Ứng dụng phần mềm thiết kế 3D trong cuộc sống

Công nghệ - Ngày đăng : 02:45, 26/12/2013

Ngày nay, với các phần mềm thiết kế 3D và máy in 3D, cùng những công cụ hiện đại khác, con người đã có thể thiết kế các bộ phận chân tay giả phù hợp với từng người dùng, sản xuất và bán xe hơi đắt tiền, tạo ra các vật dụng dùng trên phi thuyền, phục chế các cổ vật, giảm thiểu chi phí thiết kế trong các tòa nhà thông minh, giải quyết bài toán giao thông đô thị…

Theo chia sẻ của ông Phan Trung Hiếu, giám đốc Autodesk Việt Nam, các công trình thiết kế thông minh có thể tiết kiệm đến cả triệu USD chi phí xây dựng. Đơn cử như tòa tháp Shanghai Tower tại Trung Quốc. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào năm 2014, cao 632 m với 128 tầng, trở thành tòa nhà cao nhất Trung Quốc và cao thứ 2 thế giới. Trong đó, với thiết kế mặt tiền không đối xứng, hình dáng búp măng và góc tròn đã giảm được 24% tải trọng gió lên tòa nhà. Ngoài ra, hình dạng xoắn của nó cũng xuất phát từ việc thu thập nước mưa để giữ nhiệt cho tòa nhà, giảm điện năng vận hành các thiết bị điều hòa. Bên cạnh đó, các nhà thiết kế đã đưa vào 54 tuabin gió để tạo ra điện năng phục vụ cho một số hạng mục của tòa tháp. Nhờ vậy, đơn vị đầu tư đã giảm được khoảng 57 triệu USD chi phí xây dựng công trình, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu hiệu ứng nhà kinh trên trái đất. Được biết, các kiến trúc sư thiết kế đã dùng các phần mềm Autodesk Revit Architecture, Autodesk 3ds Max, AutoCAD and Autodesk Ecotect Analysis trong quá trình thiết kế.


Ở một lĩnh vực khác, các phần mềm thiết kế 3D đã giúp thành phố Los Angeles (Mỹ) giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng phức tạp: hàng ngàn đoạn đường sắt, hàng ngàn dặm đường nhựa, 3 triệu tòa nhà… Chính quyền thành phố Los Angeles đã dùng phần mềm Infraworks để số hóa hàng Terabyte dữ liệu thông tin về địa lý, bản đồ, mô hình, cầu đường… Từ đó, họ đẩy nhanh quá trình thiết kế, tạo ra các mô hình 3D để dự đoán trước khi xây dựng.


Trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, người ta có thể dùng các phần mềm thiết kế 3D để tạo ra các sản phẩm chân tay giả phù hợp (nhẹ và thoải mái) với từng cá nhân sử dụng. Đơn cử, hãng Bespoke Innovations sản xuất chân tay giả bằng phần mềm thiết kế 3D. Với những bệnh nhân tàn tật vẫn còn một chân hoặc tay nguyên vẹn, Bespoke tiến hành quét 3D bộ phận đó để khớp với kích thước và khối lượng cơ thể rồi chuyển hình ảnh này thành dữ liệu 3D để nhập vào phần mềm Autodesk Inventor và thiết kế, gửi bản thiết kế 3D cho khách hàng xem, và cuối cùng là sản xuất thành phẩm trong khoảng 3 tuần.


Ứng dụng các phần mềm thiết kế 3D, đã có một số hãng sản xuất xe hơi tạo ra các đoạn quảng cáo mà không cần đến khi thiết kế xong xe, thậm chí có hãng còn kinh doanh được xe trước khi sản xuất thành phẩm. Một điều khá lý thú mà ít người xem biết, đó là chiếc xe Aston Martin của James Bond trong phim Điệp viên 007 cũng là một mô hình in 3D dạng lớn. Do giá của một chiếc xe Aston Martin khoảng 1,7 triệu bảng Anh nên hãng sản xuất đã dùng hình ảnh 3D của loại xe này chào bán cho khách hàng; kết quả đã có 75% trong số 77 chiếc xe đã được bán trước khi sản xuất.

Các phần mềm thiết kế 3D cũng được sử dụng trên các phi thuyền trong không gian vũ trụ. Chẳng hạn, với phần mềm thiết kế 3D và máy in 3D, các phi hành gia chỉ cần mang theo chúng và các vật liệu thật cần thiết lên phi thuyền, đến khi cần dùng một thiết bị nào đó thì các phi hành gia sẽ dùng chúng để in ra ở dạng nguyên sản phẩm hay từng bộ phận rồi lắp ghép lại. Cũng trong lĩnh vực này, Công ty Moon Express đã sử dụng phần mềm mô phỏng Autodesk Sim 360 để mô phỏng dòng chảy và bắn tóe của nhiên liệu trong khoang tàu.

Ngay cả lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa cũng cần đến sự “góp sức” của phần mềm thiết kế 3D. Các nhà nghiên cứu về khảo cổ học đã dùng công nghệ quét 3D và công nghệ mô hình hóa dựa trên hình ảnh để tạo ra các bộ sưu tập trưng bày trong bảo tàng.

Và một điều mà ít người tiêu dùng biết đến là công nghệ của Autodesk cũng đã đoạt giải thưởng Hàn lầm về điện ảnh, đã được 5 lần công nhận bởi Viện hàn lâm nghệ thuật điện ảnh và khoa học. Ngoài ra,18 người chiến thắng vừa qua tại giải thưởng Oscar ở nhóm giải thưởng cho hiệu ứng hình ảnh tốt nhất trong một bộ phim đều sử dụng giải pháp Autodesk, như phim Life of Pi, Hugo và Avatar.

Theo ông Phan Trung Hiếu, ngoài cung cấp phần mềm chuyên nghiệp, Autodesk cũng là nhà phát triển ứng dụng của người tiêu dùng. Đến nay, Autodesk đã phát triển 20 ứng dụng và dịch vụ dành cho người tiêu dùng, trong đó phổ biến nhất là Sketchbook, Pixlr và Instructables… với hơn 150 triệu người dùng.

CAO KIẾN NAM