Bọ xít ở Việt Nam có gây bệnh?
Dòng chảy - Ngày đăng : 08:50, 05/07/2013
Bọ xít “ta” và bọ xít “Tây”
Bọ xít mà người dân phát hiện và được các phương tiện truyền thông đề cập thật ra không phải loài mới du nhập mà đã có từ lâu ở nước ta. Tất cả những ai từng sống ở nông thôn đều dễ dàng nhận biết loài côn trùng này. Chúng có mùi hôi đặc trưng, sống trên tường đất hoặc mái tranh, ở giường chiếu bẩn. Loài bọ xít này có tên khoa học là Triatoma, thuộc họ Triatominae, là loài bọ xít hút máu người và động vật. Có 138 loài bọ xít thuộc họ Triatominae phân bố ở châu Mỹ và châu Phi có thể truyền bệnh như Triatoma barberi ở Mexico, Triatoma brasiliensis ở Brasil, Triatoma infestans ở Bolivia, Rhodnius prolixus, Panstrongylus megistus... Bọ xít này là vật trung gian truyền bệnh Chagas, một bệnh do ký sinh trùng Trypanosoma cruzi gây ra. Bệnh này hoành hành ở khu dân cư kém vệ sinh, nhà tranh vách đất, vùng ngoại ô nghèo...
Ký sinh trùng Trypanosoma cruzi sống trong ruột của bọ xít rồi biệt hóa thành dạng lây nhiễm trypomastigotes, được thải qua phân trên da bệnh nhân, gần chỗ hút máu mà xâm nhập vào vết cắn, hoặc ký sinh trùng từ phân của bọ xít thải trên tường nhà xâm nhập qua niêm mạc bệnh nhân, nhất là kết mạc mắt. Ký sinh trùng vào máu có thể đi đến nhiều cơ quan như tim, gan, lách, hạch lympho gây sốt, hạch to, gan lách to, viêm cơ tim, viêm quanh hốc mắt, bệnh có thể cấp tính gây tử vong hoặc mãn tính kéo dài hàng chục năm.
Để chẩn đoán bệnh Trypanosoma cruzi, phải lấy máu bệnh nhân nhuộm Giemsa tìm ký sinh trùng, đồng thời bắt bọ xít, lấy ruột đem nhuộm, tìm ký sinh trùng, hoặc có thể cho bọ xít cắn vào bệnh nhân nghi bị nhiễm ký sinh trùng rồi lấy ruột bọ xít tìm ký sinh trùng,...
Ở Việt Nam từ trước đến nay, chưa phát hiện bệnh do Trypanosoma cruzi gây ra, nghĩa là ký sinh trùng Trypanosoma cruzi chưa hiện diện ở người Việt Nam, do đó bọ xít ở Việt Nam nếu có hút máu người cũng không lan truyền được bệnh này vì không có ký sinh trùng gây bệnh ở vật chủ. Tuy nhiên, ở nước ta cũng có một số loài ký sinh trùng Trypanosoma spp gây bệnh ở động vật, vấn đề chúng có khả năng gây bệnh cho người qua vật trung gian là bọ xít hay không thì cần được nghiên cứu thêm.
Cần cảnh giác nhưng không hoang mang!
Mặt khác, hiện nay do điều kiện kinh tế xã hội thay đổi, làn sóng du lịch, di cư xảy ra toàn cầu nên chúng ta cũng cần quan tâm đến mầm bệnh Trypanosoma cruzi có thể du nhập vào nước ta do du khách đến từ châu Phi, Nam Mỹ. Nếu những du khách này du lịch sinh thái vào các vùng nông thôn, rừng núi ở Việt Nam và bị bọ xít hút máu thì viễn cảnh mầm bệnh lan rộng ở Việt Nam là điều có thể.
Điều cần thiết hiện nay là phòng tránh bị bọ xít cắn và không nên hoang mang vì vẫn chưa chứng minh được bọ xít ở Việt Nam có mang mầm bệnh Chagas. Tuy đặc điểm của chúng là hút máu người, gây ngứa tại chỗ nhưng về bệnh học không gây bệnh, không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Để phòng ngừa, cần dọn vệ sinh nhà cửa thường xuyên, nếu người dân phát hiện trong nhà có ổ bọ xít, có thể dùng các loại thuốc diệt côn trùng để xịt. Trường hợp bọ xít xuất hiện nhiều, người dân báo với trung tâm y tế dự phòng ở phường, xã... để được phun thuốc phòng lây sang các nhà khác.