Vì sao tắt IPv6 không làm mạng nhanh hơn?

Công nghệ - Ngày đăng : 09:42, 22/06/2015

Windows, Linux, Mac OS cùng nhiều hệ điều hành khác đều có tích hợp hỗ trợ cho IPv6, và nó thường được bật sẵn. Có nhiều người cho rằng, việc kèm thêm tính năng này sẽ làm giảm tốc độ mạng của bạn, do đó tắt IPv6 sẽ là một trong những giải pháp tăng tốc kết nối. Điều này đúng trong một vài trường hợp hạn hữu, điển hình như Firefox 3 với khả năng xử lý IPv6 kém, nhất là trên môi trường Linux. Tuy nhiên, về tổng quát IPv6 không những không gây hại mà còn có ảnh hưởng tốt tới hạ tầng mạng của bạn. 

Hệ thống IPv4 đã bộc lộ nhiều điểm yếu, IPv6 ra đời để khắc phục chúng và đã được hỗ trợ rộng rãi bởi các hệ điều hành. Tuy nhiên hạ tầng mạng chưa đáp ứng được nhanh như vậy vì nhiều lý do, nên hầu hết người dùng vẫn đang sử dụng IPv4, hoặc truy cập thông qua một IPv6 tunnel broker (một kênh trung gian). Vì vậy, một bộ phận người dùng cho rằng, mỗi khi truy cập tới một trang web thì máy tính sẽ tìm địa chỉ IPv6; nếu phát hiện không có địa chỉ này, thì máy tính mới kết nối đến địa chỉ IPv4; và việc tắt IPv6 sẽ làm bớt thời gian tìm địa chỉ, dẫn tới tăng tốc độ lướt web (?).

 Thông tin sai lệch bắt nguồn từ đâu?

Phiên bản Firefox 3 đã từng có một số vấn đề với IPv6. Khi IPv6 được bật, Firefox cố gắng phân giải DNS với IPv6 trước khi chuyển sang IPv4. Quá trình này có thể tăng đáng kể độ trễ mỗi khi bạn truy cập một tên miền mới trên Firefox. Đây đã từng là vấn đề lớn trong các hệ thống Linux chạy Firefox 3 trong nhiều năm trước, nên những thủ thuật tăng tốc dựa trên việt tắt IPv6 vẫn được truyền tải thường xuyên trên các blog công nghệ.

Thiết lập khóa “network.dns.disableIPv6” trong trang about:config của Firefox sẽ giúp bạn tắt IPv6 cho riêng Firefox, trong khi vẫn đảm bảo hỗ trợ công nghệ này trên các ứng dụng khác. Lỗi này đã được khắc phục hoàn toàn trong phiên bản Firefox 4.

 Những vấn đề khi tắt IPv6

Tắt IPv6 có thể gây ra một số vấn đề. Nếu kết nối Internet và router của bạn đã được chuyển sang IPv6, thì máy tính của bạn sẽ mất khả năng điều khiển chúng đúng cách. IPv6 cũng cần thiết trong một số tính năng mạng gia đình, chẳng hạn như Homegroup của Windows 7 chỉ có thể được bật khi có IPv6.

Cả thế giới đang hướng tới IPv6, mặc dù quá trình này diễn ra tương đối chậm, song IPv6 là giải pháp duy nhất trong tình trạng kho địa chỉ IPv4 đã sắp hết.

Tốc độ phân giải DNS giữa bật và tắt IPv6

Theo những thông tin vẫn được đăng tải trên mạng, tắt IPv6 sẽ làm tăng tốc quá trình phân giải DNS bằng cách loại bỏ độ trễ khi máy tính thực hiện tìm kiếm địa chỉ IPv6 trước khi trở lại IPv4. How-To-Geek đã tiến hành đo tốc độ (benchmark) để kiểm chứng điều này dựa trên thời gian phân giải DNS.

Trước tiên, họ chạy namebench (https://code.google.com/p/ namebench) với thiết lập mặc định trên một máy đã cài đặt sẵn Windows 8.1. IPv6 được bật sẵn trên hệ thống này, tuy nhiên đường truyền không hỗ trợ IPv6. Theo các thông tin trước đây, sự hỗ trợ IPv6 trên Windows 8.1 là lý do làm chậm kết nối.

Với IPv6 bật sẵn, namebench cho kết quả trung bình là 43,22 ms với Google Public DNS.

Sau đó họ tắt IPv6 bằng cách vào HKEY_LOCAL_MACHINE\SYS­TEM\CurrentControlSet\Services\ TCPIP6\Parameters trong Registry, thêm một khóa DisabledComponents với giá trị ffffffff như hướng dẫn của Microsoft. Tiếp đó, họ khởi động lại máy và kiểm tra lại bằng lệnh ipcon­fig /all, không thấy có IPv6 interface nào.

Với IPv6 đã tắt, benchmark với namebench cho thời gian trung bình là 43,97 ms (Google Public DNS). Thời gian này có vẻ lớn hơn không đáng kể so với khi bật IPv6. Thử nghiệm này cho thấy, rõ ràng IPv6 không làm chậm quá trình lướt web của bạn, và tất nhiên bạn cũng không nên tắt IPv6 ngay lúc này. 

MINH QUÂN cuantm@gmail.com (Theo How-To-Geek)