Những trang web lý thú cho người yêu thích thiên văn

Công nghệ - Ngày đăng : 09:46, 29/10/2013

Ngoài kia, trong khoảng không vô tận có những gì?” là câu hỏi mà con người không ngừng đặt ra từ thuở hồng hoang khi ngước nhìn lên bầu trời. Những địa chỉ web giới thiệu ở trang 20 có thể giúp bạn giải đáp được khá nhiều cho câu hỏi này.

Google

Chắc hẳn bạn đã từng ngước nhìn bầu trời đêm và tự hỏi cái gì đang diễn ra ở trên kia? Chế độ Sky có sẵn trong Google Earth và trên phiên bản trực tuyến (http://google.com/sky), cho phép bạn quan sát các ngôi sao, thiên thể, chuyển động của các hành tinh theo quỹ đạo, gồm cả các chòm sao và thiên hà. Google còn thiết kế các dự án thiên văn khác như Google Moon (http://google.com/ moon) và Google Mars (http://google.com/mars). Nếu bạn cài đặt Google Earth, hình ảnh sẽ có độ phân giải cao hơn và thậm chí có thể hiển thị trong chế độ 3D, tính năng cao cấp không có ở phiên bản trình duyệt.

We Choose The Moon

http://wechoosethemoon.org

Đã hơn 40 năm kể từ cuộc đổ bộ đầu tiên của con người lên vệ tinh duy nhất của Trái đất và We Choose The Moon được xây dựng để kỷ niệm sự kiện lịch sử này. Sứ mệnh chinh phục Mặt trăng được tái hiện một cách chi tiết, chính xác ngay từ trước khi phóng tàu Apollo 11 với giọng lồng tiếng thực. Website được chia thành 11 phần, giúp bạn tiếp cận các hình ảnh, đoạn phim và nội dung khác được lưu trữ trong Bảo tàng và Thư viện Tổng thống John F. Kennedy. Một trang khác được NASA ra mắt năm 2008 (http://nasa.gov/ externalflash/50th) nhằm kỷ niệm 50 năm thành lập cơ quan này.

HubbleSite

http://hubblesite.org

Mang những hình ảnh tuyệt đẹp từ kính viễn vọng không gian Hubble về trái đất, HubbleSite giúp bạn cập nhật những tin tức mới nhất, quan sát những phát hiện của Hubble hay đơn thuần tìm hiểu về kính thiên văn nổi tiếng này. Tất nhiên, phần hấp dẫn nhất của Hubble chính là những hình ảnh vũ trụ mà nó ghi lại được, chứa trong mục Gallery.

Explore Mars Now

http://exploremarsnow.org

Đưa người lên sao Hỏa là một thử thách lớn cho khoa học hiện đại, nhiều công nghệ và thiết kế đã được đề xuất để thực thi nhiệm vụ này. Website mô phỏng một chuyến du lịch không gian thăm thú các cảnh quan trên sao Hỏa cũng như môi trường giả lập để con người sinh sống khi đặt chân lên hành tinh đỏ.

Giga Galaxy Zoom

http://gigagalaxyzoom.org

Mục đích của dự án là trở thành công cụ hỗ trợ cho những người say mê thiên văn khám phá bầu trời đêm mà không cần sự trợ giúp của kính thiên văn. Giga Galaxy Zoom thể hiện toàn bộ bầu trời như khi quan sát bằng mắt thường. Góc nhìn thứ hai được quan sát qua một kính thiên văn. Góc nhìn cuối cùng mở ra các chi tiết của một tinh vân điển hình.

Sky-Map

http://sky-map.org

Đúng như tên gọi, Sky-Map là một bản đồ bầu trời thể hiện các vật thể thiên văn bên ngoài hệ Mặt trời với độ phân giả cao ở nhiều chế độ xem khác nhau. Biểu đồ tương tác bên tay phải rất hữu ích cho cả các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư. Ngoài ra, bạn sẽ tìm thấy tất cả thông tin mới nhất liên quan đến thiên văn học ở mục News@Sky.

Galaxy Zoo

http://galaxyzoo.org

Nếu có một số kiến thức cơ bản về các thiên hà cũng như cách phân loại chúng, bạn có thể tham gia hỗ trợ cho dự án có quy mô toàn cầu này. Sử dụng sức mạnh của Internet, những người cộng tác tiến hành phân loại 60 triệu thiên hà dựa trên các mô hình cụ thể cũng như dạng xoắn ốc và màu sắc của chúng. Một dự án tình nguyện tương tự là Moon Zoo (http://moonzoo.org) đặt mục tiêu nghiên cứu bề mặt mặt trăng ở mức độ chi tiết chưa từng có trước đây.

TRẦN VĂN NGỌC TÂN ngoctan@live.com