Nguyên Chủ tịch UBND Huyện Hóc Môn nhận hối lộ như thế nào?
Dòng chảy - Ngày đăng : 10:58, 10/08/2010
Theo cáo trạng công bố tại phiên tòa, Hà Văn Hòa (tự Nguyễn Thiên Hòa) sống chung với nhau như vợ chồng với Trần Thị Hà, có một con chung. Đầu năm 2002, Hà Văn Hòa bàn bạc với Trần Thị Hà về việc thành lập Cty TNHH xây dựng, thương mại, kinh doanh nhà Thành Phát (sau đây gọi tắt là Cty Thành Phát) do Trần Thị Hà làm giám đốc và Nguyễn Thiên Hòa (sau đó đổi họ và chữ lót thành Hà Văn Hòa) làm phó giám đốc. Khi thành lập công ty chỉ có vốn khoảng 01 tỷ đồng nhưng Hà, Hòa khai khống với cơ quan chức năng vốn điều lệ của Cty có 05 tỷ đồng với mục đích dùng pháp nhân của Cty tiến hành làm các thủ tục xin được lập dự án xây dựng khu dân cư và khu công nghiệp tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn và khi được các cơ quan chức năng chấp thuận địa điểm và có quyết định giao đất hoặc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất cho Cty thực hiện dự án, Hà và Hòa sẽ sử dụng hồ sơ dự án này thế chấp vay tiền Ngân hàng mặc dù Cty Thành Phát không có năng lực chuyên môn và khả năng tài chính để thực hiện dự án, không có điều kiện để hoàn trả vốn cho Ngân hàng. Từ đó, đã phát sinh các hành vi phạm tội của các bị can, cụ thể như sau:
1/. Hành vi Đưa hối lộ; Làm môi giới hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi của các bị can Trần Thị Hà, Hà Văn Hòa (tự Nguyễn Thiên Hòa), Nguyễn Văn Khỏe, Trần Văn Tè, Đặng Công Danh, Dương Minh Trung, Nguyễn Văn Dò trong quá trình Cty TNHH Thành Phát lập hồ sơ xin 18 hécta đất để thực hiện dự án Khu dân cư và Khu công nghiệp sạch tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.
Ngày 01/11/2002, Hà Văn Hòa (Nguyễn Thiên Hòa) với tư cách là phó giám đốc Công ty TNHH Thành Phát, ký công văn số 19/2002 gởi một số cơ quan chức năng của Thành phố, trong đó có UBND xã Đông Thạnh và UBND huyện Hóc Môn xin lập dự án khu dân cư và công nghiệp sạch với diện tích 6,9312 hécta tại ấp 6, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Hà Văn Hòa liên hệ và quen biết Trần Văn Tè, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn, ngày 06/11/2002 Tè đã ký xác nhận trên công văn số 19/2002 với nội dung: chuyển UBND huyện Hóc Môn đề nghị xem xét giải quyết. Do biết việc giải quyết hồ sơ dự án phải được sự chấp thuận của các cơ quan cấp huyện, trong đó có vai trò quyết định của chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, nên để tiếp tục giúp cho Cty Thành Phát làm hồ sơ dự án này, Trần Văn Tè đã hướng dẫn và giới thiệu cho Hà Văn Hòa tiếp xúc, quan hệ với Đặng Công Danh (Giám đốc Công ty TNHH Danh Khoa, là người có mối quan hệ thân thiết với Nguyễn Văn Khỏe - chủ tịch UBND huyện Hóc Môn), Dương Minh Trung (Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch & Đầu tư huyện Hóc Môn) và Nguyễn Văn Khỏe (Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn).
Qua giới thiệu của Trần Văn Tè, Hà Văn Hòa tiếp xúc với Đặng Công Danh và thỏa thuận Danh làm trung gian nhờ Nguyễn Văn Khỏe xét chấp thuận địa điểm cho Công ty Thành Phát lập dự án và khi Nguyễn Văn Khỏe chấp thuận ký văn bản gởi các cơ quan chức năng của Thành phố xin được thuận địa điểm thì Hòa sẽ đưa tiền cho Danh để Danh chuyển cho Khỏe. Toàn bộ nội dung thỏa thuận này được Hà Văn Hòa thông báo lại cho Trần Thị Hà - Giám đốc Cty Thành Phát biết, Hà chấp thuận chi tiền. Thực hiện thỏa thuận này, Đặng Công Danh đến nhà riêng gặp Nguyễn Văn Khỏe, trình bày lại các nội dung đã thỏa thuận trên, Khỏe đồng ý. Được sự đồng ý của Khỏe, Đặng Công Danh tiếp nhận hồ sơ xin thuận địa điểm lập dự án của Công ty Thành Phát, đem đến nhà riêng đưa cho Nguyễn Văn Khỏe, tại 1074/3C khu phố 1, phường An Phú Đông, quận 12. Ngày 13/12/2002, Nguyễn Văn Khỏe ký công văn số 117/CV-UB gửi Sở Quy hoạch kiến trúc và các ngành chức năng TP. Hồ Chí Minh đề nghị xem xét thuận địa điểm như đơn xin của Công ty Thành Phát, trong đó có nội dung xác định “Khu vực này chưa có doanh nghiệp xin lập dự án đầu tư”, mặc dù trên thực tế thì khu đất này đã được chính Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn ký văn bản gửi các cơ quan chức năng thuận cho Cty TNHH Thiên Long Vân đầu tư dự án khu dân cư và khu công nghiệp trước đó. Công văn này được Nguyễn Văn Khỏe giao cho Đặng Công Danh để Danh chuyển lại cho Hà Văn Hòa. Sau khi nhận được văn bản này, Hòa thông báo và được Trần Thị Hà đưa cho Hòa 150.000.000 đồng. Hà Văn Hòa đến nhà riêng của Đặng Công Danh, giao cho Danh 150.000.000 đồng như đã thỏa thuận trước. Hôm sau, Đặng Công Danh đến nhà riêng của Nguyễn Văn Khỏe, giao trực tiếp cho Khỏe 150.000.000 đồng này.
Đến đầu năm 2003, Hà Văn Hòa tiếp xúc làm quen với Dương Minh Trung và Nguyền Văn Khỏe (qua sự giới thiệu của Trần Văn Tè); để nhằm tạo quan hệ thuận lợi cho việc xin lập hồ sơ dự án, cuối hàng tuần trong các năm 2003, 2004 Hà Văn Hòa thường xuyên phải đưa Nguyễn Văn Khỏe (trong đó nhiều lần có cả Trần Văn Tè và Dương Minh Trung) đi chơi ở Vũng Tàu, toàn bộ chi phí do Hòa chịu. Ngoài ra, từ năm 2003 đến tháng 6/2005 vào các dịp lễ, tết Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa đến nhà Nguyễn Văn Khỏe đưa tổng cộng 430.000.000, 15.000 USD, ½ sừng tê giác và cho mượn 700.000.000 đồng.
Vào cuối năm 2004, trong thời gian giúp cho Cty Thành Phát lập thủ tục hồ sơ xin dự án, Trần Văn Tè gợi ý và đã được Hà Văn Hòa và Trần Thị Hà mua cho 01 ti vi mới, hiệu Toshiba 45 in, trị gíá 36 triệu đồng và 01 điện thoại di động hiệu SAMSUNG, trị giá 5.000.000 đồng.
Cũng trong năm 2004, Trần Văn Tè hỏi Hà Văn Hòa mượn 300.000.000 đồng, Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa khai do còn đang làm hồ sơ xin dự án tại xã Đông Thạnh, nên buộc Hà - Hòa phải chấp thuận đưa cho Tè mượn 300.000.000 đồng. Sau khi nhận số tiền này, Tè giao cho Võ Ngọc Sơn - phó chủ tịch UBND xã Đông Thạnh hùn vốn mua đất ở Quận 12 để kinh doanh. Đến khi Tè bị bắt, anh Nguyễn Ngọc Sơn đã trả lại số tiền này cho gia đình Trần Văn Tè để nộp lại cơ quan điều tra.
Gia tộc của Trần Văn Tè có đất nằm trong phạm vi dự án mà Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa đang xin thuận địa điểm, với diện tích đất trên 6.000 m2 do ông Võ Văn Rượu đứng tên đại diện (theo thỏa thuận trong gia tộc thì đất này có phần của em ông Rượu là bà Võ Thị Quơ 1.000 m2; cháu ông Rượu là Trần Văn Tè 1.000 m2). Theo yêu cầu và hướng dẫn của Trần Văn Tè, ngày 11/01/2003, Hà Văn Hòa ký hợp đồng nhận chuyển nhượng của ông Võ Văn Rượu. Nội dung hợp đồng này không ghi diện tích đất, mà chỉ ghi chuyển nhượng trọn 11 thửa theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 369, 0789 ngày 16/6/2000; ghi đơn giá 280.000đ/m2 (không ghi tổng trị giá của hợp đồng); thanh toán làm 03 đợt: Đợt I, ngày 11/01/2003 đặt cọc 100.000.000 đồng, đợt II sau 10 ngày giao thêm 100.000.000 đồng. Đợt III, thanh toán vào ngày 21/5/2003. Thực hiện hợp đồng, ngày 21/01/2003, Hòa giao 200.000.000 đồng cho ông Rượu để đặt cọc, ngay sau khi ông Rượu nhận tiền cọc, Tè yêu cầu và được ông Rượu đưa lại 80.000.000 đồng, Trần Văn Tè đưa cho bà Quơ 30.000.000 đồng, còn 50.000.000 đồng Tè sử dụng.
Ngày 23/5/2005, UBND huyện Hóc Môn tiến hành đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới, trong đó ông Rượu được đổi sổ và cấp giấy mới với diện tích 4.426 m2 (đã tách diện tích đất của Tè và bà Quơ); Đồng thời cùng ngày, UBND huyện Hóc Môn cũng làm thủ tục và ghi xác nhận: bà Võ Thị Quơ và ông Trần Văn Tè, mỗi người được nhận tặng cho một phần thửa đất, diện tích 1.000m2.
Đến cuối năm 2005, sau khi thế chấp dự án và vay được tiền từ Ngân hàng No&PTNT chi nhánh Chợ Lớn, Trần Thị Hà mới có tiền và thực tế mới tiến hành thỏa thuận nhận chuyển nhượng với các hộ dân có đất trong dự án. Lúc này theo thỏa thuận giữa Hà với hầu hết các hộ dân thì giá chuyển nhượng được nâng lên thành 300.000đ/m2. Riêng Trần Văn Tè thông báo cho Hà biết đã mất cọc do Cty Thành Phát đã vi phạm hợp đồng và yêu cầu Hà phải thanh toán đầy đủ phần đất 4.426m2 còn lại của gia đình ông Rượu, với giá 300.000đ/m2; Còn phần đất của bà Quơ và của Tè (tổng cộng 2.000m2), Tè yêu cầu Hà phải mua với giá 500.000đ/m2 (cao hơn so với giá mua của các hộ trong dự án là 200.000đ/m2), biết mua giá này là mắc và không hợp lý nhưng do phụ thuộc vào Trần Văn Tè trong việc xin dự án nên Trần Thị Hà đồng ý. Đến khoảng cuối năm 2005, vợ chồng Tè đến nhà Hà tại quận Tân Bình nhận toàn bộ số tiền chuyển nhượng 2.000m2 nêu trên, tổng cộng 1.000.000.000 đồng. Nhận được số tiền này, Trần Văn Tè đưa lại cho bà Quơ 270.000.000 đồng cộng với 30.000.00 đồng mà bà Quơ đã nhận trước đây tổng cộng là 300.000.000 đồng. Như vậy, Trần Văn Tè thanh toán tiền bán đất của bà Võ Thị Quơ với giá 300.000đ/m2, số tiền chênh lệch 400.000.000 đồng do bán đất với giá cao hơn các hộ khác, Trần Văn Tè chiếm hưởng.
Cuối năm 2005, khi vay được tiền từ ngân hàng, Trần Thị Hà tiến hành thỏa thuận mua của các hộ dân có đất trong dự án, nhưng do có một số hộ không bán hoặc bán giá cao, Trần Thị Hà đến nhờ Trần Văn Tè can thiệp để các hộ dân này chuyển nhượng đất và không phải mua giá cao, Trần Thị Hà có đưa cho Tè 100.000.000 đồng để trả công, Tè hứa sẽ lo giúp việc này nhưng sau đó không thực hiện.
Đối với Dương Minh Trung, vào các dịp Tết nguyên đán 2003 và 2004, Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa đến nhà riêng Trung gởi tiền 02 lần, tổng cộng 70.000.000 đồng; cuối năm 2004, Trung có hỏi xin Hòa 20.000.000 đồng để Trung mua máy tính sách tay biếu cho lãnh đạo, Hòa đã đưa cho Trung 20.000.000 đồng.
Đầu tháng 11/2005, sau khi biết Cty Thành Phát đã vay được tiền từ Ngân hàng, Dương Minh Trung đă đến hỏi vay Trần Thị Hà số tiền 2.252.000.000 đồng, Hà đồng ý và chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Trung. Đến ngày 22/11/2005, Dương Minh Trung chuyển trả vào tài khoản của Cty Thành Phát số tiền 2.000.000.000 đồng. Tháng 11/2006, khi vụ việc sai phạm tại Cty Thành Phát bị phát hiện, lo sợ liên lụy nên Dương Minh Trung mới tiếp tục trả 252.000.000 đồng nhưng Trung không đưa trả cho Hà mà lại đưa cho Hòa, đồng thời yêu cầu Hòa viết biên nhận tiền ghi lùi ngày lại thành ngày 25/11/2005.
Do công văn số 117/CV-UB ngày 13/12/2002, Nguyễn Văn Khỏe đã ký có nội dung không đúng với thực tế và chưa rõ ràng nên ngày 10/02/2003, Sở Quy hoạch kiến trúc TP. HCM có công văn số 398/QHKT-QH gởi Cty Thành Phát và UBND huyện Hóc Môn có ý kiến về quy hoạch trong đó có nêu “một phần nằm trong khu vực đất đai đã có văn bản thỏa thuận của UBND huyện Hóc Môn số 21/TB-UB ngày 22/01/2002 cho Cty TNHH Thiên Long Vân tiến hành thủ tục liên hệ với các Sở ngành chức năng lập dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp – dân cư 40 ha” đề nghị Cty Thành Phát liên hệ với UBND huyện Hóc Môn để được xem xét xác định rõ vị trí ranh giới, quy mô diện tích, tránh sự trùng lắp với dự án trong cùng một khu đất. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Khỏe đã không chỉ đạo xử lý điều chỉnh, trái lại Khỏe còn hướng dẫn cho Hà Văn Hòa làm thủ tục hồ sơ mới để mở rộng quy mô diện tích dự án lên 18 hécta, đồng thời chỉ đạo cho Trần Văn Tè, Dương Minh Trung tiến hành làm các thủ tục loại Cty Thiên Long Vân không được tiếp tục thực hiện dự án.
Theo yêu cầu của Nguyễn Văn Khoẻ và hướng dẫn của Dương Minh Trung và Trần Văn Tè; Hà Văn Hòa và Trần Thị Hà tiến hành lập lại hồ sơ gởi các cơ quan chức năng mở rộng diện tích xin làm dự án từ 6,9 hécta lên 18,1055 hécta (nằm trong diện tích 40 ha đất của dự án do Cty Thiên Long Vân đang tiến hành lập hồ sơ). Ngày 06/4/2003, Hà Văn Hòa ký Đơn xin thỏa thuận địa điểm số 06/CV-03 mang tên Nguyễn Thiên Hòa – Phó giám đốc Cty Thành Phát, xin thỏa thuận địa điểm tại xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn để lập dự án đầu tư khu công nghiệp sạch, xen cài khu dân cư, với diện tích 180.000m2. Ngày 29/7/2003, Dương Minh Trung với chức năng quyền hạn được giao là Trưởng phòng Tài chánh Kế hoạch & Đầu tư huyện Hóc Môn ký Tờ trình số 350/TT-TCKH.ĐT gửi Thường trực UBND huyện Hóc Môn đề nghị thuận chủ trương trình Sở Quy hoạch kiến trúc Thành phố cho phép Cty TNHH Thành Phát được ứng vốn lập quy hoạch chi tiết hạ tầng kỹ thuật tỷ lệ 1/2000 và lập hồ sơ xin giao đất … Sau đó đến ngày 27/8/2003, Dương Minh Trung soạn thảo công văn số 596/CV-UB trình Nguyễn Văn Khỏe ký, gởi cho UBND TP. HCM, Sở Quy hoạch kiến trúc; Sở kế hoạch đầu tư TP. Hồ Chí Minh, đề nghị cho Cty Thành Phát được ứng vốn lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 sau đó lập dự án đầu tư 18,1055 hécta trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định.
Mặc dù, lúc này Hà Văn Hòa đã quen biết với Nguyễn Văn Khỏe nhưng Hòa chưa dám trực tiếp đưa tiền cho Khỏe nên khoảng giữa tháng 8/2003, Hà Văn Hòa tiếp tục thông qua Đặng Công Danh gặp Nguyễn Văn Khỏe xin xét thuận địa điểm cho Công ty Thành Phát lập dự án 18,1055 hécta và đưa tiền. Đặng Công Danh đến nhà riêng gặp Nguyễn Văn Khỏe, trình bày đề nghị trên của Hòa, được Khỏe đồng ý. Sau đó, Đặng Công Danh tiếp nhận hồ sơ xin thuận địa điểm lập dự án của Công ty Thành Phát, đem đến nhà riêng đưa cho Nguyễn Văn Khỏe, ngày 27/8/2003, Khỏe ký công văn số 596/CV-UB gởi các ngành chức năng và UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị xem xét thuận địa điểm của Công ty Thành Phát như đã nêu trên. Sau khi nhận được văn bản thuận địa điểm, Hà Văn Hòa cùng Trần Thị Hà đến nhà riêng của Đặng Công Danh, giao trực tiếp cho Danh số tiền 250.000.000 đồng.
Theo lời khai của Đặng Công Danh, sau khi nhận 250.000.000 đồng, Danh đến nhà riêng của Nguyễn Văn Khỏe, giao hết cho Khỏe 250.000.000 đồng. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Khỏe khai chỉ có nhận 150.000.000 đồng do Danh giao và cũng biết đó là tiền của Hòa đưa về việc ký công văn thuận địa điểm cho Cty TNHH Thành Phát. Số tiền còn lại là 100.000.000 đồng do Khỏe không thừa nhận và không có tài liệu chứng cứ khác chứng minh, nên Đặng Công Danh phải chịu trách nhiệm về số tiền này.
Để được UBND TP. HCM ra quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành khu dân cư, khu công nghiệp đòi hỏi Cty Thành Thành Phát phải đền bù diện tích dự kiến xây dựng dự án, nhưng trong thời điểm này Cty Thành Phát chỉ mới đặc cọc chuyển nhượng đất một số ít hộ dân, để được cấp dự án ngày 16/9/2003, Hà Văn Hòa (mang tên Nguyễn Thiên Hòa - phó giám đốc Cty Thành Phát) đã ký “Đơn xin xác nhận đă bồi hoàn” gởi UBND xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, để bổ túc hồ sơ trình duyệt huy hoạch với các cấp có thẩm quyền, trong đơn có nêu “tới nay đã bồi hoàn được 122.058m2”. Sau khi tiếp nhận đơn, mặc dù biết rõ Cty Thành Phát chưa đền bù nhưng Trần Văn Tè vẫn chỉ đạo cho Nguyễn Văn Dò (Cán bộ địa chính của xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) viết xác nhận trên đơn nội dung: “Nội dung đơn xin xác nhận của Nguyễn Thiên Hòa, đại diện Cty Thành Phát là đúng” rồi chuyển lại cho Trần Văn Tè ký tên, đóng dấu.
Tiếp đó, để tách làm hồ sơ riêng dự án khu dân cư, Cty Thành Phát liên hệ với Đoàn đo đạc bản đồ TP. Hồ Chí Minh lập trích bản đồ địa chính xác định ranh giới quy hoạch khu dân cư tại ấp 6, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn có diện tích 72.000 m2. Sau đó, Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa làm giả 29 “Hợp đồng chuyển nhượng đất” theo mẫu tự soạn thảo, Hà là người viết và điền nội dung chuyển nhượng, sau đó ký giả chữ ký người chuyển nhượng đất; Hòa là người ký bên nhận chuyển nhượng với tư cách là phó giám đốc Cty Thành Phát trong từng hợp đồng. Qua 29 “Hợp đồng chuyển nhượng đất” giả mạo trên, Cty Thành Phát nhận chuyển nhượng của 29 hộ dân với tổng diện tích đất nông nghiệp là 86.312m2 tại ấp 6, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, đơn giá 280.000đ/m2. Sau đó, Hà Văn Hòa liên hệ Nguyễn Văn Dò đề nghị xác nhận trên từng hợp đồng chuyển nhượng. Nguyễn Văn Dò, biết rõ 29 hợp đồng chuyển nhượng này là không đúng sự thật, những chữ ký người chuyển nhượng đất đều là giả mạo, nhưng do mối quan hệ quen biết với Hà Văn Hòa qua những lần được dẫn đi ăn uống và có sự chỉ đạo của Trần Văn Tè nên Dò đã ghi nội dung sai sự thật ở phía dưới từng bản hợp đồng, là: “Xác nhận chữ ký nêu trên là của hai bên” rồi chuyển lại cho Trần Văn Tè ký xác nhận đề các ngày 01/01/2004 và 20/9/2004.
Song song với việc lập hồ sơ xin làm dự án khu dân cư có diện tích 72.000m2 nêu trên, ngày 08/12/2004, Trần Thị Hà - giám đốc Cty Thành Phát ký công văn số 08/2004 gởi UBND TP. Hồ Chí Minh xin chuyển mục đích sử dụng 108.686 m2 đất nông nghiệp (có vị trí liền kề với khu dân cư) nằm trong quy hoạch tổng thể của dự án 18,1055 hécta để làm dự án xây dựng khu công nghiệp sạch.
Tương tự như việc lập khống hồ sơ đền bù dự án đầu tư 72.000m2 khu dân cư trên, Trần Thị Hà sử dụng mẫu “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” tự soạn thảo ghi khống nội dung và giả chữ ký của các hộ dân trong 40 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sau đó Hà Văn Hòa liên hệ Nguyễn Văn Dò viết xác nhận dưới từng hợp đồng, nội dung: “Chữ ký tên trên của hai bên”, sau đó chuyển cho Trần Văn Tè ký, đóng dấu xác nhận đề ngày 12/01/2004 trên từng hợp đồng, mặc dù vào thời điểm tháng 12/2004, Cty Thành Phát mới chỉ thoả thuận và thực hiện đặt cọc số tiền 380.000.000 đồng để nhận chuyển nhượng 11.545 m2 đất của 03 hộ dân, với đơn giá 300.000 đ/m2. Trong số 30 hợp đồng này có 24 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Phòng Tư pháp huyện Hóc Môn sao y bản chính để Cty Thành Phát đưa vào hồ sơ trình các cơ quan chức năng của Thành phố xin chuyển mục đích sử dụng đất dự án khu công nghiệp.
Tiếp đó, theo hướng dẫn của Dương Minh Trung ngày 06/01/2005, Trần Thị Hà tiếp tục lập và ký Danh sách bồi hoàn khống đợt I - II cho 40 hộ diện tích là 103.105m2. Danh sách này sau đó được Hà Văn Hòa liên hệ với Tè, đồng thời được sự tác động chỉ đạo của Dương Minh Trung, nên ngày 19/01/2005, Trần Văn Tè đă ký xác nhận vào danh sách kê khống trên.
Ngày 25/01/2005, Tổ công tác liên ngành có biên bản họp số 549A/BBLN giải quyết hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của Cty Thành Phát, trong đó Dương Minh Trung và Nguyễn Văn Dò có ý kiến xác nhận “Cty đã hoàn tất việc chuyển nhượng, đền bù đất với các hộ dân”. Ngày 01/02/2005, Nguyễn Văn Khỏe – Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn ký công văn số: 82/UB gởi Sở Tài nguyên và Môi trường có nội dung: “Về nguồn gốc pháp lý khu đất thuộc phạm vi dự án, theo báo cáo của UBND xã Đông Thạnh, chủ đầu tư đã hoàn tất việc đền bù … UBND huyện Hóc Môn xét thấy dự án nêu trên của Cty TNHH Thành Phát có thể giao đất trước, không gây ảnh hưởng gì đến quy hoạch sử dụng đất …”. Căn cứ hồ sơ Cty TNHH Thành Phát nộp, kết quả trong biên bản cuộc họp liên ngành và công văn số 82 do Nguyễn Văn Khỏe ký, ngày 07/02/2005 Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố có văn bản số 892/TNMT-QHSDĐ trình UBND TP. HCM, có nội dung: “Cty TNHH Thành Phát lập dự án đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Đông Thạnh với quy mô dự án 10, 8686 hécta; Tổng vốn đầu tư: 58.184.155.000 đồng; Vốn tự có của doanh nghiệp là 50% …Cty TNHH Xây dựng thương mại và kinh doanh nhà Thành Phát đã lập các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các hộ dân đã được UBND xã Đông Thạnh xác nhận hợp đồng (tổng cộng 40 hợp đồng đính kèm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Ngoài ra, UBND xã Đông Thạnh cũng xác nhận bổ sung ngày 19/01/2005 danh sách các hộ dân đã hoàn tất bồi hoàn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dự án trong đó có thống kê các số liệu chi tiết như Tên chủ sử dụng đất, số Giấy chứng nhận, số thửa, diện tích …với tổng diện tích đất đã hoàn tất chuyển nhượng bồi hoàn là 103.105m2”. Ngày 15/02/2005, UBND TP. Hồ Chí Minh có Quyết định số 635/QĐ-UB cho Cty Thành Phát chuyển mục đích sử dụng đối với khu đất có diện tích 108.686 m2 để đầu tư xây dựng Khu công nghiệp.
Vào cuối năm 2004 hoặc đầu năm 2005, trong một lần cùng đi chơi ở Vũng Tàu, khi cùng ngồi trên xe ô tô của Hà Văn Hòa, Nguyễn Văn Khỏe có đặt vấn đề với Hòa là xong việc này (tức xin được dự án), Hòa phải mua cho Khỏe 01 xe ô tô hiệu Lexux. Hòa đồng ý và sau khi về TP. HCM, Hòa và Hà có đưa Khỏe đến một gara xe ô tô trên đường Trần Hưng Đạo - Q1 để xem xe thì được biết giá xe là 185.000 USD, do lúc này chưa có tiền nên Hòa chưa thực hiện được.
Đến năm 2006, Khỏe nhắc Hà về việc Hòa có hứa sẽ mua cho Khỏe 01 chiếc xe hơi hiệu Lexux, trị giá 03 tỷ đồng. Khoảng vài tuần sau, Hà điện thoại hẹn gặp riêng Khỏe tại quán càfe trên đường Mạc Đỉnh Chi, Quận 1. Tại đây, Hà đưa trước cho Khỏe 01 tỷ đồng để đặt cọc mua xe, hứa chừng nào có xe thì đưa tiếp phần còn lại.
Vào khoảng tháng 4/2006, do Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố chậm giải quyết duyệt bản vẽ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nên Trần Thị Hà có nhờ Nguyễn Văn Khỏe giúp đỡ, tác động Sở Quy hoạch, Khỏe nhận lời. Theo lời Hà khai Khỏe yêu cầu phải chi từ 5.000 đến 10.000 USD cho ông Nguyễn Trọng Hòa - Giám đốc Sở Quy hoạch. Sau đó, Trần Thị Hà đã giao trực tiếp cho Nguyễn Văn Khỏe 5.000USD tại Quận 1. Sau vài tuần, Khỏe thông báo ông Hòa đi công tác nước ngoài nên việc này phải nhờ đến ông Trần Chí Dũng - Phó giám đốc giải quyết và yêu cầu Hà phải chi tiếp 50.000.000 đồng nữa. Tin lời Khỏe, Hà tiếp tục giao cho Khỏe 50.000.000 đồng cũng ở tại Quận 1. Đến tháng 5/2006, Khỏe thông báo cho Hà biết đã có kết quả phê duyệt quy hoạch chi tiết cho khu công nghiệp của Cty Thành Phát nên Hà đã cho nhân viên đến và lấy được kết quả như Khỏe thông báo.
Nguyễn Văn Khỏe khai có nhận lời giúp Hà để tác động lãnh đạo Sở Quy hoạch kiến trúc thành phố và có nhận 5.000 USD và 50.000.000 đồng từ Trần Thị Hà. Nguyễn Văn Khỏe có liên lạc nhờ ông Trần Chí Dũng xem xét, sớm phê duyệt bản vẽ qui hoạch chi tiết 1/500 cho Công ty Thành Phát. Từ đó, Sở quy hoạch kiến trúc TP đã quan tâm, xem xét và ngày 17/5/2006. ông Trần Chí Dũng đã ký duyệt các bản vẽ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án khu công nghiệp sạch xã Đông Thạnh cho Công ty Thành Phát. Được việc cho Trần Thị Hà nhưng Nguyễn Văn Khỏe không giao số tiền 5.000 USD và 50 triệu đồng cho ông Hòa và ông Dũng, mà giữ lại sử dụng cá nhân.
2/. Hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng của các bị can Trần Thị Hà, Hà Văn Hòa (tự Nguyễn Thiên Hòa), Trần Văn Tuyến, Lưu Thị Minh Hiền, Nguyễn Công Định trong quá trình vay 3.000 lượng vàng SJC và 18 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Chợ Lớn.
Sau khi UBND TP. Hồ Chí Minh ra 02 Quyết định cho phép Cty Thành Phát chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án, ngày 09/8/2005, Trần Thị Hà lập Phương án vay vốn đầu tư xây dựng cụm công nghiệp sạch xen kẽ khu dân cư tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn - TP. HCM, trong đó có nêu:
- Đề nghị Ngân hàng cho Cty được vay với hạn mức tín dụng khoảng 60.000.000.000 đồng cho đầu tư giai đoạn 1 (Khu dân cư).
- Kinh phí đầu tư toàn dự án: Tổng nhu cầu sử dụng vốn: 181.220.252.000đ, trong đó: Vốn tự có của chủ đầu tư: 139.220.252.000 đồng; chiếm khoảng 76,83%; Tổng nhu cầu sử dụng vốn vay: 42.000.000.000 đồng, chiếm khoảng 23,17%.
Thực chất vào thời điểm này, Cty TNHH Thành Phát (Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa) vốn chỉ có 1.960.400.000 đồng (tiền đặt cọc đền bù đất trong dự án khu dân cư và khu công nghiệp sạch) và Cty hoàn toàn không bộ máy tổ chức nghiệp vụ, chuyên môn để triển khai thực hiện dự án, thậm chí khi báo cáo thuế hàng tháng, báo cáo tài chính hàng năm, Hà và Hòa thuê người ngoài lập.
Ngày 31/8/2005, Trần Thị Hà với tư cách là Giám đốc Cty TNHH Thành Phát ký “Giấy đề nghị vay vốn” gởi Ngân hàng No&PTNN Chi nhánh Chợ Lớn xin vay 42.000.000.000 đồng, tài sản thế chấp: Toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất dự kiến hình thành của dự án khu dân cư (72.000m2), giá trị là 149.632.502.000 đồng.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ xin vay của Công ty Thành Phát, ngày 10/9/2005 Nguyễn Công Định, lập báo cáo thẩm định ghi nhận Công ty Thành Phát đủ điều kiện xin vay 42.000.000.000 đồng để đầu tư dự án khu dân cư xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn, bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Báo cáo thẩm định này là sai sự thật và trái với quy định của tổ chức tín dụng, cụ thể:
Trong báo cáo thẩm định, Nguyễn Công Định không xác định điều kiện về mức vốn tự có tham gia vào dự án của Cty Thành Phát, mà tự ý ghi nhận “vốn tự có, coi như tự có” của Cty Thành Phát là 139.220.252.000đ, bằng 76,8% tổng vốn đầu tư. Thực tế, Cty Thành Phát không đủ điều kiện xin vay 42.000.000.000 đồng tại Ngân hàng No&PTNN Chi nhánh Chợ Lớn, vì không có khả năng tài chính, không có mức vốn tự có tham gia vào dự án đầu tư để có tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 15% tổng mức vốn đầu tư. Cty Thành Phát đăng ký vốn điều lệ là 50 tỷ đồng nhưng thực chất là vốn khống, không có vốn góp của các thành viên công ty. Nguyễn Công Định không xác minh, kiểm tra, đối chiếu vốn và năng lực kinh doanh mà ghi nhận Cty Thành Phát có khả năng tài chính (chi phí xây dựng dở dang là 63 tỷ đồng), có nguồn vốn tự chủ tốt (Năm 2003 là 5.200.000.000 đồng; Năm 2004 là 50.200.000.000 đồng), có khả năng quản lý và kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Từ đó, Nguyễn Công Định đề nghị xét duyệt cho Cty Thành Phát vay 42.000.000.000 đồng.
Vào khoảng giữa tháng 10/2005, sau khi Cty Thành Phát được giải ngân 3.000 lượng vàng, để trả công trong việc giúp Cty Thành Phát vay, Trần Thị Hà đã đưa cho Nguyễn Công Định 200.000.000 đồng tại một quán nước trên đường Hậu Giang, quận Tân Bình; Sau khi nhận tiền, Định về nhà kiểm đếm lại thì chỉ có 199.000.000 đồng.
Trần Văn Tuyến (Giám đốc Ngân hàng No&PTNT Chi nhánh Chợ Lớn) do có mối quan hệ với Trần Thị Hà nên Tuyến đã phê duyệt 02 báo cáo thẩm định trên, đồng ý cho Công ty Thành Phát vay 42.000.000.000 đồng.
Như vậy, với thủ đoạn gian dối tạo dựng những hợp đồng chuyển nhượng đất giả, những danh sách bồi hoàn khống để được UBND Tp. Hồ Chí Minh cấp 02 Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, sau đó Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa đem toàn bộ hồ sơ dự án gian dối này thế chấp vay tiền Ngân hàng và đã chiếm đoạt số tiền 18.000.000.000 đồng và 3.000 lượng vàng của Ngân hàng No&PTNT chi nhánh Chợ Lớn.
3/. Hành vi Đưa hối lộ; Nhận hối lộ của các bị can Trần Thị Hà, Hà Văn Hòa, Nguyễn Văn Khỏe, Trần Văn Tè trong việc phân lô, bán nền trái phép 4.855m2 đất nông nghiệp tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.
Sau khi Hà Văn Hòa và Trần Thị Hà vay được 18.000.000.000 đồng tại Ngân hàng No&PTNN Chi nhánh Chợ Lớn (thế chấp căn nhà 26 Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình), ngày 30/9/2004 Hòa và Hà đã mua 4.855m2 đất nông nghiệp, tại ấp 4 xã Đông Thạnh của bà Nguyễn Thị Thanh Hồng (ngụ 377/17 Phan Văn Trị, P/11, Q/Bình Thạnh, là Phó GĐ Cty Thú nhồi bông) Hà Văn Hòa (Nguyễn Thiên Hòa lúc này chưa thay đổi họ) là người đứng tên mua với số tiền 3.884.000.000 đồng, ngày 15/11/2004, UBND huyện Hóc Môn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nguyễn Thiên Hòa. Sau đó Hòa, Hà tự ý chuyển mục đích sử dụng đất bằng cách tiến hành cho san lấp, làm đường nội bộ rồi phân lô nền nhà để chuyển nhượng cho các cá nhân khác xây nhà ở.
Do biết việc san lấp, phân lô bán lẻ là vi phạm Chỉ thị số 08/2002/CT-UB, ngày 22/4/2002 của UBND TP. Hồ Chí Minh nên vào ngày 20/11/2004, Hà Văn Hòa thỏa thuận thuê Đặng Công Danh (có mối quan hệ thân thiết với Nguyễn Văn Khỏe) san lấp mặt bằng và làm đường nội bộ theo yêu cầu của Hòa.
Sau khi Đặng Công Danh tổ chức san lấp được một ngày thì hôm sau Nguyễn Văn Khỏe phát hiện và chỉ đạo UBND xã Đông Thạnh không cho Hòa san lấp nữa. Lúc này do Hòa và Hà đã quen biết khá thân thiết với Nguyễn Văn Khỏe nên Hòa bàn bạc với Hà chi tiền cho Khỏe để được chấp thuận tiếp tục cho san lấp, phân lô bán nền, Hà đồng ý. Qua ngày hôm sau, Hòa điện thoại cho Khoẻ thì Khỏe hẹn 18h đến nhà Khỏe. Đúng hẹn Hòa và Hà đi ôtô đến nhà Nguyễn Văn Khoẻ, tại đây Hòa đưa 01 cặp rượu ngoại, 01 giỏ trái cây và 100.000.000 đồng cho bà Nguyễn Thị Nhỏ là vợ Khoẻ; Chiều hôm sau cũng vào giờ trên, Hòa, Hà tiếp tục đến nhà Khoẻ đưa tiếp 01 cặp rượu và 150.000.000 đồng (cũng đưa cho vợ Khoẻ) và Hòa đặt vấn đề về việc mua đất san lấp để bán lẻ và xin Khỏe giúp đở, Nguyễn Văn Khoẻ đồng ý và nói sẽ điện cho Trần Văn Tè để cho tiếp tục làm.Từ đó, Nguyễn Văn Khỏe để yên cho Hòa thực hiện san lấp, làm đường nội bộ, phân lô bán lẻ. Ngoài ra, sau khi Hà Văn Hòa san lấp, phân lô và bán được một số nền nhà cho các hộ dân, Hòa nhờ Nguyễn Văn Khỏe giúp cho phép sang nhượng, Khỏe nhận lời và chỉ đạo cho ông Kiều Đức Thuận - Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn ký cho Hòa được phép sang nhượng 03 lô đất đã phân lô trong 4.855m2 đất nêu trên, gồm: cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới cho ông Nguyễn Gia Đình sử dụng 770,1m2, ông Trần Đức Thanh sử dụng 210,7m2, bà Nguyễn Thị Hải sử dụng 345,6m2.
Sau khi đưa tiền cho Nguyễn Văn Khỏe, Hà Văn Hòa báo cho Trần Văn Tè biết việc Khoẻ đã đồng ý cho Hòa tiếp tục thực hiện việc san lấp, phân lô; đồng thời nhờ Tè ký chấp thuận các hợp đồng chuyển nhượng đất của Hòa cho người khác. Sau đó, Trần Văn Tè cũng được Nguyễn Văn Khoẻ yêu cầu Tè giúp cho Trần Thị Hà trong việc ký các hợp đồng chuyển nhượng lô đất trên. Từ đó, Tè làm ngơ cho Hòa san lấp, phân lô nền nhà trái phép và ký duyệt chấp thuận cho Hoà được sang nhượng nền nhà. Trong đó, với tư cách chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, Trần Văn Tè đã ký chấp thuận 03 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Hòa với Nguyễn Gia Đình, Trần Đức Thanh và Nguyễn Thị Hải, rồi chuyển hồ sơ đến UBND huyện Hóc Môn phê duyệt và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ký chấp thuận 09 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Hòa với 09 người khác (chưa chuyển đến UBND huyện xem xét); đồng thời Tè ký khống vào 28 hợp đồng chuyển nhượng khác, đóng dấu UBND xã Đông Thạnh, rồi giao cho Hà Văn Hòa để Hà và Hòa tự ghi nội dung khi tìm được người nhận chuyển nhượng đất. Đến ngày bị bắt, Trần Thị Hà vẫn còn dư 03 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Trần Văn Tè ký khống. Trước khi Trần Văn Tè ký chấp thuận, các hợp đồng chuyển nhượng này đều được Nguyễn Văn Dò (cán bộ địa chính xã) ký nháy.
Vào khoảng tháng 02/2005, sau khi Trần Văn Tè ký cho Hà Văn Hòa được phép sang nhượng 1 – 2 nền nhà, Hòa có điện thoại hẹn Tè gặp nhau tại ngã tư Đình thuộc ấp 5 xã Đông Thạnh – Hóc Môn; Tại đây, Hòa đưa cho Tè 200.000.000 đồng, Trần Văn Tè đã khai khi nhận số tiền này Tè hiểu rằng Hòa đưa tiền để Tè tiếp tục giúp ký duyệt các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Với sự tiếp tay của Nguyễn Văn Khỏe và Trần Văn Tè, cho đến ngày Hà Văn Hòa và Trần Thị Hà bị khởi tố, Hòa và Hà đã bán hết toàn bộ số nền đã phân lô cho hơn 40 người và thu lợi gần 4.000.000.000 đồng.
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã truy tố ra trước Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đối với các bị can về tội:
1/. TRẦN THỊ HÀ (giám đốc công ty Thành Phát)) để xét xử về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Đưa hối lộ”, theo điểm a khoản 4 Điều 139 và điểm a khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009. Hành vi bị truy tố: Trần Thị Hà đã có hành vi câu kết cùng Hà Văn Hòa dùng nhiều thủ đoạn gian dối trong việc lập hồ sơ dự án xây dựng khu dân cư và khu công nghiệp sạch tại xã Đông Thạnh – Hóc Môn để trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, Trần Thị Hà đã dùng hồ sơ dự án này đưa vào thế chấp vay và chiếm đoạt tổng số tiền, vàng là 3.000 lượng vàng SJC và 18.000.000.000 đồng VN của Ngân hàng No&PTNT chi nhánh Chợ Lớn.
Để thực hiện trót lọt hành vi gian dối nhằm lừa đảo chiếm doạt tài sản, Hà đã dùng tiền cá nhân và tiền chiếm đoạt của Ngân hàng để đưa hối lộ cho nhiều người có chức vụ, quyền hạn tại huyện Hóc Môn và Ngân hàng No&PTNT chi nhánh Chợ Lớn với tổng số tiền là 2.250.000.000 đồng và 5.000 USD.
2/. HÀ VĂN HÒA tự Nguyễn Thiên Hòa (phó giám đốc công ty Thành Phát) để xét xử về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Đưa hối lộ”, theo điểm a khoản 4 Điều 139 và điểm a khoản 4 Điều 289 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009. Hành vi bị truy tố:
Hà Văn Hòa đã có hành vi cấu kết cùng Trần Thị Hà dùng nhiều thủ đoạn gian dối trong việc lập hồ sơ dự án xây dựng khu dân cư và khu công nghiệp sạch tại xã Đông Thạnh – Hóc Môn để trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, Trần Thị Hà đã dùng hồ sơ dự án này đưa vào thế chấp vay và chiếm đoạt tổng số tiền, vàng là 3.000 lượng vàng SJC và 18.000.000.000 đồng VN của Ngân hàng No&PTNT chi nhánh Chợ Lớn.
Để thực hiện trót lọt hành vi gian dối nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Hà Văn Hòa đã dùng tiền cá nhân và tiền chiếm đoạt của Ngân hàng để đưa hối lộ cho nhiều người có chức vụ, quyền hạn tại huyện Hóc Môn với tổng số tiền là 850.000.000 đồng.
3/. NGUYỄN VĂN KHỎE ( Nguyên là chủ tịch UBND huyện Hóc Môn ) để xét xử về tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, theo khoản 3 Điều 281; điểm a khoản 4 Điều 279 và điểm b khỏan 2 Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009. Hành vi bị truy tố:
Nguyễn Văn Khỏe với tư cách là chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, do có mối quan hệ quen biết với Hà Văn Hòa và Trần Thị Hà nên đã nhiều lần ký và chỉ đạo cho cấp dưới xác nhận không đúng thực tế giúp Hà, Hòa qua mặt các cơ quan chức năng trong quá trình xin và được phê duyệt dự án sử dụng đất tại xã Đông Thạnh – Hóc Môn. Đồng thời Khỏe cũng đã nhiều lần nhận tiền, quà và những lợi ích vật chất khác từ Hà, Hòa. Trong đó, tổng số tiền, quà biếu mà Khỏe đã nhận là 10.000 USD, 730.000.000 đồng và ½ chiếc sừng tê giác, trị giá 10.000 USD; tổng số tiền nhận hối lộ là 1.400.000.000 đồng và số tiền mà Khỏe nhận của Trần Thị Hà thông qua việc lợi dụng ảnh hưởng của mình để tác động tới người khác là 5.000 USD và 50.000.000 đồng.
4/. TRẦN VĂN TÈ (nguyên Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) để xét xử về tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ” và “Nhận hối lộ”, theo khoản 3 Điều 281 và điểm a khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009. Hành vi bị truy tố:
Trần Văn Tè với tư cách là chủ tịch xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, có hành vi tự ý hoặc theo sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Khỏe để ký xác nhận không đúng thực tế giúp Hà, Hòa trong quá trình làm dự án sử dụng đất tại xã Đông Thạnh – Hóc Môn. Thông qua việc thực hiện những hành vi sai trái trên Tè đã nhận của Hà, Hòa tiền, trong đó có tiền, quà biếu gồm 01 tivi TOSHIBA 45 in, trị giá 36.000.000 đồng, 01 điện thoại di động, trị giá 5.000.000 đồng; mượn 300.000.000 đồng, tiền chênh lệch bất chính do bán đất giá cao 400.000.000 đồng và tiền hối lộ 200.000.000 đồng.
5/. ĐẶNG CÔNG DANH (Giám đốc Công ty TNHH XD TM DV Danh Khoa - quận 12) để xét xử về tội: “Làm môi giới hối lộ”, theo điểm a khoản 4 Điều 290 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009. Hành vi bị truy tố:
Đặng Công Danh có hành vi móc nối giữa Hà, Hòa với Nguyễn Văn Khỏe, để Khỏe giúp Hà, Hòa trong việc lập hồ sơ thực hiện dự án sử dụng đất tại xã Đông Thạnh – Hóc Môn. Đồng thời Danh cũng là người nhận tổng số tiền 400.000.000 đồng từ Hà, Hòa để đưa lại cho Khỏe sau những lần mà Khỏe giúp đở cho Hà, Hòa thực hiện được những việc nêu trên (tuy nhiên, Khỏe chỉ thừa nhận đã nhận 300.000.000 đồng, còn 100.000.000 đồng Danh phải chịu trách nhiệm)
6/. DƯƠNG MINH TRUNG (Nguyên Trưởng phòng Tài chính kế hoạch và đầu tư huyện Hóc Môn) để xét xử về tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ”, theo khoản 3 Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009. Hành vi bị truy tố:
Dương Minh Trung với tư cách là Trưởng phòng Tài chính kế hoạch và đầu tư huyện Hóc Môn, đã có hành vi ký xác nhận không đúng thực tế giúp Hà, Hòa trong quá trình lập hồ sơ dự án sử dụng đất tại xã Đông Thạnh – Hóc Môn. Tuy không được thỏa thuận từ trước nhưng trong quá trình quan hệ,Trung được Hà, Hòa cho 90.000.000 đồng và cho mượn 2.252.000.000 đồng.
7/. NGUYỄN VĂN DÒ (nguyên cán bộ địa chính xã Đông Thạnh) để xét xử về tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ”, theo khoản 3 Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009. Hành vi bị truy tố:
Nguyễn Văn Dò với tư cách là cán bộ địa chính xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, đã có hành vi ký xác nhận không đúng thực tế giúp Hà, Hòa trong quá trình lập hồ sơ dự án sử dụng đất tại xã Đông Thạnh – Hóc Môn. Tuy không được thỏa thuận từ trước nhưng trong quá trình quan hệ, Dò được Hà Văn Hòa dẫn đi ăn uống nhiều lần.
8/. NGUYỄN CÔNG ĐỊNH (nguyên cán bộ tín dụng Ngân hàng No&PTNT chi nhánh Chợ Lớn)để xét xử về tội: “Nhận hối lộ”, theo điểm a khoản 3 Điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009. Hành vi bị truy tố:
Nguyễn Công Định với tư cách là cán bộ tín dụng Ngân hàng No&PTNT chi nhánh Chợ Lớn, đã bỏ qua nhiều quy định của Nhà nước trong việc xét duyệt, thẩm định và xét cho vay, tạo điều kiện sơ hở cho Hà, Hòa chiếm đoạt 3.000 lượng vàng SJC và 18.000.000.000 đồng của Ngân hàng No&PTNT chi nhánh Chợ Lớn. Đồng thời thông qua việc này Định đã nhận của Hà số tiền 199.000.000 đồng.
9/. TRẦN VĂN TUYẾN (nguyên Giám đốc NHNo&PTNT chi nhánh Chợ Lớn) để xét xử về tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo khoản 3 Điều 179 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009. Hành vi bị truy tố: Trần Văn Tuyến với tư cách là giám đốc Ngân hàng No&PTNT chi nhánh Chợ Lớn, đã bỏ qua nhiều quy định của Nhà nước trong việc xét duyệt, thẩm định và xét cho vay, tạo điều kiện sơ hở cho Hà, Hòa chiếm đoạt 3.000 lượng vàng SJC và 18.000.000.000 đồng của Ngân hàng No&PTNT chi nhánh Chợ Lớn.
10/. LƯU THỊ MINH HIỀN (nguyên phó giám đốc NHNo&PTNT chi nhánh Chợ Lớn) để xét xử về tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo khoản 3 Điều 179 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009. Hành vi bị truy tố:
Lưu Thị Minh Hiền với tư cách là Trưởng phòng Tín dụng Ngân hàng No&PTNT chi nhánh Chợ Lớn, đã bỏ qua nhiều quy định của Nhà nước trong việc xét duyệt, thẩm định và xét cho vay, tạo điều kiện sơ hở cho Hà, Hòa chiếm đoạt 3.000 lượng vàng SJC và 18.000.000.000 đồng của Ngân hàng No&PTNT chi nhánh Chợ Lớn.