Cân chỉnh màn hình để tạo ra hình ảnh đẹp và chuẩn xác
Công nghệ - Ngày đăng : 09:48, 18/10/2013
1. Nhiệt độ màu
Phần lớn các màn hình LCD khi xuất xưởng đều có mức nhiệt độ màu mặc định là 9300 K, với mức nhiệt độ này thì màu sắc hiển thị sẽ bị xanh. Để điều chỉnh lại cho màu trở nên “ấm” hơn, bạn cần đưa nhiệt độ này về mức 6500 K (tương đương với mức ánh sáng tự nhiên ở ngoài trời). Bạn có thể tìm thấy tùy chọn nhiệt độ màu thông qua các nút bấm của màn hình, thường nằm trong mục color \ image settings. Tùy theo từng loại màn hình riêng biệt mà mức 6500 K có thể được nhà sản xuất đặt là 6500 K, D65 hoặc sRGB.
2. Độ sáng và tương phản
Đây là một yếu tố quan trọng đối với chất lượng hình ảnh bởi nếu màn hình quá tối, tất cả các màu tối hơn một ngưỡng nào đó sẽ hiển thị bằng màu đen, và nếu màn hình quá sáng thì những màu sáng hơn ngưỡng đó sẽ hoàn toàn biến thành màu trắng. Điều này có nghĩa là bạn sẽ không thể nhìn thấy các chi tiết nằm trong vùng rất tối của một bức ảnh (bóng của vật thể chẳng hạn) và tương tự đối với vùng rất sáng. Vậy làm thế nào để điều chỉnh cho đúng? Bạn có thể dựa vào một biểu đồ bao gồm 21 sắc thái màu sắc bắt đầu từ màu đen hoàn toàn và sáng dần tới màu trắng (xem ảnh minh họa).
Để đảm bảo độ chính xác cao, công việc cân chỉnh nên được thực hiện trong môi trường ánh sáng dịu, không có ánh sáng trực tiếp vào màn hình, không được đặt ở vị trí quá tối. Trước khi tiến hành, hãy đảm bảo rằng màn hình đang được thiết lập ở độ phân giải mặc định, bạn có thể thực hiện việc này thông qua driver của card đồ họa. Đối với Catalyst Control Center dành cho card đồ họa của ATI thì sẽ không có dấu hiệu nào để nhận biết đâu là độ phân giải chuẩn của màn hình, bạn đành phải tìm trong sách hướng dẫn đi kèm màn hình (đôi khi nó được ghi ngay trên màn hình khi bạn chọn sai). Một cách khác để biết độ phân giải mặc định của màn hình nếu bạn dùng Windows 7 hoặc cao hơn, là bấm chuột phải vào màn hình desktop rồi chọn Screen Resolution, sau đó chọn đến độ phân giải có chữ “Recommended” ở bên cạnh là được.
Độ tương phản và độ sáng phải được điều chỉnh sao cho 21 sắc thái của biểu đồ trên có thể được phân biệt một cách rõ ràng. Trước tiên hãy bắt đầu bằng việc thiết lập độ tương phản (contrast) 100% đối với màn hình CRT hoặc 40% cho màn hình LCD, sau đó tiến hành điều chỉnh độ sáng đến mức tối thiểu đạt yêu cầu của biểu đồ. Việc điều chỉnh có thực hiện được dễ dàng hay không còn phụ thuộc vào chất lượng của màn hình của bạn.
3. Hiệu chỉnh gamma
Chỉ số gamma ảnh hưởng đến các màu ở quãng giữa (middle tone), ví dụ như đối với màu xám nếu gamma quá thấp thì màu hiển thị sẽ trở nên gần với màu trắng và ngược lại quá cao sẽ khó phân biệt với màu đen. Để điều chỉnh chỉ số gamma cho phù hợp ta dựa vào một bức hình bao gồm một hình vuông màu đen làm nền và một hình tròn ở giữa.
Mục tiêu của việc điều chỉnh gamma là làm sao cho nửa bên trái của hình tròn gần như biến mất (trùng màu đen với nền) trong khi nửa bên phải vẫn có thể nhìn thấy được. Ngoài việc điều chỉnh gamma chung cho cả 3 màu cơ bản (đỏ, lục, lam), bạn có thể chỉnh gamma cho từng màu riêng biệt thông qua màn hình hoặc chức năng của driver. Trong trường hợp này, thay cho biểu đồ đen trắng sẽ là một biểu đồ gồm 3 màu riêng biệt.
Quá trình này được thực hiện bằng việc điều chỉnh dải màu nằm ở giữa sao cho màu này trong khung hình chữ nhật gần với 2 dải màu còn lại nhất. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng việc thực hiện không dễ chút nào vì việc tập trung nhìn lâu vào màn hình sẽ gây mỏi mắt dẫn đến quan sát không chính xác, đặc biệt là màu xanh lam khá tối nên rất dễ chỉnh sai. Tốt nhất bạn chỉ nên chỉnh gamma cho một màu nếu như màu đó trên màn hình bị thừa quá nhiều.