Diện mạo mới của một vùng “bưng biền kháng chiến”
Dòng chảy - Ngày đăng : 21:51, 28/04/2016
Con kênh mang tấm lòng Đảng bộ
Hơn 15 năm trước, bí thư huyện ủy Đức Huệ - Nguyễn Văn Diệp (Bảy Diệp) hay đưa tôi đi Mỹ Quý Tây. Vùng này khi ấy mới ra giêng đất đã khô nẻ, cây cỏ úa héo, bưng sình không còn một vũng nước cho trâu nằm. “Tôi xót xa vô cùng khi nông dân quay lưng với đất chỉ vì thiếu nước để sản xuất. Tôi đi các cơ quan tỉnh và trung ương đưa hồ sơ xin đầu tư đào kênh Mỹ Bình để vừa cải tạo đất vừa làm tuyến phòng thủ biên giới. Đừng trách sao dân Mỹ Quý Tây quay lưng với đất để đổ xô đi mang vác mướn hàng lậu. Bọn em cháu đi bị bắt, cứ nhè tên “Bảy Diệp” mà réo, nghe thắt ruột lắm! Tôi thấy mình có lỗi”... Từ đó, bí thư huyện ủy kiên trì theo đuổi dự án suốt 5 năm, kênh Mỹ Bình mới được đào, đưa nước ngọt hồ Dầu Tiếng qua sông Vàm Cỏ Đông dẫn về suốt 5 xã biên giới của huyện mà “đổi đất đổi đời”cho người dân.
Có một “vương quốc” của... trâu
Chiều xuống bưng Cóc Rinh. Từ cửa khẩu Ba Thu, từng bầy trâu đông đặc nối nhau về chuồng sau một ngày sang ăn cỏ bên đất bạn. Anh Chúng cho biết, nhờ xây dựng được đường biên giới hữu nghị tốt đẹp mà mùa khô đất bạn bỏ trống, bà con mình lùa trâu sang ăn cỏ thoải mái. Còn mùa nước nổi, bên mình có đất trống, kêu bạn lùa trâu sang cũng... thoải mái luôn! Tiếng “bạn” anh gọi nghe thân thiết lắm. Bây giờ người dân hai bên đã là bạn láng giềng của nhau, nên giỗ, tết, tiệc tùng hay bất cứ đám gì cũng mời nhau, đến với nhau thật thân tình, vui vẻ.
Anh Chúng đưa tôi đi dọc tuyến 50 căn nhà tình nghĩa của Quân khu 7 tặng cho các đối tượng chính sách xã Mỹ Quý Tây đều quay mặt ra đường tuần tra quốc phòng; nhà nào cũng có chuồng trâu nuôi 4 - 5 con trở lên và vuông sân râm mát bóng cây yên lành. Anh cho biết, cả ấp Cóc Rinh đang có đàn trâu trên 2.000 con. Anh bảo, Hội cựu chiến binh (CCB) nhận tiền quỹ xóa đói giảm nghèo về bình xét, cho anh chị em hội viên vay. Anh đưa tôi tới nhà CCB Phạm Văn Hận. Ngôi nhà ngói to giữa tư bề vườn cây ao cá, chuồng trại chăn nuôi. Anh Hận cho biết, ban đầu anh chỉ được vay tiền đủ nuôi 1 con trâu nái, 10 năm sau anh đã có đàn trâu gần 30 con và từ trâu, anh có tiền nuôi cậu con trai đầu học đỗ bằng thạc sĩ kinh tế và 2 con trai sau đứa bác sĩ, đứa kỹ sư. Đến nhà CCB Tô Văn Chén, thấy anh đang dỡ nhà cũ vách đất mái đưng. Anh vén lớp màn chống muỗi cho tôi thấy trong chuồng có 48 con trâu bố mẹ và các thế hệ con cháu nhà trâu. “Ấy là tui đã bán hơn 20 con để có tiền cho bầy con 4 đứa ăn học. Bây giờ các cháu học hành xong, ra làm việc hết rồi, nên tui phá bỏ nhà cũ tạm bợ để xây lại cái nhà mới cho đàng hoàng và tiện nghi hơn”, anh Chén nói thật lòng. Anh Chúng bảo, phần đông hộ CCB ở đây đều như thế cả chứ không riêng gì anh Hận hay anh Chén đâu.
Đổi thay ở vùng kháng chiến
Anh Chúng nhớ lại, anh theo kháng chiến từ năm 15 - 16 tuổi, khi chưa biết chữ. Năm năm sau ngày thống nhất đất nước anh mới đưa vợ con về lại Cóc Rinh. Lúc đó, Cóc Rinh còn đầy nhà không vườn trống, chỉ lưa thưa mấy bụi tre gai sống sót. Anh bắt đầu nhập cuộc. Với vốn chữ nghĩa học được trong những năm ở bộ đội, anh lao vào chống giặc dốt. Hồi ấy, chỉ hô một tiếng là bà con tự kiếm vật liệu đem tới. Và ngôi trường làng “lịch sử” đầu tiên ở Cóc Rinh - Mỹ Quý Tây ra đời với mái đưng vách đất, để rồi người lớn đến học xóa mù chữ cùng trẻ con. Ban đêm thầy trò cùng chong đèn dầu mà dạy và học. Thầy cô giáo từ Đức Hòa đến chi viện, cùng ăn cùng ở với học trò chứ có lương hướng gì đâu. Cuối năm, thầy và trò mang gàu mang nơm ra bưng tát vũng hoặc mò hố bom bắt cá để ăn tết và xẻ khô, làm mắm để dành ăn dần trong suốt mùa khô.
Đêm. Ánh đèn điện sáng rực khắp đồng bưng Cóc Rinh - Tho Mo đầy bóng tre. Đường tuần tra, đường phòng thủ ven biên giới đều láng bê tông, người dân kéo nhau đi hóng mát. Các đường giao thông nông thôn dọc ngang trong xã, trong ấp đều trải sỏi đỏ. Các giếng nước ngầm chuyển nước về bể xử lý và bơm lên các tháp nước để cung cấp nước sạch cho dân xài. Ở nhà anh Chúng, tôi được tắm nước máy như ở thành thị. Hôm ấy cả nhà anh quây quần bên đống dưa gang mới thu hoạch để tuyển lựa đặng đưa ra chợ Tho Mo, vợ anh nói với tôi: thấy ảnh gần 20 năm làm chủ tịch Hội CCB xã, kêu thôi, nghỉ để về dưỡng già, ảnh cự: “Gần 500 CCB trong xã còn níu chân anh lại, lẽ nào anh bỏ về nhà cho được”! Ngày nào anh cũng sáng đi tối về. Anh đến từng nhà động viên, nhắc nhở con em CCB học để bù lại cho lớp người như anh bị thiệt thòi trong thời chiến cả xã không có một mái trường, không có người dạy học; rằng chỉ có học, có nâng cao dân trí mới làm được dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Bây giờ xã đã có đủ trường lớp khang trang từ mẫu giáo đến cấp 3. Ngôi trường THPT Mỹ Quý Tây với 3 dãy lầu 4 tầng đồ sộ, đủ cho học sinh tự hào về bộ mặt giáo dục tươi sáng của xã nhà. Kế ranh biên giới, một cơ sở với hơn 10 máy dệt lưới cước gia công cho một công ty ở TP.HCM đang hoạt động, đó là nét công nghiệp mới nhất mà tôi thấy được ở Cóc Rinh.