Chất làm trái chín nhanh: Vấn đề ở khâu kinh doanh hóa chất và cách sử dụng
Dòng chảy - Ngày đăng : 11:03, 19/08/2011
Công đoạn sau thu hoạch và chất “xử lý” trái cây
Ở nhiều nước trên thế giới, việc sử dụng hóa chất “xử lý” trái cây trong các công đoạn sau thu hoạch rất phổ biến. Sau khi hái, người ta dùng nước làm sạch (rửa) bụi đất, trứng và côn trùng bám vào vỏ trái cây. Kế đến ngâm trái cây vào thuốc diệt nấm bệnh, một số trái xông lưu huỳnh với nồng độ và cách thức nhất định (riêng trái nhập vào Nhật Bản phải ngâm nước nóng 500C; vào Hoa Kỳthì phải chiếu xạ). Người ta cũng dùng chất điều hòa sinh trưởng để kéo dài độ tươi tốt của trái; dùng ethrel (một chất điều hòa sinh trưởng) tạo màu vỏ và thúc đẩy sự chín của trái đồng đều trước khi đóng gói, bảo quản, tăng mỹ quan. Vì thế trái cây có thể vận chuyển đi xa và bảo quản hai ba tháng, thậm chí cả năm.
Ở nước ta, ngoài các doanh nghiệp xuất khẩu, việc sử dụng hóa chất xử lý trái cây ở các công đoạn sau thu hoạch chưa được áp dụng dẫn đến trái cây hư hỏng rất nhiều. Dự đoán hư hao trong giai đoạn sau thu hoạch trái cây của một số dự án về rau quả là 20 - 25%. Ngược lại, khi áp dụng phương pháp bảo quản, tỷ lệ hư hao rất thấp.
Nói thêm về chất làm “trái chín nhanh”
Trong tự nhiên, etylen có trong tất cả các mô của cây, tham gia trong quá trình trao đổi chất ở trong cây. Khi etylen tăng cường hoạt động ở trong trái cây làm chín trái. Ở những lĩnh vực khác etylen làm tăng mủ cao su, tăng tỷ lệ hoa cái ở các cây họ bầu bí...
Theo các báo cáo khoa học, dùng ethrel nhân tạo chủ động cho trái cây đủ độ già thu hái chín đồng loạt, giảm thiểu hao hụt và làm cho chất lượng trái tốt hơn. Etylen nhân tạo có được do pha ethrel vào nước, mà ethrel, theo các chuyên gia hóa học là một acid có tên chloroethyl phosphonic, acid - CEPA (hoặc ACEP) dạng lỏng, không màu đến hổ phách nhạt, tan dễ dàng trong nước. Người ta đã tạo ra chế phẩm của ACEP có tên là ethrel, ethephon, ethefon, camposan, arvest... Nhúng cả trái hoặc tiêm etylen nhân tạo vào lõi, giúp trái mau chín. Sự hiện diện của etylen trong trái giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong trái, làm trái mau chín.
Theo các chuyên gia hóa học, ethrel có những độc tính nhất định và chỉ xếp vào loại chất độc nhẹ, không phải là một chất “cực độc” hay “cực nguy hiểm” như một số thông tin đã đưa. Các nghiên cứu trên người về độc tính của ethrel cho thấy: đối với mắt, ethrel gây kích ứng, xót mắt, gây đỏ mắt; với da, nếu tiếp xúc trực tiếp sẽ có hiện tượng ăn mòn, gây sưng đỏ. Khi dùng ethrel cần đeo găng tay và đeo kính để tránh tác hại cho cơ thể.
Cho đến nay, chưa có một thông báo nào về nguy cơ gây ung thư hay những ảnh hưởng trên các cơ quan khác của cơ thể về lâu dài. GS. Nguyễn Quang Thạch, viện trưởng sinh học nông nghiệp, Đại học nông nghiệp 1 cho biết, hoạt chất ethrel ở trạng thái dung dịch, khi bôi hoặc ngâm trái sẽ sản sinh ra chất khí etylen thúc đẩy enzym giúp trái nhanh chín. Ông Thạch cho biết nếu dùng ở nồng độ bình thường (!) etylen có tác dụng làm trái chín nhanh hơn, hình thức đẹp hơn, tuy hương vị có thể không bằng trái chín tự nhiên nhưng hoàn toàn không gây độc hại.
Lệch lạc trong kinhdoanh hóa chất và cách sử dụng
Ở nước ta, ethrel nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật; được phép sử dụng làm chất điều hòa sinh trưởng thực vật với công dụng là kích thích mủ (cao su), kích thích hoa ở nhãn, vải, xoài, thanh long (Quyết định số 23/2007/QĐ-BNN ngày 28/3/2008). Mấy năm trước, do biết tác dụng rộng rãi của ethrel, Công ty Thạnh Lộc cho ra đời “Phân làm trái chín” đã gây ra tổn thất cho nhà vườn và doanh nghiệp do người tiêu dùng khước từ “trái cây nhúng phân”. Mới đây công ty này lại cho ra thị trường “Sản phẩm HPC-97 HXN trái chín” và có ghi thành phần là chất điều hòa sinh trưởng, có ghi liều lượng sử dụng... Tuy nhiên, “gốc” vẫn là thuốc bảo vệ thực vật và dư luận đang xôn xao về chất điều hòa sinh trưởng trên rau quả, đã lại gây ra sự hiểu sai lệch trong cộng đồng. Hơn nữa, việc sử dụng bừa bãi, đặc biệt là thu hái trái chưa đủ độ già rồi nhúng “thuốc” cho nhanh chín của nông dân, nhà thu gom hay thương lái là việc làm sai lệch, khó chấp nhận.
Theo nhận định của các nhà khoa học, có thể không quá lo lắng về tác hại của ethrel gây ra trong quá trình giú chín hoa quả. Tuy vậy rất cần chấn chỉnh việc quản lý hóa chất, sản xuất, lưu thông và sử dụng ethrel và etylen để phòng ngừa việc sản xuất “phân làm trái chín”, “thuốc bảo vệ thực vật làm trái chín”; người buôn bán hoa quả lạm dụng ethrel và etylen quá liều cho trái xanh thành trái chín, chất lượng thấp. Đặc biệt là ngăn chặn chất bảo quản không nhãn mác tràn vào thị trường. Doanh nghiệp sản xuất thuốc phải đăng ký và được phép của cơ quan quản lý đúng chuyên ngành. Các doanh nghiệp sử dụng thuốc bảo quản phải đăng ký quy trình; trong đó các hóa chất tham gia bảo quản không được tồn dư quá mức cho phép trong trái cây. Việc dùng các loại hóa chất để bảo quản trái cây mang ý nghĩa kinh tế - kỹ thuật nhưng phải tuân theotrình tự công việc và nguyên tắc khoa học.