Áp dụng tư tưởng của F. de Saussure vào ngôn ngữ học tại Việt Nam
Dòng chảy - Ngày đăng : 09:57, 23/12/2016
PGS.TS. Đặng Ngọc Lệ, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Phát biểu tại hội thảo: tác phẩm GTNNHĐC đã nêu ra những vấn đề cực kỳ quan trọng như sự phân biệt ngôn ngữ và lời nói trong hoạt động ngôn ngữ, vấn đề ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu, vấn đề đồng đại, lịch đại, quan hệ hình tuyến, quan hệ liên tưởng, học thuyết giá trị trong ngôn ngữ…
Những luận điểm cơ bản về những vấn đề này của F.de Saussure được các nhà ngôn ngữ học của thế kỷ XX luôn luôn đề cập đến, khi bàn về những vấn đề cơ bản của thuyết ngôn ngữ học đại cương. Những luận điểm trong GTNNHĐC không những có tầm quan trọng đối với những người nghiên cứu ngôn ngữ học mà còn mở rộng đến những người nghiên cứu các lĩnh vực khoa học xã hội khác như văn học, triết học, tâm lý học…
Các đại biểu tham dự tại Hội Thảo
GS.TS. Đinh Văn Đức, ĐH Quốc Gia Hà Nội, nhấn mạnh quan điểm của Saussure ảnh hưởng đến các nhà ngôn ngữ đời sau chính là ở chỗ coi ngôn ngữ không phải là tập hợp của những hiện tượng lẻ tẻ, rời rạc mà là một hệ thống giá trị. Người ta có thể thực hiện được các hành động giao tiếp (nói với nhau) là nhờ vào tính chất hệ thống.
Tư tưởng hệ thống bao hàm một cách triệt để và rất có ý nghĩa. Kí hiệu và hệ thống là một khối hữu cơ và nhờ liên hệ hữu cơ các kí hiệu ngôn ngữ mới vận hành kết quả. Ngôn ngữ không là cái kho mà là một bộ máy, trong đó là cả một hệ thống quan hệ nội tại. Saussure đã “cải tạo hoàn toàn khoa học ngôn ngữ ở thời đại chúng ta”.
Tại hội thảo, các nhà ngôn ngữ học đã đưa ra các luận chứng việc áp dụng tư tưởng của Saussure tại Việt Nam. Ngay từ năm 1937, Nguyễn Văn Tố đã nhắc đến Ferdinand de Saussure trong một bài viết về Trương Vĩnh Ký - Pétrus Ký (1837 – 1898). Sau 1955, ở miền Nam tên tuổi của Saussure trong hàng loạt công trình về ngôn ngữ học, dân tộc học, văn học và triết học với những nhà nghiên cứu như Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đình, Lê Tôn Nghiệm… Năm 1974, ở miền Bắc GTNNHĐC được dịch và xuất bản. Ngày nay đã rõ đóng góp của GTNNHĐC vào Khoa học Nhân văn nói chung.