Từ vụ sập tòa nhà phân viện khoa học xã hội: Cấp thiết quy hoạch cả không gian dưới mặt đất

Dòng chảy - Ngày đăng : 14:09, 19/10/2007

Cao ốc Pacific được phép xây dựng tháng 2/2005 với diện tích mặt bằng 1.750 m2, cao 84,45 m và 3 tầng ngầm. Chiều tối ngày 9/10/2007 tòa nhà Phân viện khoa học xã hội vùng Nam bộ, ngay bên cạnh (49 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) bị sập do bức tường vây dưới ngầm (dày 1 m, sâu 45 m) có một chỗ thi công bị lỗi (0,2 x 0,7 m) không đạt chuẩn ở độ sâu. Chỗ lỗi này bị áp lực “túi nước” ở địa phận Phân viện KHXH “tấn công” ào ạt, kéo theo tầng đất cát dưới sâu làm cho nền móng của tòa nhà Phân viện KHXH bị không chân, sụt xuống. Vấn đề đặt ra là từ vụ sập nhà này, việc xây dựng nhà có hầm ngầm cần lưu ý gì? Báo Khoa Học Phổ Thông đã phỏng vấn KS. Phan Phùng Sanh, phó chủ tịch Hội xây dựng TP.HCM về vấn đề này.

KS. Phan Phùng Sanh: Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa của nước ta ngày càng nhanh, hệ thống đô thị phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Nhiều công trình nhà cao tầng đã thiết kế xây dựng có tầng hầm, các công trình ngầm dưới mặt đất như bãi đỗ xe ngầm... Việc xây dựng có hầm ngầm rất có lợi, nhưng phải hết sức thận trọng, bởi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng xây dựng ở các đô thị lớn, phát triển. Vì vậy, việc kết hợp chặt chẽ giữa các công trình trên mặt đất và công trình được xây dựng dưới mặt đất là rất cần thiết. Thành phố chúng ta đang có những dự án xây dựng 6 tuyến tàu điện ngầm (Metro), hầm đường ô tô, hầm cho người đi bộ, một số dự án hạ ngầm các công trình đường dây... Các dự án này không chỉ có ở TP.HCM mà còn có ở các thành phố khác.

l Từ vụ sập tòa nhà Phân viện KHXH vừa qua, chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm gì?

KS. Phan Phùng Sanh: Trao đổi với Sở xây dựng TP.HCM, tôi được biết, trong thiết kế xin phép chỉ có 3 hầm ngầm, nhưng Công ty xây dựng Pacific cho thi công đến 6 tầng. Sở xây dựng đã 3 lần xử phạt. Kiểm định Sài Gòn cho biết họ còn chưa được xem thiết kế. Một điều nữa, Công ty Pacific tự thành lập Công ty TNHH xây dựng Pacific, có các kỹ sư xây dựng làm việc ở đây, nhưng về kinh nghiệm xây dựng hầm ngầm không có nhiều. Cho dù, những công trình sâu nhiều tầng dưới mặt đất là xu hướng của thế giới, nhưng không phải ai cũng làm được, hoặc làm được ngay mà không qua học hỏi.

Từ sự kiện sập nhà này, vấn đề đặt ra bức thiết cho Viện quy hoạch là phải vừa quy hoạch cả trên và dưới mặt đất. Quy hoạch phải đúng xu thế và hài hòa hợp lý với nhiều dự án khác. Ví dụ như cao ốc Pacific có 6 tầng hầm và cứ cho là có độ sâu 21 m. Vậy khi xây dựng các tuyến tàu điện ngầm có thể qua những nơi này thì phải tính sao?

Đối với những thiết kế mà Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, nên được thẩm kế bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm, chuyên gia nước ngoài. Điều này tốn kém, nhưng an toàn.

Qua sự kiện này cho thấy, giám sát thi công phải luôn chặt chẽ và phải đảm bảo chuẩn. Bài học đắt giá ở đây là lỗi thi công chỉ không đúng chuẩn một chút thôi đã làm sập cả tòa nhà mà thiệt hại đến nay chưa tính được. Người giám sát cũng phải có trình độ và kinh nghiệm thực tế (nghe nói lúc nước xì ở tường vây không có giám sát viên).

l Theo ông những công trình xây dựng có tầng ngầm cần lưu ý những gì?

KS. Phan Phùng Sanh: Việc xây dựng tầng ngầm ngày càng nhiều, nên chú ý: có thẩm kế nước ngoài; chọn giám sát thi công giàu kinh nghiệm; có chuẩn trong xây dựng (ISO 9000 - 2001); chọn đơn vị thi công có nhiều kinh nghiệm; xem kỹ thiết kế được phép xây dựng. Ở các thành phố lớn cần gấp rút làm quy hoạch trên mặt đất và dưới mặt đất; quy hoạch cả chiều cao và chiều sâu để công khai cho công chúng xem. O