởng chừng như bình thường, nhưng thực chất là những điều kỳ diệu. Thành quả hoạt dộng của ngành giáo dục Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp được nhiều người đánh giá là như vậy”.
Hưởng ứng lời kêu gọi "chống giặc dốt" của Hồ Chủ tịch, toàn thể nhân dân Nam Bộ, từ nông thôn tự do đến thành thị bị tạm chiếm, từ trẻ đến già, đều coi việc đi học bình dân học vụ là một hành động yêu nước; biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ là niềm tự hào của người dân một nước độc lập. Nơi nào cũng có các lớp bình dân học vụ, tổ chức trong các trường học, đình chùa, nhà dân, dưới bóng cây cổ thụ … Giặc đóng đồn bót, không dạy công khai được thì dạy bí mật. Dạy theo “Chương trình i-tờ” của nhà bác học Hoàng Xuân Hãn (i - t có móc cả hai, i cụt có chấm, t dài có ngang). Chỉ học trong vòng 2-3 tháng là biết đọc biết viết.
Phong trào bình dân học vụ nhanh chóng đạt kết quả đáng khích lệ. Lần lượt xã này đến xã khác hoàn thành xóa mù chữ. Đầu năm 1948, xã Quới Xuân, huyện Gò Vấp của tỉnh Gia Định (cũ), tổ chức mừng công hoàn thành xóa mù chữ, mặc dù đồn bót địch đóng khắp nơi trong xã. Quới Xuân là xã đầu tiên (có lẽ là xã duy nhất) vô cùng vinh dự được Hồ Chủ tịch gửi điện khen ngày 21/6/1948. Xã Quới xuân chỉ cách trung tâm Sài Gòn mấy cây số, hàng ngày phải đối phó với sự càn quét khốc liệt của quân thù, mà lại là ngọn cờ đầu của phong trào chống giặc dốt. Quả thật là một điều kỳ diệu.
Lần luợt, toàn tỉnh Gia Định, các huyện Tam Bình (Vĩnh Long), Cầu Ngang (Trà Vinh), Long Mỹ (Cần Thơ) và 256 xã hoàn thành xóa mù chữ. Đến cuối năm 1952, Nam Bộ dã xóa mù chữ cho hơn 3 triệu đồng bào, tức là về cơ bản hoàn thành xóa mù chữ cho toàn thể nhân dân những vùng do chính quyền cách mạng quản lý. Quả thật là những điều kỳ diệu nối tiếp kỳ diệu.
Nhiệm vụ biến con em nông dân thành trí thức cách mạng
Không bao lâu sau khi thành lập, Sở giáo dục và Viện văn hóa kháng chiến Nam Bộ được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện một chủ trương nhìn xa trông rộng của Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ, về việc nâng cao trình độ học vấn để "biến con em nông dân thành trí thức cách mạng”, phục vụ kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng, có tính đến kiến thiết sau này. Cụ thể là tổ chức các trường trung học nội trú trong chiến khu.
Được giao nhiệm vụ đó là một vinh dự rất lớn, nhưng thực hiện tốt là điều cực kỳ khó khăn, ông Võ Anh Tuấn giải thích: “Vì tìm đâu ra mấy chục thầy dạy bậc trung học, tìm đâu ra chương trình và tài liệu giáo khoa của Việt Nam, tìm đâu ra cơ sở vật chất kỹ thuật, tức là trường lớp học giữa rừng U Minh sông nước, trong khi Sở giáo dục Nam Bộ chỉ có hai bàn tay trắng theo nghĩa đen và nghĩa bóng”. Nhưng cái khó không bó cái khôn. Với tinh thần trách nhiệm cao, với tâm huyết và tính năng động sáng tạo của các nhà giáo yêu nước, tập thể Sở giáo dục và Viện văn hóa kháng chiến Nam Bộ kiên trì và từng bước giải quyết các khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi.
Dạy theo chương trình và sách giáo khoa nào, dạy bằng tiếng gì? Câu hỏi được đặt ra là vì lúc đó các giáo sư đi kháng chiến đã quen dạy bằng tiếng Tây (Pháp), theo chương trình và sách giáo khoa của Tây. Ông Võ Anh Tuấn kể: “Chúng tôi, những giảng viên trẻ cũng học bằng tiếng Tây, theo chương trình của Tây. Do đó, việc dạy bằng tiếng Việt, theo chương trình của Việt Nam không phải là chuyện đơn giản”. Thế là bắt đầu hàng đêm bên cạnh ngọn đèn dầu leo lét, những nhà giáo tâm huyết cặm cụi làm việc. Những bài giảng, những trang sách ra đời. Sau một thời gian ngắn đã soạn xong chương trình giáo dục bậc trung học bằng tiếng Việt đối với tất cả các môn khoa học xã hội cũng như khoa học tự nhiên,với nội dung yêu nước, tức xóa bỏ những tàn dư của giáo dục thực dân, ngắn gọn để phục vụ kháng chiến thiết thực, nhưng có chú ý đến sự phát triển toàn diện của học sinh, bằng cách dạy những môn như thời sự chính sách, âm nhạc, hội họa, ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Hoa), thể dục, thể thao.
Ngày nay, dạy và học bằng tiếng Việt là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, cách đây 60, 70 năm, trong khi giáo dục trong các đô thị bị tạm chiếm cơ bản còn lệ thuộc nước ngoài, thì trong vùng tự do của chiến khu rừng U Minh, Sở giáo dục Nam Bộ đã làm được những điều như trên. Thật là kỳ diệu!
Thiệt thòi lớn nhất của ngành giáo dục Nam Bộ là ở xa Bộ giáo dục, xa Trung ương. Tuy nhiên, bằng tâm huyết và bằng hành động thực tiễn, thầy và trò đã suy nghĩ và làm đúng theo lời dạy của Bác Hồ. Đã xác định rõ mục tiêu học tập là để “phục vụ kháng chiến” theo phương châm: "Học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với sản xuất, chiến đấu và dân vận”. Nhờ vậy, đã có nhiều gương dạy tốt, học tốt, đã xây dựng được quan hệ thầy trò vừa tình thương, vừa kỷ cương hòa vào nhau, tình bạn học cùng trường gắn bó keo sơn, được bà con cô bác địa phương coi như người thân trong nhà.
Ông Võ Anh Tuấn khẳng định: “Sở giáo dục Nam Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử mà Đảng bộ và Chính quyền Nam Bộ giao phó. Nhiều bậc lão thành cách mạng đánh giá thành tích của giáo dục kháng chiến ở Nam Bộ là huyện thoại giữa đời thường”.