Phát hiện một loài thằn lằn bóng mới ở vùng Tây Bắc, Việt Nam
Khoa học - Ngày đăng : 08:57, 06/01/2011
Mẫu chuẩn duy nhất của loài được thu thập ở độ cao 1450m so với mực nước biển, thuộc huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Loài Thằn lằn cổ đa-rép-x-ki là loài thằn lằn cổ có kích cỡ lớn nhất ở khu vực Châu Á với chiều dài từ mút mõm đến hậu môn khoảng 87mm. Ngoài ra, loài mới này còn được đặc trưng bởi một số đặc điểm hình thái khác biệt với các loài thằn lằn bóng khác: chi trước và sau đều có 5 ngón; mí mắt dưới có đĩa tròn lớn, trong suốt; các vảy trước trán không tiếp xúc nhau; có 5 vảy lớn trên ổ mắt; có 1 vảy thái dương trước; lỗ tai ngoài rất rõ, rìa trước tai có 3 gai nhỏ; có 28 hàng vảy quanh giữa thân; vảy lưng nhẵn, xếp thành 6 hàng dọc; vảy giữa lưng không phình rộng; mặt trên lưng và đuôi màu nâu đồng, dọc gờ bên lưng có vạch sáng màu chạy từ cổ đến chân sau; vùng trên sườn có sọc màu nâu sẫm, phía dưới có sọc màu kem chạy từ mũi qua vùng dưới mắt đến chi sau.
Mô tả chi tiết của loài thằn lằn mới này được công bố trên Tạp chí Bò sát và Ếch nhái Nga (tập 17 số 4 phát hành vào tháng 12 năm 2010). Công trình nghiên cứu trên nằm trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa Viện Sinh thái và và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Viện Động vật Xanh Pêt-téc-bua, Viện Hàn lâm khoa học Nga.
Bên cạnh loài Thằn lằn cổ hữu liên Scincella apraefrontalis phát hiện ở tỉnh Lạng Sơn, đây cũng là loài thằn lằn cổ mới thứ 2 được phát hiện trong năm 2010 và là loài thằn lằn cổ thứ chín được ghi nhận ở Việt Nam.