PGS.TS. Lê Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn: “Năm tuổi của mình thì càng phải mạnh mẽ hơn”
Giáo dục - Ngày đăng : 13:55, 03/02/2023
PGS.TS Lê Minh Triết cho biết, ông tốt nghiệp ngành Toán - Tin học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2009. Sau đó, ông học thẳng lên Tiến sĩ chính tại trường này và nhận bằng năm 2015. Trước khi giữ chức vụ Phó hiệu trưởng, ông làm Trưởng Bộ môn Giải tích, khoa Toán ứng dụng Trường ĐH Sài Gòn.
Nhân dịp đầu xuân Quý Mão - 2023, PGS.TS Lê Minh Triết đã dành cho Tạp chí Khoa học phổ thông cuộc trò chuyện.
Mục tiêu nghiên cứu: Sáng tạo ra cái mới cần thiết đối với xã hội
Là công dân trẻ tiêu biểu của TP.HCM, đồng thời là PGS trẻ nhất nước được công nhận đạt chuẩn PGS vào năm 2020, ông thấy những nghiên cứu của mình đóng góp như thế nào vào lĩnh vực khoa học nói chung và chuyên ngành khoa học mà ông đang theo đuổi nói riêng?
- PGS.TS Lê Minh Triết: Trước tiên, tôi muốn cảm ơn Tạp chí Khoa học phổ thông đã dành thời gian và cơ hội để lắng nghe nhiều hơn những chia sẻ của tôi với vai trò là một công dân trẻ của thành phố, một nhà khoa học trẻ tuổi. Đối với vai trò là một , công dân trẻ việc đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng thành phố đã trở thành một trọng trách và mục tiêu mà chúng tôi đặt ra để phấn đấu mỗi ngày. Tùy mỗi người với những thế mạnh riêng sẽ có những đóng góp khác nhau.Riêng đối với những người làm nghiên cứu như chúng tôi, sáng tạo ra cái mới mà quan trọng hơn, cái mới đó cần thiết như thế nào đối với xã hội, những người xung quanh chính là mục tiêu chúng tôi hướng tới trong nghiên cứu. Lĩnh vực tôi đang theo đuổi là chuyên ngành hẹp trong toán học, khi nghiên cứu chúng tôi mày mò rất nhiều về những kỹ thuật toán học phức tạp nhằm giải quyết những vấn đề được đặt ra mỗi ngày trong các lĩnh vực khác như vậtlý, điện tử, y học...
Toán học đôi khi thấy khá xa so với thực tế trước mắt, nhưng nó chính là các công cụ mấu chốt để đưa ra những đánh giá, nhận định, tính toán khách quan và chính xác nhất mà thông qua đó, việc xử lý, phát triển các kết quả hữu ích cho xã hội sẽ trở nên dễ dàng và hợp lý hơn. Đó cũng chính là mong muốn của chúng tôi trong việc tận dụng thế mạnh của bản thân để đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố cũng như xã hội.
Công tác giảng dạy và nghiên cứu của ông hiện tại như thế nào?
- Giảng dạy cũng là một phần trong đam mê và yêu thích của tôi. Thông qua việc giảng dạy, tôi có cơ hội phát hiện ra các bạn sinh viên trẻ và tài năng. Nhờ vậy tôi có thể hỗ trợ các bạn ấy trong việc học tập, nghiên cứu toán học như các thầy của mình đã từng hỗ trợ mình. Việc nghiên cứu cũng thông qua hướng dẫn sinh viên cũng tìm thấy được nguồn năng lượng mới tích cực hơn. Cho đến hiện tại, tôi cảm thấy việc giảng dạy và nghiên cứu trong môi trường nơi mình công tác hỗ trợ tốt cho nhau. Tôi cảm thấy hài lòng với những nỗ lực của mình.
PGS.TS. Lê Minh Triết (giữa) nhận tuyên dương Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2021.
Duyên với Toán học đến từ một người thầy
Có nhiều con đường để chọn lựa nghề nghiệp, cơ duyên nào khiến ông chọn theo lĩnh vực Toán học?
- Đúng là có rất nhiều con đường để đi, nhưng những bước ngoặt mà chúng ta gặp bất ngờ đôi khi chính là lý do để lựa chọn một con đường cho mình. Không ai biết con đường đó có phù hợp hay không nhưng quan trọng là chúng ta đi con đường đó như thế nào để cảm thấy hài lòng và thoải mái nhất. Cơ duyên thì không dám khẳng định nhưng bước ngoặt giúp mở ra con đường hiện tại là thời điểm tôi gặp được một người thầy của mình là PGS.TS Phạm Hoàng Quân. Thầy đã cho tôi một thách thức là học thẳng lên bậc học Tiến sĩ và với tâm trí của mộtsinh viên năm cuối như tôi lúc đó cũng chẳng hiểu “học tiến sĩ” là khó khăn đến thế nào. Có lẽ chính vì tinh thần “không biết nên cũng chẳng sợ gì” mọi việc cứ thế diễn ra tự nhiên và đến nay tôi nghĩ mình đã lựa chọn đúng.
Nhiều ý kiến cho rằng làm nghiên cứu khoa học rất khó và khổ, thậm chí là mạo hiểm… không biết với ông thì thế nào?
- Tôi cũng không rõ tại sao lại có ý kiến như vậy nhưng cá nhân tôi và những đồng nghiệp trong giới nghiên cứu như tôi, đặc biệt là lĩnh vực Toán học, họ là những người làm nghiên cứu vì đam mê và yêu thích. Khi tạo ra một kết quả mới, đó chính là lúc họ thăng hoa và cảm thấy tự hào với bản thân. Đúng là làm nghiên cứu thì khó, nhưng khổ hay không là do lựa chọn của tự bản thân mỗi người. Đối với tôi đó không có gì là khổ hay mạo hiểm. Đó là thách thức mà tôi hứng thú muốn tháo gỡ muốn giải quyết.
Có khi nào ông cảm thấy bế tắc trong lĩnh vực mình nghiên cứu không? Và giải pháp để thoátra khỏichuyện bế tắclà gì?
- Bế tắc là hiện tượng thường xuyên xảy ra trong cuộc sống của tất cả chúng ta. Không phải chỉ trong nghiên cứu, mà cả trong đời sống hằng ngày, các vấn đề bế tắc vẫn đều đặn xảy ra đó thôi. Với tôi, muốn thoát khỏi bế tắc có hai cách tham khảo, một là tự thả lỏng bản thân và tìm cho mình một hướng mới. Hai là tìm một sự giúp đỡ phù hợp. Chúng ta thật may khi sống trong một xã hội, vậy nên chúng ta không cần nhất thiết lúc nào cũng phải đơn độc, nếu thật sự đã tận lực nhưng không tìm được cách giải quyết thì trao đổi với một người phù hợp chắc chắn sẽ rất có ích.
PGS.TS. Phạm Hoàng Quân (Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, thứ 4 từ phải qua) cùng Đoàn Thanh niên Trường ĐH Sài Gòn chúc mùng PGS.TS. Lê Minh Triết (giữa).
Sự cần thiết của Toán học
Từ lĩnh vực của mình đang theo đuổi, điều gì khiến ông cảm thấy thú vị?
- Chính là việc giải quyết được các câu hỏi được đặt ra nhưng chưa tìm được phương án trong các ứng dụng của mảng vật lý, y học… Hoặc cụ thể hơn đưa ra được các đánh giá cũng như các phương pháp xử lý tốt nhất cho tới thời điểm hiện tại cho một số bài toán thực tiễn cũng như các vấn đề đang được quan tâm. Khi chúng ta làm được những điều người khác chưa làm được, hoặc đơn giản hơn là từng bước vượt qua những giới hạn của bản thân, theo tôi đó là điều thú vị lớn nhất.
Vậy, theo ông, Toán học đóng góp như thế nào trong đời sống?
- Như lúc nãy tôi có nhắc đến, hiện nay các em nhỏ hay hỏi một câu "học Toán để làm gì? ", thật sự Toán học không nhìn thấy trực quan những đóng góp của nó. Nhưng Toán học hiện hữu trong mọi mặt đời sống và đóng góp vô cùng quan trọng cho cuộc sống.
Đơn giản nhất có thể thấy qua việc đi mua một giỏ hàng với một lượng tiền cho trước cũng cần toán học để giúp ta tính toán xem có đủ tiền cho lượng hàng hóa đã mua không, cao hơn chúng ta có những bài toán tối ưu hóa lượng hàng với điều kiện số tiền đã có. Nói tóm lại, Toán học là công cụ hữu ích và vô cùng quan trọng cho mỗi người trong mỗi công việc dù là phục vụ cho bản thân hay là phục vụ cho xã hội.
PGS.TS. Lê Minh Triết phát biểu trong một tọa đàm về Nghiên cứu khoa học
Ông thấy chất lượng sinh viên học ngành Toán hiện nay thế nào?
- Sinh viên ngành Toán hiện tại cụ thể ở khoa Toán - Ứng dụng thuộc Trường Đại học Sài Gòn, theo tôi đánh giá là tốt,thậm chí rất tốt, minh chứng là điểm tuyển sinh đầu vào của ngành Toán cụ thể là ngành sư phạm Toán học của Trường Đại học Sài Gòn luôn ở top đầu các trường có tuyển sinh ngành này. Tuy nhiên, cũng có những hạn chế trong việc học tập và định hướng đam mê của thế hệ sinh viên hiện tại không còn được như thế hệ trước. Đó chính là thách thức của người giảng viên khi phải truyền đạt được hệ thống kiến thức hữu ích và phải thắp được lửa đam mê, giúp các em định hướng được tương lai và cuộc sống mà các em mong muốn phấn đấu, từ đó trở thành những người có ích cho xã hội.
Lời khuyên của ông dành cho những học sinh THPT, đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề đối với lĩnh vực Toán học?
- Toán học nói riêng hay bất kì một lĩnh vực nào khác không bao giờ là dễ dàng nếu không quyết tâm theo đuổi đến cùng. Có một số ý kiến cho rằng ngành này dễ hơn hay khó hơn ngành kia theo tôi là hoàn toàn sai lầm vì bất kỳ ngành nghề hay lĩnh vực nào, nếu muốn đạt được những thành công nhất định luôn phải trải qua rèn luyện, thậm chí phải đổ mồ hôi, xương máu để đạt được kết quả. Vì vậy, nếu các em yêu thích Toán học và quyết tâm đi đến cùng, chắc chắn kết quả đạt được không bao giờ khiến các em thất vọng.
Là người cầm tinh tuổi con mèo, năm 2023 cũng là năm Mão, ông có ngại năm tuổi hay có ấn tượng gì với những năm có địa chi là Mão không?
- Thật ra mỗi năm đối với tôi đều có những thăng trầm nhất định, không riêng năm nào. Nói chung chuyện gì tới với mình thì mình không chọn được nhưng cách thức mình tiếp nhận và giải quyết như thế nào thì mình có thể lựa chọn. Vậy nên đối với tôi, mỗi một năm đều là những trải nghiệm và những bài học ý nghĩa, thậm chí ở một góc nhìn lạc quan, năm tuổi của mình thì mình càng phải mạnh mẽ hơn vì 12 năm mới có một cơ hội gặp lại “năm tuổi”.
Xin cám ơn PGS!
"Toán học rất bao la. Tôi vẫn theo đuổi, phát triển hướng nghiên cứu chính của mình và có thể mở rộng sang hướng nghiên cứu khác khi có điều kiện và cảm thấy thu hút" - PGS.TS. Lê Minh Triết chia sẻ. |