Nhân năm Dậu, nói chuyện mật khẩu

Dòng chảy - Ngày đăng : 15:33, 20/01/2017

Tào Tháo đang đóng quân ở Tà Cốc để đánh với quân Thục, muốn tiến thì bị quân Mã Siêu chặn lại kỹ quá, định rút lui nhưng còn sợ chê cười.

KHPT- Một buổi chiều tà, trong căn lều nhỏ, đang ngồi trầm ngâm suy tính, Tào Tháo được một hỏa đầu quân bưng lên dâng cho một bát canh gà, trong đó có mấy cái gân gà hiện ra lởn vởn như là hình ảnh của thực tại "tiến thoái lưỡng nan".

nam_dau_3

Đột nhiên, Hạ Hầu Đôn bước vào xin "khẩu lệnh" để cho quân sĩ canh gác và tuần tiễu ban đêm, Tháo buột miệng nói luôn: "Gân gà! Gân gà!". Đôn lui ra truyền lại cho quân sĩ. Quan hành quân chủ bộ Dương Tu nghe được bèn cho quân thu xếp quân trang, quân dụng để sẵn sàng rút lui. Thấy vậy, Đôn giật mình chạy đến hỏi, Tu giải thích: "Cứ hai tiếng "gân gà” mà suy thì tôi tin Nguy Vương sẽ cho lui quân nay mai. Gân gà vốn không có thịt, dai lắm nhưng thơm thơm béo béo nên khó bỏ, cũng như thế trận này đó. Quân ta bây giờ tiến lên thì không nổi mà lui thì sợ người ta cười nhưng cuối cùng rồi cũng lui. Vì vậy, tôi cho ba quân sẵn sàng để ngày mai khỏi lục đục". Đôn vô tình chẳng hiểu nên lại khen: "Ngài rõ thật thông minh, suy đoán mà biết rõ bụng dạ của Ngụy Vương". Đôn cũng cho quân sĩ làm y như Dương Tu bảo. Đêm ấy, Tào Tháo đi tuần, thấy sự thể như vậy mới hỏi tra cho đòi Dương Tu đến. Tu lại một lần nữa giải thích khẩu hiệu "gân gà”. Tào Tháo nghe qua nổi giận quát: "Sao mà ngươi dám bày chuyện vu vơ làm rối loạn lòng quân. Đao phủ đâu, hãy đem xử tử tên này và bêu đầu ngoài viên môn để răn dạy ba quân cho ta!". Thế là cái đầu Dương Tu bị rơi, nhưng nghĩ lại chẳng phải vì một lần này mà nên nông nỗi ấy đâu mà còn có sự ghen ghét chứa chất đã lâu ngày rồi.

nam_dau_1
Có một lần, Tào Tháo đến xem qua nhóm thợ đang làm cái cổng của một hoa viên mới lập, chẳng khen chê gì cả mà chỉ viết một chữ "Hoạt" phía trong cửa vườn rồi đi. Chẳng ai biết ất giáp gì, nhóm thợ được Dương Tu giảng cho nghe: "Chữ "môn" (cửa) mà có chữ "Hoạt" bên trong là chữ "Khoát", có nghĩa là rộng. Nhóm thợ bèn sửa cho hẹp lại. Hôm sau, Tháo ra xem, thấy vậy vui vẻ hỏi: Ai mà biết ý ta vậy? Kẻ tả hữu thưa: "Thưa Thừa Tướng, đấy là ngài Dương Tu đấy". Tháo khen họ Dương nhưng sự để tâm đã có từ đó.
Một lần khác, có người Ải Bắc dâng cho một thố cơm rượu, Tháo cầm bút viết lên nắp thố mấy chữ "Nhứt hiệp tô” rồi cho để trên bàn mà đi. Dương Tu bước vào thấy vậy bèn cho người lấy chén muỗng múc ra mời các người khác cùng ăn. Ăn xong, Tháo hỏi, Tu thưa: "Trên thố ấy, Thừa Tướng có ghi rõ "nhứt hiệp tô” có nghĩa là: "nhứt nhơn nhất khẩu tô”, mỗi người được một miếng cơm rượu cho nên chúng tôi vâng theo lời Thừa Tướng đã cho phép đó mà ăn. (2 chữ "nhất" và "hợp" phân ra thành được 4 chữ: "nhất nhân nhất khẩu"). Tào Tháo cười hỉ hả cho xong chuyện nhưng lại sinh lòng ghét thêm. Rồi một lần khác nữa, Tháo đang ngủ làm rớt mền đắp, tên hầu cận kéo đắp lại. Nhưng Tháo lại vùng dậy, tuốt gươm chém tên đó rồi trở lại nằm ngủ như thường cho đến một lúc sau mới trở dậy, hớt hải hỏi kẻ tả hữu: "Ai dám giết người hầu của ta ở đây?". Những người khác vô tình thưa lại đầu đuôi, Tháo khóc òa lên và ra lệnh cho chôn cất tử tế xong quay ra bảo những người xung quanh một cách ra vẻ ân cần: "Ta hay ngủ và mê  ngủ chuyện giết người. Vậy từ nay những kẻ hầu ta hay bất kỳ ai hãy lánh xa nơi ta đang ngủ kẻo bị chết oan mà tội nghiệp". Những người khác nghe qua tưởng Tháo mê ngủ mà giết người thật nên tin theo. Dương Tu vừa chỉ tay vào quan tài kẻ xấu số vừa lẩm bẩm nói: "Không phải Thừa Tướng mê ngủ đâu mà chính nhà ngươi mới là kẻ mê ngủ đó”. Có người mách lại, Tháo càng thêm ghét cay ghét đắng Dương Tu. Cho nên, cái vụ "gân gà” xảy ra, Tháo mới có duyên cớ chính đáng để trút hết nỗi lòng dồn ép của mình.

nam_ga
Kể ra "mật khẩu" mà dám suy diễn thành ra một lối hài hước như vậy, cho dù có đúng với tâm trạng họ Tào đi nữa thì Dương Tu quả thật là ngông cuồng dám đùa với quân lệnh để nhận cái chết vô lý. Nhưng cái duyên do đã làm cho họ Dương không còn có lần nào nữa để đùa giỡn là kết quả của sự xung khắc giữa hai bản ngã con người.
Một đàng thì thủ đoạn, đa nghi, luôn luôn rắp ranh hại kẻ có tài hơn mình, còn một bên thì quá ngang tàng thành kiêu căng, không lường được hậu quả, đã quá cậy tài mà làm chạm lòng tự ái kẻ khác. "Có tài mà cậy chi tài, chữ tài gồm với chữ tai một vần" không phải là một câu chơi chữ thật.

Nguyễn Xuân Hiển